Tại sao có hiện tượng nhiều ca khúc nhạc trẻ VN copy nhạc nước ngoài?

+ Những ngày qua, dư luận đang rất quan đến những trường hợp "đạo" nhạc của một số nhạc sĩ Việt Nam. Thính giả nói "có", nhạc sĩ nói "không". Vì vậy chiều 9-4, Báo Người Lao Động đã tổ chức buổi toạ đàm giữa các giáo sư, nhạc sĩ để thẩm định lại một số ca khúc mà chúng tôi đã nêu trong bài "Người "đạo" nhạc phải biết xấu hổ" (8-4-2004).+ Các giáo sư - nhạc sĩ sẽ có ý kiến chính thức đánh giá nguyên nhân, thực trạng tại sao có hiện tượng "đạo" nhạc của nhạc sĩ trẻ Việt Nam hiện nay. Đồng thời họ sẽ đưa ra những giải pháp để hạn chế tình trạng bát nháo này.

Ngay bây giờ, bạn đọc có thể gởi ý kiến hoặc câu hỏi trực tiếp trên Báo Người Lao Động điện tử tại mục phản hồi.

img14 giờ 30 phút, giáo sư - nhạc sĩ (GS-NS) Quang Hải, GS-NS Tô Vũ và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã có mặt tại toà soạn Báo Người Lao Động. Ca khúc đầu tiên mà các GS-NS thẩm định chính là bản hoà tấu số 7 trong album Chery Blossoon của nữ nhạc sĩ người Nhật Keiko Matsui. Bản hoà tấu này mang tên Frontier hiện đang được dư luận quan tâm vì là người "anh song sinh" của ca khúc Tình thôi xót xa của nhạc sĩ Bảo Chấn. Bản nhạc Tình thôi xót xa của nhạc sĩ Bảo Chấn do ca sĩ Lam Trường trình bày được mở lên ngay sau bản hoà tấu Frontier kết thúc. Các GS-NS đều không quá căng thẳng khi nghe bài hát quá quen thuộc này. GS-NS Quang Hải còn cho biết: "Tôi đã nghe hai bài này ở nhà nhiều lần". GS-NS Tô Vũ đề nghị cho nghe lại bài Frontier sau khi giọng ca Lam Trường chấm dứt.

img

Không cần nghe hết bài, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã gật gù: "Bài Frontier hay hơn, sạch hơn và ngọt ngào hơn". GS-NS Quang Hải cũng tán đồng ý kiến với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ông cho rằng bài Frontier tỏ ra "có học' hơn. Ví dụ cách chấm dứt bài Frontier "có học hơn" còn bài Tình thôi xót xa kết thúc rất "xoàng". Và ông nói: "Nếu nói về so sánh rõ ràng Keiko Matsui được qua trường lớp rõ ràng, nếu gặp bản nhạc của Bảo Chấn tôi sẽ chấm điểm thấp!". Ông nhấn mạnh: "Bài Frontier "đẹp" và có nhiều sáng tạo hơn".

imgNhạc sĩ Tô Vũ kết luận: "Bảo Chấn bắt chước lộ liễu quá! Ông cho rằng bài Tình thôi xót xa dựa hơi nhiều. Cách phối khí và dùng màu sắc âm rất giống nhau".

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngậm ngùi: "Tình đã bắt đầu xót xa chứ không phải thôi xót xa. Nếu đưa quần chúng nghe thì người ta sẽ nói đây chỉ là một bài, vì chúng giống nhau từng nhịp điệu. Tôi ngỡ ngàng và thấy xấu hổ vì giống nhau đến 80%". Nhạc sĩ khẳng định: Chỉ cần giống 50% là đã cảm thấy xấu hổ.

Riêng về lời giải thích của nhạc sĩ Bảo Chấn khi đem so sánh tác phẩm Người Hà Nội của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và 1 chương trong vở vũ kịch Carmen đã bị GS-NS Quang Hải phản ứng quyết liệt. Ông lấy từ trong chiếc cặp màu đen của mình một cuốn nhạc dày cộm mà ông cho biết đã theo ông hàng chục năm trời trong hàng trăm lần tham gia chỉ huy dàn dựng tác phẩm để khẳng định những so sánh của Bảo Chấn là nguỵ biện hòan toàn.img

Mọi nhận định đã quá rõ ràng, không cần bàn cải thêm, các GS-NS đề nghị thẩm định ca khúc Mẹ yêu của nhạc sĩ Phương Uyên. Đây là ca khúc bị nhiều người phát hiện là “bản sao” của nhạc phẩm Anh yêu em, do ca sĩ Hồng Kông Vương Kiệt trình bày vào những năm 80.

