NS Trần Tiến: Cuộc đời là một sân khấu lớn...
Gọi điện cho nhạc sĩ Trần Tiến dạo này lúc nào cũng nghe anh đang ở một nơi rất xa nào đấy. Từ chối ọi cuộc phỏng vấn, không xuất hiện ở “chốn đông người”, anh đang ở ẩn hay đang làm cuộc lang thang để tìm lại sự yên tĩnh cho chính mình? Chẳng biết, chỉ nghe bạn bè nói là anh đã xuống tóc, lên núi! Thế rồi anh lại trở về, lại tìm thấy niềm vui sáng tạo
* Phóng viên: Anh Tiến này, tôi có cảm giác rằng chúng ta đã phục vụ cho đời quá nhiều, đôi khi đặt cược bằng cả sinh mạng mình. Anh nghĩ sao?
- Nhạc sĩ Trần Tiến: Ngày xưa tôi cũng đôi khi hay hối tiếc một cái gì đó đã qua đi. Bây giờ thì không. Như đứa trẻ kia lơ đãng, vụng về đánh vỡ bình pha lê giá trị nhất của mẹ mà không biết tiếc, còn chú lính gỗ bẩn thỉu nhặt được ngoài đống rác thì giữ khư khư như báu vật, ai lấy thì khóc inh lên. Cho đến giờ ta cũng còn chưa biết chú lính gỗ gãy tay và chiếc bình pha lê, cái nào quý hơn. Có những đời người phí hoài cả chục năm sống để theo đuổi những mộng mơ vớ vẩn, không đâu, rồi tự rủa mình ngu.
Nhưng như thế mới là ta, một thằng người đích thực. Những khôn - dại, mất - còn, ngọt - đắng làm nên thằng người có thật, đáng yêu chứ. Có gì mà hối tiếc. Rất may mà tạo hóa không đặt cái đầu ta quay về phía sau.
Bạn nói “Chúng ta đã phục vụ cho đời quá nhiều", trước kia mình cũng tưởng vậy. Nhưng hình như không phải. Chẳng ai cho không cái gì cả.
* Anh là một nhạc sĩ xuất hiện ở đâu là ồn ào ở đó. Có bao giờ anh đóng kịch khi biểu diễn không?
- Tôi vẫn thường phải đóng kịch và diễn trước đám đông. Cuộc đời là một sân khấu lớn, mà mỗi người phải sắm một vai thích hợp để vở diễn trăm năm được thành công, suôn sẻ. Có khác chăng là không có khán giả và tất nhiên không có cát sê mà thôi. Loài vật, cây cỏ đều diễn rất giỏi. Nhìn xem con gà mái diễn vở e lệ, nhưng vẫn chạy vừa đủ để cậu gà trống bắt được. Nhìn xem bông hoa giả vờ dịu dàng mà ăn thịt mấy chú bọ cực nhanh. Anh kia đi mô tô đen, đeo kiếng đen diễn vở đàn ông vụng về. Chị kia tóc vàng, môi trắng diễn vở mốt, phí hoài mái tóc mẹ mất công chăm chút suốt thời ấu thơ. Chỉ có kẻ diễn nhầm vai hoặc vụng quá mà thôi. Diễn để tồn tại, sống và yêu nhau. Bạn hỏi tôi hóm hỉnh vậy cũng là cách diễn vai nhà báo thông minh đấy.
* Tôi muốn nói là đóng kịch để chinh phục đám đông?
- Tôi không có ý định chinh phục ai, hay cả với chính mình. Làm gì phải khổ sở thế. Đơn giản là ai cũng cần phải làm gì đó để sống, và cố gắng chinh phục cái chết của chính mình, kể cả lúc còn tưởng mình đang sống. Nói như thế có điệu quá không nhỉ.
* Nghe nói chàng Digan đã dừng bước giang hồ, đúng hay sai?
- Giang hồ là cái thú của bất cứ đứa trẻ trai nào mạnh mẽ, thèm khát cái mình chưa biết. Đã biết rồi thì lại thích trở về ngôi nhà ấm êm, ngồi xuống bậc thang sạch sẽ, được lau chùi bóng lên bởi bàn tay cần mẫn của một phụ nữ dịu dàng. Cũng có kẻ không lâu, lại muốn cất bước. Đó là cái kiếp, nhiều hơn là cái thú. Tôi viết nhạc để sống, nên đành chịu cái kiếp nhật nhạnh điều gì đó dưới cát bụi chân ai. Thực ra, hình như đã cạn hứng phiêu bạt giang hồ, túi rượu vần thơ.
* Còn nghe nói anh sáng tác “đạo ca” như một đạo sĩ?
