Ông hoàng của thơ tình
Kỷ niệm 90 năm ngày sinh (1917 - 2007) và 22 năm ngày mất (1985-2007) của nhà thơ Xuân Diệu, một cuộc hội thảo về ông vừa được tổ chức vào ngày 14-12-2007 tại TP Quy Nhơn, trên chính quê ngoại Bình Định, mảnh đất nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Hội thảo do UBND tỉnh Bình Định và Hội Nhà văn VN phối hợp tổ chức
Có thể nói là chưa bao giờ có một cuộc hội tụ đông đảo như thế ở Quy Nhơn với gần 40 giáo sư, nhà nghiên cứu, lý luận, nhà văn, nhà thơ... nổi tiếng ở cả hai đầu đất nước: Nguyễn Khoa Điềm (nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương), Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn VN), Phan Trọng Thưởng (Viện trưởng Viện Văn học VN), Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Bằng Việt, Phong Lê, Chu Văn Sơn, Lê Thành Nghị, Phạm Đình Ân... Nhưng điều quan trọng hơn là họ đã mang đến hội thảo một cái nhìn toàn diện và mới mẻ về “thơ và đời” của Xuân Diệu, sự đóng góp xuất sắc của ông trên nhiều lĩnh vực của văn học VN, bên cạnh đó là một nhân cách sống “yêu hết mình, sống hết mình”, một trái tim luôn chân thành với cuộc đời.
Những “góc nhìn” mới
Xuân Diệu vốn được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình”, bởi thế mà tình yêu trong thơ Xuân Diệu vẫn là vấn đề được đề cập nhiều nhất tại hội thảo lần này, nhưng với những “góc nhìn” mới mẻ hơn. PGS Vũ Tuấn Anh đã phân tích quan niệm rất “thoáng” của ông khi nói về ái tình và thơ ái tình trong giai đoạn ông còn trẻ. PGS Chu Văn Sơn gọi đó là “thế giới của chữ tình” và cho rằng: “Toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu từ hình tượng cái tôi, hình tượng giai nhân đến hình tượng thế giới đều được sinh ra từ chữ “tình”.
![]() |
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu |
Nói sát sạt hơn là sinh ra từ niềm khát khao luyến ái. Chính luyến ái đã thổi hồn trẻ, truyền nguồn sống trẻ, điệu sống trẻ cho vạn vật mà làm nên cõi yêu Xuân Diệu”. Nhà thơ Anh Ngọc khẳng định: “Thơ tình Xuân Diệu là thứ thơ tình đúng nghĩa, bởi đó là thứ thơ tình nguyên chất...”. Còn với GS Phong Lê, sự nghiệp Xuân Diệu không chỉ có thơ mà trong lĩnh vực khảo cứu và bình thơ cũng thật đáng nể. Xuân Diệu là người tiếp tục nối dài và làm giàu cho di sản văn chương dân tộc, và bản thân tác phẩm của ông cũng đã thành di sản. Nhà thơ Thanh Thảo lại có góc nhìn riêng về “tài dùng chữ” của Xuân Diệu.
Trong “tương tác thơ và đời”, ông như “đi trên dây” mà chỉ có “người nghệ sĩ của ngôn từ” như Xuân Diệu mới có thể thực hiện được một cách hoàn hảo. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn khẳng định những đóng góp của Xuân Diệu trong thể thơ 8 chữ với những bài thơ “đỉnh” ở thể loại này. Nhà thơ Bằng Việt phân tích rất kỹ một số bài thơ dịch của Xuân Diệu và nhận xét: “Xuân Diệu đã sử dụng tài năng ngôn ngữ của mình vào việc dịch các bài thơ nổi tiếng của nước ngoài, nên các bài thơ này đã được Việt hóa, “Xuân Diệu hóa”, trở thành những “viên ngọc” trong kho tàng dịch thuật thơ của nước nhà. Tài năng đa diện của Xuân Diệu còn được PGS-TS Lưu Khánh Thơ, TS Phạm Đình Ân phân tích đánh giá qua những đóng góp của ông trên lĩnh vực truyện ngắn, bút ký và cả những tác phẩm báo chí hiện đại...
Và những kỷ niệm còn mãi vấn vương...
Có một điều đặc biệt ở hội thảo là hầu hết những người tham dự đều có ít nhiều kỷ niệm với Xuân Diệu, mà dư âm để lại trong họ là những ấn tượng khó phai mờ. Nhà thơ Lệ Thu, đồng hương với ông, đã sẻ chia với mọi người về “nỗi đau đớn âm thầm, nỗi cô đơn bất tận” của Xuân Diệu quanh việc ra đời của ông. Chính điều này có khả năng đã ảnh hưởng lớn đến tình cảm, tính cách và cả hành trình thơ Xuân Diệu sau này. Bất cứ ai đã từng may mắn có cơ hội tiếp xúc với Xuân Diệu đều bị ông “chinh phục” bởi tính cách chân thành, gần gũi, sâu sắc của ông. Họ còn nể phục ông ở tinh thần “lao động thơ ca” rất nghiêm túc, cũng như tấm lòng rộng mở của ông với các nhà thơ đàn em. Tài năng và nhân cách ấy của Xuân Diệu vẫn thổn thức mãi trong lòng mọi người, nên dù nhà thơ đã ra đi hơn 20 năm mà nước mắt họ vẫn rưng rưng khi nhắc nhớ về ông.
Nói như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Hội thảo hôm nay theo tôi là rất quan trọng. Nó không phải đơn thuần chỉ là để biểu dương, tôn vinh một nhà thơ, mà thông qua tài năng và nhân cách Xuân Diệu, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều điều hữu ích cho thơ ca, thấy được ý nghĩa lớn lao của thơ ca, để rồi hãy cùng nhau xây dựng nó ngày càng phát triển vững bền, đẹp đẽ hơn”. Có lẽ đó chính là ý nghĩa lớn nhất và thiết thực nhất của cuộc hội thảo này.
Bên lề Hội thảo: “Đặc sản Xuân Diệu” Không biết có phải là người có “tâm hồn ăn uống” không, trong đêm giao lưu với CLB Văn học Xuân Diệu (Bình Định), nhà thơ Thanh Thảo đã nói rất nhiều về các món ăn dân dã mà sinh thời Xuân Diệu rất thích và đã từng đưa vào thơ ông.Chẳng hạn như món “trứng nướng” mà ông được chị Bốn của ông cho ăn khi ông trở về thăm quê sau ngày giải phóng: “Quả trứng gà ấp dở/ Chị nướng lên cho em/ Mùi trứng nướng thơm phức/ Đến giờ em chẳng quên”. Ông đề nghị trong Festival Tây Sơn-Bình Định 2008 sắp tới, nên mở một gian hàng ẩm thực mang tên “Xuân Diệu quán”, chỉ bán những món ăn “Đặc sản Xuân Diệu”. Mỗi thực khách đến ăn một món nào của quán sẽ được tặng một bài thơ nói về món ăn ấy của Xuân Diệu. Không thể đợi lâu, ngay trong lễ giỗ Xuân Diệu mấy ngày sau đó, nhà hàng Dương Long Tháp (Quy Nhơn) đã thử làm món “trứng nướng” đem đến cúng ông. Mọi người phải tranh nhau để được thưởng thức cái hương vị “thơm phức” đặc trưng mà Xuân Diệu đã mô tả. N.T.X |