Ở lần thẩm định này, các GS-NS đã chú ý khá kỹ khi tất cả họ đều cầm trong tay bản nhạc của Phương Uyên.

img 

Các nhạc sĩ Tô Vũ, Phan Huỳnh Điểu, Quang Hải đang thẩm định tác phẩm Mẹ Yêu của Phương Uyên. Nhận định đầu tiên sao chép ít nhất 50% tác phẩm Anh yêu em do Vương Kiệt (Hồng Kông) trình bày.

Nhạc sĩ Tô Vũ cười bí hiểm khi hai bản nhạc kết thúc, ông nhận xét ngay: Bài nhạc của Phương Uyên bắt chước vụng về quá! Bài hát Hồng Kông có nội dung nói về tình yêu đôi lứa, có những bước trùng lắp trong đoạn điệp khúc đã thể hiện sự bắt chước nhạc phương Tây. Khi Phương Uyên viết bài Mẹ yêu lại cũng sử dụng những bước trùng này. Đây rõ ràng là sự bắt chước trong phong các nhưng nội dung thì không phù hợp tí nào. Một bên nói về tình yêu trai gái, một bên nói về tình mẹ con nhưng lại sử dụng bước trùng mạnh mẽ hơn thì quá vụng về. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thêm, tiếng Việt có dấu, nên ít khi các nhạc sĩ sử dụng những bước trùng này. Các GS-NS đều nhận xét mức độ bắt chước của bài Mẹ yêu... ít hơn bài Tình thôi xót xa, chỉ khoảng 50%, chủ yếu là về phong cách. Các GS-NS đều cho rằng: Bây giờ chúng tôi mới hiểu tại sao Phương Uyên lại trả lời với báo chí như vậy!

Bài hát Mắt buồn của nhạc sĩ Trường Huy do ca sĩ Phương Thanh trình bày được cất lên vài câu, GS-NS đã buột miệng: Cô này hát... phô! Các GS-NS đã phì cười khi đọc lời trong bài hát này. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu than, văn chương kiểu gì kỳ cục vậy, chưa từng thấy, tại sao lại “buồn long lanh”.

Bài hát How can I tell her do ca sĩ Lobo trình bày được trỗi lên để các GS-NS so sánh với bài Mắt buồn. GS-NS Tô Vũ gật gù, nhịp tay theo nhịp điệu của bài hát, ông nói: “Bài hát này đã quen thuộc với tôi”.

img15 giờ , cuộc toạ đàm càng trở nên sôi nổi khi nhạc sĩ Đào Văn Sử, đồng thời cũng là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân cũng có mặt tham gia.

Sau hơn một giờ khá căng thẳng, giọng hát nhẹ nhàng của ca sĩ Thư Lê ngâng nga ca khúc Tuổi 16 do nhạc sĩ Quốc Bảo sáng tác đã làm không khí buổi toạ đàm trở nên lắng lại. Ca khúc tuổi 16 cũng đang nằm trong danh sách “đen” vì na ná bài hát Renaissance Faire của Blackmore’s Night. Khi bản nhạc Renaissance Faire trỗi lên GS-NS Tô Vũ quay sang hỏi đồng nghiệp xuất xứ của bài hát vì giai điệu này có vẻ lạ với ông. Tiếng hát của Thư Lê vừa dứt, GS-NS Tô Vũ phán ngay: Giống hơi nhiều, ông hát lại một đoạn giống của cả 2 bài để chứng minh đây cũng là một điệu Berceause, có tiết tấu như nhịp võng ru con của châu Âu. Ông cho rằng tối thiểu giống nhau 50%. GS-NS Quang Hải lập tức phản đối: Nhiều hơn chứ! Gần như giống nhau, Quốc Bảo chỉ thêm một phần rất nhỏ.

GS-NS Tô Vũ thêm, bài Renaissance Faire mới đúng kiểu. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chỉ nói một câu: Nghe buồn cười quá, bài Tuổi 16 phát triển không hợp lý lắm!

img15 giờ 55, trong khi chờ nghe tiếp bài hát khác, các GS-NS đã bàn luận khá nhiều về nhạc trẻ hiện nay.

GS-NS Hải nhận xét, những nhạc sĩ đạo nhạc kiểu này chỉ là thiểu số. Họ nếu không phải là người ít học thì việc “đạo” nhạc là do thiếu kinh nghiệm hoặc chạy đua theo chuyện cơm, áo, gạo, tiền.

GS-NS Vũ bổ sung: Phần lớn họ là những nhạc sĩ trẻ.

