Nhái ngôi sao, ngôi sao nhái
SÂN KHẤU.- Hiện tượng một số nghệ sĩ trẻ bắt chước y chang các ngôi sao tài danh đang diễn ra như một cơn sốt. Các ngôi sao nhái xuất hiện như một bản sao của thần tượng sẽ đưa nghệ thuật đến đâu?
Trong quá trình đến với nghệ thuật, có người biết khai thác năng khiếu bẩm sinh cộng với nghị lực lao động, học tập để vươn lên, nhưng cũng có người chỉ thích sống bám vào tên tuổi người khác để hưởng lợi. Những năm qua, hiện tượng bản sao trên sân khấu cải lương, hài kịch và ca nhạc đã bị dư luận phê phán. Hiện tượng đó không chỉ hạ thấp danh dự của người làm nghệ thuật, mà còn là mầm độc đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ đang cố vươn lên bằng... con đường tắt, hậu quả là khó hoặc không bao giờ đến đích!
Cơn sốt nhái... ngôi sao!
Ở lĩnh vực cải lương bản sao của Minh Cảnh có Minh Minh Tâm, Vương Cảnh, Ngân Cảnh...; của Minh Phụng có Tân Minh Phụng, Phương Minh Phụng, Minh Y Phụng...; của Minh Vương có Hoàng Minh Vương, Vũ Minh Vương, Tân Minh Vương, Minh Minh Vương... Một anh kép tỉnh cho mình có khả năng bắt chước giọng ca của ba thần tượng Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng và anh đã bạo gan tự đặt nghệ danh là Vương Cảnh Phụng (!?). Bản sao của Vũ Linh có Vũ Luân; Kim Tử Long có Kim Tiểu Long... Bên dàn đào, cơn sốt hàng nhái Lệ Thủy có Kim Lệ Thủy, Lệ Thu Thảo, Hương Lệ Thủy...; Thanh Kim Huệ có Ngân Huệ, Phương Huệ, Linh Huệ...; Mỹ Châu có Lệ Châu, Mộng Nghi... Ở tấu hài có Chung Chung, Bắc Chung, Tiểu Bảo Chung... (bắt chước danh hài Bảo Chung); Thanh Bắc, Thanh Hậu... (bắt chước Thanh Nam); Tơ Hồng (bắt chước Hồng Tơ); Tiểu Bảo Quốc (bắt chước Bảo Quốc)...
Đền bù 10 cây vàng để... đổi tên!
Cách đây không lâu tại một tụ điểm ca nhạc, giới ca sĩ đã từng bàn tán xôn xao về vụ ca sĩ T.N và một ngôi sao ẩu đả, vì không chịu nhường nhau một bài hát đang ăn khách. Tương tự, hiện tượng nhái ngôi sao đã giúp cho ca sĩ trẻ P.A đắt sô vì cô cố tình hát giống Phương Thanh nhưng giá cát-sê thấp. Và dĩ nhiên nhiều ông bầu có máu gian lận đã quảng cáo theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó để câu khách. Khi khán giả phản đối việc giới thiệu có Phương Thanh nhưng tại sao lại là P.A, một ông bầu đã dõng dạc phát biểu: Tại lỗi quý vị không nghe... cho rõ! Bức xúc về sự gian lận này, một cuộc thương lượng giữa các bầu sô ủng hộ Phương Thanh đã ra giá đền bù 10 cây vàng nếu ca sĩ P.A chịu đổi tên, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết!
Riêng nghệ sĩ Hồng Tơ nhận một thợ hớt tóc... giống mình (!) làm em nuôi cách đây 5 năm, để sau đó anh gặp phải phiền phức vì trên sân khấu tấu hài bỗng nhiên xuất hiện một danh hài T.H. Người này cũng để chùm râu dưới cằm giống anh, nét diễn và giọng nói cũng như anh, và đau hơn là chuyện mạo danh anh để hạ giá cát-sê, khiến Hồng Tơ phải lên tiếng phản đối sự man trá này, đồng thời cắt đứt quan hệ anh em nuôi với T.H.
Bản sắc riêng của nghệ sĩ?
Hâm mộ thần tượng và cố gắng bắt chước giọng ca của một nghệ sĩ, ca sĩ tài danh là hiện tượng khá phổ biến. Ở sân khấu cải lương, từ thời Đệ nhất danh ca vọng cổ Út Trà Ôn phát hỏa đầu tiên với lối ca chồng hơi, chắc nhịp độc đáo, được đông đảo công chúng say mê, bắt chước qua đĩa nhựa của Hãng Hoành Sơn (1960), Nghệ sĩ Ưu tú Phương Quang tâm sự: Hồi mới đi hát tôi cố ca giống giọng cậu Mười - Út Trà Ôn nhưng khi bước vào gánh Kim Chưởng, tôi đã ý thức việc rèn luyện để đi lên bằng thực lực. Thân chùm gởi không thể sống được bao lâu.
Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há đã tâm sự: Nghệ thuật là một con đường nghiệt ngã, nếu không tạo được một bản sắc riêng thì rất dễ trở thành những cái bóng mờ nhạt rồi chìm vào quên lãng. Nghệ sĩ Ưu tú Lệ Thủy lại lo âu: Sân khấu sẽ đi về đâu nếu thế hệ trẻ lười biếng sáng tạo, sống dựa dẫm vào cái bóng của người đi trước? Tôi rất vui khi có em học cách ca của mình, nhưng lo sợ vì các em không chịu sáng tạo.
Một khi sân khấu cải lương, kịch nói, ca nhạc... còn dẫy đầy hàng nhái các loại ngôi sao, thì khó nói đến chất lượng nghệ thuật ở tầm cao. Đây là hiện tượng đáng phê phán và đáng buồn. Nhưng bao giờ hiện tượng này mới chấm dứt?
Tố Thư
Cần tẩy chay những trò lừa bịp, phi nghệ thuật Trong nghệ thuật, mọi nghệ sĩ đều bình đẳng, nhưng con đường ăn theo cái có sẵn đến mức vàng thau lẫn lộn thì đáng báo động. Sự giả dối, lừa bịp công chúng sẽ đẩy các rạp hát, các tụ điểm ca nhạc vào chỗ tự tiêu diệt. Tôi nghĩ, đã đến lúc các sở VHTT các tỉnh, thành phải xem xét và nghiên cứu việc ngưng cấp hoặc rút giấy phép hành nghề đối với những trường hợp giả danh nghệ sĩ tên tuổi. Công chúng cần tẩy chay những trò lừa bịp, phi nghệ thuật của những bản sao đánh mất lòng tự trọng. Sân khấu sẽ đi về đâu nếu cơn sốt ngôi sao nhái vẫn cứ tiếp diễn?.
Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Trần Minh Ngọc (Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Sở VHTT TPHCM):