Rượu hồng đào chưa nhắm đã say

ĐỌC SÁCH.- Sau ba cuốn sách Nhàn đàm, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa cho xuất bản cuốn ký về đất Quảng Nam: Rượu hồng đào chưa nhắm đã say (NXB Đà Nẵng) Tên đất Quảng Nam xuất hiện từ năm Hồng Đức thứ 2 (tháng 6-1471, do vua Lê Thánh Tôn đặt cho dải đất, dài đến cuối huyện Tuy Phước - giáp giới với tỉnh Phú Yên ngày nay). Quảng Nam thừa tuyên có nghĩa là đất mở rộng về phía Nam, vâng mệnh vua để tuyên dương đức hóa (trang 31). Tác giả viết về các bà mẹ Quảng Nam đã kiên cường trong thời gian chống Mỹ: mẹ Phi, mẹ Cọng, mẹ Sâm, mẹ Cửu Trấu... để trả lời câu hỏi: Tại sao Tổ quốc lại là mẹ?

Từ bãi đất nằm giữa hai con sông Hoài: Gò Nổi, tác giả viết về cụ Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ... và nhiều anh hùng liệt sĩ khác, để đi đến kết luận: “Tổ quốc đã trao cho Quảng Nam một cửa biển và một thanh kiếm. Cầm lưỡi gươm thân phụ lưu truyền, sáu bảy trăm năm đứng tấn nơi cửa khẩu chiến lược, người Quảng Nam chưa bao giờ thiếu sót trong bản lĩnh bảo vệ Tổ quốc” (trang 42).

Trong bài ký dài gần 100 trang: Vành đai trong lửa, tác giả viết về cuộc chiến đấu của người dân ở vùng căn cứ Điện Bàn trong chiến tranh chống Mỹ. Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét: “Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm được một điều thú vị: Anh đã vượt qua được cái ranh giới hình thức của thể loại, khiến cho một cái ký sự bỗng mang đậm dáng dấp của một tiểu thuyết” (trang 9). Đọc ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đọc sẽ thích thú với những nhận xét sâu sắc của ông: “Nói đến thơ Việt Nam là chắc chắn ta nghĩ đến thơ lục bát. Không hẳn chỉ có Việt Nam mới có thể thơ này (Chiêm Thành cũng có) mà vì đó là thể thơ Nhịp Hai, là nhịp của tao nôi, và là nhịp của trái tim đập trong lồng ngực” (trang 73).

Những nhận xét sâu sắc như vậy có rất nhiều trong cuốn ký Rượu hồng đào chưa nhắm đã say.