Sự quyến rũ của nghệ thuật múa Tây Nguyên

VĂN HÓA DÂN TỘC.– Từ ngày 16 đến 25-11, lần đầu tiên Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM tổ chức chuyến đi thực tế nghiên cứu về múa ở 4 tỉnh Daklak, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước

20 nhà biên đạo, nhà lý luận nghiên cứu về múa vừa tham dự giao lưu với nghệ nhân các dân tộc Êđê, M’nông ở tỉnh Daklak; Bana, Giarai ở tỉnh Gia Lai; Xê đăng ở tỉnh Kon Tum và S’tiêng ở tỉnh Bình Phước.

Nghệ thuật múa là một nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên. Đó là các điệu múa hấp dẫn và quyến rũ trong lễ trưởng thành, chúc phúc, ma chay, cưới xin, múa khiên, múa chim k’nớ, múa chim Gil, múa mời rượu, kết bạn, đuổi chim mùa lúa chín... hòa trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng và sự linh thiêng, sự chứng kiến của các giàng sông, giàng đất. NSƯT Nguyễn Vũ Lân, Trưởng đoàn Nghệ thuật Daklak, cho biết: “Về nét khác biệt giữa múa các dân tộc Tây Nguyên phải chú ý kỹ, người ta mới phân biệt được. Cùng là xoang nhưng xoang của dân tộc Giarai thì rất lắc, thường gọi là “chọc đu đủ” hay “disco Tây Nguyên”, xoang Bana thì nhẹ nhàng, duyên dáng, còn xoang của dân tộc Xê đăng thì mời gọi, quyến rũ...”.

Các biên đạo múa đi thực tế đã ghi chép và chú ý cẩn thận đến các điệu múa, chú ý từng cái lắc tay, quay người... NSƯT Hoàng Túc tâm sự: “Tôi đã không xấu hổ khi sáng tác những điệu múa Tây Nguyên, vì giữa những gì tôi đã sáng tác và thực tế không có cách biệt lớn”. NSƯT Hoàng Hải nói: “Múa của Tây Nguyên như có lửa và kích động lòng người”. Các giảng viên trường múa như NSƯT Tuyết Mai, Lê Anh cũng đã tiếp thu được nhiều nét mới và thú vị để đưa vào chương trình giảng dạy. Lão nhạc sĩ Xuân Hòa, người chuyên sáng tác nhạc múa, tuy đã 75 tuổi vẫn cẩn thận, kiên nhẫn thu âm những tiếng cồng chiêng, điệu hát để tiếp tục sáng tác những tác phẩm nhạc múa mang cái thần, hồn của Tây Nguyên.

Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM, NSƯT Kim Quy, nhận xét: “Trước đây, những sáng tác múa Tây Nguyên có phần chung chung, ít có sự phân biệt giữa múa của các dân tộc Tây Nguyên. Chuyến đi thực tế này hy vọng sẽ gợi mở nhiều điều, giúp các biên đạo sáng tác múa Tây Nguyên cụ thể hơn, thể hiện được sự độc đáo của mỗi dân tộc. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về từng dân tộc, đi thực tế đúng vào các dịp lễ hội”.

Điều đáng tiếc là lần đi thực tế này còn thiếu vắng các biên đạo múa trẻ dù họ đã... được mời! Nếu không đi thực tế, không bỏ công sức học hỏi, trau dồi, những sáng tác về múa dân gian của họ hẳn sẽ chỉ là những... sự chắp vá, rời rạc!