- Khỏe như Trương Phi có lúc phảái nằm bệnh, mà hét lên: “Trời đã sinh ra ta, thì chỉ cho ta chết, cớ sao còn hành hạ ta bằng tật bệnh!". Chàng đã không còn nhấc nổi thanh đao của chính mình. Hình như lúc đó chàng có sáng tác vài ca khúc về đạo điếc gì đó. Tôi cũng giống chàng thôi. Lúc yếu đuối, viết cả mấy chục bài triết lý lặt vặt, như một con chim già lắm mồm. Bây giờ thì vứt chúng đi rồi. Tôi đã khỏe lại và thích làm trẻ con, hơn mấy thứ chiêm nghiệm vớ vẩn, và ra vẻ dạy đời. Tôi thích viết nhạc hip-hop cho con tôi nhảy chơi với bạn bè.
* Giữa chính và tà, giữa thiện và ác, mô hình Lệnh Hồ Xung trong chưởng Kim Dung đang phảng phất trên quê hương chúng ta. Anh nghĩ sao về Lệnh Hồ Xung?
- Đất nước tôi lúc nào cũng đáng yêu, vì tôi đã được mẹ tôi sinh ra ở đây mà không phải nơi nào khác. Dù nơi này cũng đầy rẫy chính - tà, thiện - ác, quân tử và ngụy quân tử... như bao nơi tôi có dịp đi qua.
Người nghệ sĩ thì phải đứng ngay trên đôi chân của chính mình, chứ còn đứng ở đâu nữa. Tất nhiên không nên đứng trên đôi đầu gối, trừ trường hợp nhậu xỉn bị té xe.
Còn Lệnh Hồ Xung thì thật tuyệt vời nhưng là nhân vật bịa. Tôi đã được nhậu với kẻ lãng tử vô chiêu, vô võ và vô... tiền. Hay hơn Lệnh Hồ Xung nhiều. Giang hồ nữa đi, bạn sẽ gặp. Có khi ngay trong chính bạn đấy.
* Tôi không ngửi nổi âm nhạc hiện nay, một thứ nhạc thiếu chuyên môn, nhân tính lẫn nghệ thuật. Anh “ôkê" không?
- Âm nhạc hiện nay ư? Cũng được đấy chứ, tuy nhạt một chút nhưng trẻ trung. Khi tôi nhể ốc hay húp cả nước mắm. Nhạt như nước ốc mà đôi khi thích hơn nước lèo bò, gà. Đừng ăn gì nhiều quá thôi. Cũng nên có nhạc rượu đế đã chôn lâu, uống mãi nhạc bia hơi, hay nhạc pha đường hóa học, bệnh chết. Nhạc tử tế thì có bao giờ bị mất tích. Chỉ có những thế kỷ vắng thiên tài mà thôi. Khu rừng kia tưởng bom xăng đốt trụi, vậy mà bây giờ lại bạt ngàn rừng xanh, xanh bạt ngàn rừng. Đừng quá bi quan bạn ạ. Chẳng có ngọn lửa nào thiêu rụi nổi mầm sống nằm sâu trong lòng đất.
* Anh vừa được lòng dân vừa được lòng quan. Nhạc của anh đứng về giai cấp nào?
- Bố mẹ cho tôi một thằng người chả giống ai, và chả ai giống mình. Đó là cái phúc lớn của dòng họ. Lại còn nổi tiếng, được từ quan đến thứ dân thương. Nếu quả như bạn nói, thì đấy là may mắn trời cho. Làm sao mà tôi lại phân biệt các loại công chúng, để mà rung động. Tôi cố tìm cho được những bài hát ca ngợi sự tốt bụng của con người để hát. Tôi tin rằng cuộc đời sẽ trả lại cho tôi lòng tốt vốn có ở trong mỗi con người. Dù là thứ dân hay quan lớn lẫn kẻ quen giết người. Có một lần ngồi uống bia với Bảo Chấn, tôi muốn khóc vì sau khi nghe cô bé mù hát dạo những bài não tình xong, tôi rụt rè hỏi "Cháu có thể biết một bài nào của Trần Tiến không", cô bé mù đã lập tức hát một lúc bốn bài kiểu như Sắc màu. Nếu tôi có một tỉ đồng, chắc cũng không ngần ngại tặng cháu. Vì biết rằng mình chưa mất tích.
* Anh thử sơ lược về mình?
- Tự liệt kê về mình ư? Tôi thấy mình chả có gì đặc biệt khác người. Tôi chẳng là cái đinh gì, nhưng cũng là... Đinh Hợi (tuổi Thiên bồng nguyên soái - Trư Bát Giới), thích rong chơi, uống bia, ngắm người đẹp nhưng cũng biết vất vả theo hầu sư phụ âm nhạc và có cơ may về Tây trúc thỉnh kinh tìm đạo.