Nhân giỗ đầu họa sĩ Diệp Minh Châu (12-7-2003): Những điều chưa biết...
Hơn 60 năm lao động, họa sĩ Diệp Minh Châu đã sáng tác hàng ngàn bức tranh, tượng. Riêng về đề tài Bác Hồ, ông để lại hơn 200 tác phẩm. Trời phú cho cậu bé Châu tài vẽ. Bảy tuổi, thầy giáo đặt cái mũ cát lên quyển sách, Châu vẽ lại ngon lành theo kiểu phối cảnh khiến thầy sửng sốt! Thầy lại ra đề là một cây dù, Châu vẽ xong ngay khiến thầy phải khen thưởng toàn trường!
Họa sĩ - điêu khắc gia Diệp Minh Châu sinh ngày 10-2-1919 tại Nhơn Trạch, tỉnh Bến Tre. Cuộc đời hơn 60 năm cầm cọ (vẽ), cầm bay (tạc tượng), họa sĩ - điêu khắc Diệp Minh Châu đã sáng tạo hàng ngàn bức tranh, tượng, dự hơn 50 cuộc triển lãm tranh, tượng trong và ngoài nước.
. Tiểu sử:
Rồi Châu vẽ chân dung bạn bè, vẽ phong cảnh cho các gánh hát chợ quê... Phải chăng các họa sĩ tài danh xưa nay đều có điểm xuất phát từ năng khiếu bẩm sinh, thiên phú? Họa sĩ bậc thầy của nền hội họa cận đại nước ta Nguyễn Phan Chánh, sinh viên khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương, một trong những người Việt Nam đầu tiên có tranh triển lãm tại Paris năm 1932 hồi nhỏ cũng từng đi vẽ tranh bán ở các chợ quê... Picasso (1881-1973) họa sĩ thiên tài Tây Ban Nha, 14 tuổi đã làm người ta kinh ngạc khi ông hoàn thành trong một ngày bài thi vào Trường Mỹ thuật Barcelona, trong khi đề thi ra cho thí sinh làm trong một tháng! Nhưng năng khiếu nào cũng phải khổ học mới thành công, thành danh...
Chàng nhà quê đỗ thủ khoa.- Với hai bàn tay trắng, Diệp Minh Châu liều mình ra Hà Nội học lớp dự bị Trường Mỹ thuật Đông Dương. Vào thời ấy, cả châu Á mới có hai trường mỹ thuật chính quy đào tạo theo phương pháp tiến bộ, khoa học của châu Âu, một ở Hà Nội, một ở Ấn Độ do người Anh lập ra, đặt nền móng cho sự chuyển tiếp từ nghệ thuật dân gian sang nghệ thuật hiện đại. Ở quê nhà, không ai tin là anh “Tư Châu” có thể sống nổi nơi đất Bắc khi hàng tháng không có tiền ăn tiền học. Lúc anh tỏ rõ quyết tâm ra đi, cả nhà đã khóc. Nhưng rồi chàng trai ấy vẫn cứ lên đường. Để tồn tại được giữa đất Hà thành, Diệp Minh Châu đã làm tất cả những gì mà một chàng trai có thể làm được để sống và học trước sự cảm thông và yêu quý của bạn bè và thầy học.
Sau một năm dự bị, Diệp Minh Châu lại trở về quê nhà. Hàng ngày, anh ra bờ sông ngóng trông con thuyền của người đưa thư xứ quê nghèo... Rồi một hôm con thuyền đó đã qua sông, thẳng tới bến nhà: Có thư của Đốc học chính Đông Dương gửi về, báo tin thí sinh Diệp Minh Châu đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1940, đỗ thủ khoa! Thế là cả làng, cả xóm lại kéo đến, không phải để “chia buồn” như một năm trước mà để chúc mừng anh thành công bước đầu trên con đường nghệ thuật.
Sức mạnh của tuổi trẻ.- Diệp Minh Châu lại lên toa đen (toa hạng bét) để ra Hà Nội học. Anh đến thẳng nhà thầy Tô Ngọc Vân với áo quần lấm lem như người thợ thụt ống khói vì mấy ngày phải nằm toa đen sát cạnh đầu tàu hỏa chạy than! Thầy Vân đã chìa tay bắt nhưng người học trò nghèo ngần ngại vì tay anh đầy bụi bẩn. Thầy Vân siết chặt tay anh và nói: - Không! Bàn tay này đáng bắt lắm!... Tôi đã dạy 10 năm nay, chưa thấy học trò nào vẽ được như anh, tôi biết anh sẽ đỗ cao, nhưng chưa dám nói trước. Anh thật xứng đáng!
Thầy Vân quay vào, cho người mẫu khỏa thân nghỉ... để tiếp người học trò từ Nam Bộ xa xôi ra! Đó là người mẫu khỏa thân của bức họa Người mẫu với hoa sen nổi tiếng trong kho tàng hội họa Việt Nam.
Diệp Minh Châu lại tiếp tục những ngày khổ học. Mang tiếng là sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật nhưng quanh năm ngày tháng anh chỉ có một bộ đồ tây duy nhất để đến trường. Đôi giày của sinh viên Diệp Minh Châu mòn hết đế, trời nắng thì rát hai bàn chân, trời mưa thì sũng bùn nước! Nhiều hôm không có cơm ăn, tan học, anh phải vô quán cơm xe kéo ăn đĩa xôi lạc hai chinh (lúc đó 1 xu đổi được 6 chinh). Trước khi mua đĩa xôi còn ngồi ngắm nghía chọn đĩa nào nhiều hơn một hột lạc mới cầm lên! Có bữa phải ăn chịu bánh mì! Diệp Minh Châu có lần tâm sự, chỉ có tuổi trẻ, chính tuổi trẻ đã giúp anh vượt qua được những ngày gian khổ đó!
Sáng tác hơn 200 tác phẩm tranh tượng về Bác Hồ.- Diệp Minh Châu không thi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật được vì Nhật đảo chính Pháp, bắt hết các giáo sư người Pháp ở trường... Diệp Minh Châu lao vào hoạt động trong phong trào thanh niên trí thức Hà Nội; tham gia bình dân học vụ, tổ chức triển lãm lấy tiền ủng hộ đồng bào bị nạn đói 1945, rồi Cách mạng Tháng Tám đổi đời cho cả dân tộc, ông quay về quê hương, vào bưng biền chiến khu Đồng Tháp Mười tham gia kháng chiến, vẽ tranh Bác Hồ tặng các má làm ảnh thờ. Có lần, ông vẽ tranh Bác Hồ bằng máu và năm 1951 ông được ra Việt Bắc sống bên Bác. Ở gần Bác nửa năm, bằng trái tim của một nghệ sĩ lớn, ông cảm nhận được cách mạng sẽ thành công và xin Bác cho tiếp tục đi học điêu khắc ở nước ngoài (Tiệp Khắc) với hy vọng đem nghệ thuật “hùng biện” này phụng sự đất nước mai sau...