Tiếp tục phần thẩm định những tác phẩm của nhạc sĩ Bảo Chấn. Giai điệu trầm bổng của bản hoà tấu Crescendo vốn được xem là có nhiều trùng lắp đến...không ngờ với bài Dường như. Bài Cressendo cũng do chính nhạc sĩ Keiko sáng tác. Vì chúng tôi không kịp cung cấp bản nhạc nên các GS-NS rất chú tâm, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhiều lần tháo mắt kiếng cầm trên tay và gõ theo nhịp điệu bài hát.

imgGS-NS Tô Vũ nói: Chỉ nghe một lần cũng biết rồi! Cả hai đều theo phong cách jazz cổ điển, nếu Keiko dùng piano để đệm thì Bảo Chấn lại dùng kèn. Nếu không phải người trong nghề và không “tinh” thì rất khó phát hiện vì “độ nhái” ở đây khôn và tinh vi hơn nhiều. Nhưng nói chung là về cấu trúc, phong cách, giai điệu rất giống nhau. Tóm lại theo tôi, không nên làm ăn kiểu này!

GS-NS Quang Hải: Ở bài Dường như, nhạc sĩ Bảo Chấn có pha chế nhiều hơn, nếu chấm điểm, tôi sẽ cho bài này cao hơn Tình thôi xót xa. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đùa, rõ ràng đây là một kỹ sư âm nhạc giỏi "nhái".

GS-NS Tô Vũ cắt ngang: bắt chước kiểu này là vô đạo đức, vượt qua ngưỡng cửa của học tập lẫn nhau.

16 giờ 20, kết thúc phần thẩm định các bài hát. Các GS-NS tiếp tục bàn luận về tình hình bát nháo của nhạc trẻ hiện nay.img

GS-NS Quang Hải thẳng thắn thừa nhận, sự giống nhau giữa các bản nhạc là điều phải xảy ra thôi! Không chỉ ở ta mà nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng vậy. Tôi xin nhắc lại, đây là điều tất yếu phải xảy ra, vấn đề là mức độ nhiều hay ít. Bản thân tôi cũng là người thuộc hội đồng phúc khảo các chương trình ca nhạc, thật sự rất khó phát hiện ra việc bắt chước.

GS-NS Tô Vũ dí dỏm khi nói về các nhạc sĩ trẻ hiện nay, ông cho rằng các nhạc sĩ trẻ hiện nay ít học quá! Thậm chí còn không hoặc có học nhưng lại không đến đâu! Một nguyên nhân hiện nay chính là do không có trường dạy nhạc trẻ, những nhạc sĩ tâm huyết phải qua tận trời Tây để học.

16 giờ 45, khi phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng ca sĩ làm nhạc sĩ, GS-NS Tô Vũ trả lời đây là chuyện bình thường nhưng tôi chỉ có thể gọi là "người làm ca khúc".

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho rằng vấn đề nằm ở chất lượng! Tuy nhiên, người đưa bản nhạc đến với công chúng là các nhà xuất bản, các hãng băng đĩa phải chịu trách nhiệm khi bài hát có vấn đề.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhắc nhớ các nhạc sĩ trẻ phải chịu khó học và dựa trên cảm xúc của mình để sáng tác, đừng vay mượn nữa! Chưa hết, hiện nay hình như các nhạc sĩ trẻ đã quên nhạc dân tộc. Giáo sư Tô Vũ cắt ngang: Họ có chịu nghe đâu mà quên. Những người tham gia toạ đàm ngạc nhiên khi GS-NS Quang Hải kể câu chuyện về vị nhạc sĩ tài danh Shcubert đã phải bỏ ngang sự nghiệp một thời gian dài để đi học, để sáng tác tốt hơn.img

Nhạc sĩ quân đội Đào Văn Sử cũng tham gia cuộc toạ đàm bằng một câu chuyện về một nhạc sĩ quân đội. Năm 1969, do bắt chước giai điệu của nhạc sĩ người Nga Tchabaiev để sáng tác một tác phẩm của mình, nhạc sĩ này đã bị khai trừ khỏi Đảng và khai trừ khỏi hội nhạc sĩ. Ông Sử cho rằng chúng ta không cần chờ đợi các phiên toà tại toà án quốc tế mà ngay lúc này Hội Nhạc sĩ phải lên tiếng.

Không khí cuộc tọa đàm càng nóng hơn khi nhiều độc giả đặt câu hỏi: Một bài hát giống bao nhiêu phần trăm bài hát khác thì được gọi là "nhái", là "đạo" nhạc.

NS Phan Huỳnh Điểu lưỡng lự: Thật khó xác định!

GS Vũ mạnh dạn đưa ra tiêu chí: Khi nghe một bản nhạc mà có thể liên tưởng ngay đến một bản nhạc khác thì phải cảnh giác xem xét lại. Giáo sư Hải còn cho rằng không chỉ đạo nhạc mà đạo ý tưởng của người khác cũng cần phải lên án.

GS Vũ tạm dùng chữ "bám" để nói đến sự cần thiết phải học tập của các nhạc sĩ trẻ, nhưng vấn đề là cách "bám" và mức độ "bám".

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đề xuất: Nhạc sĩ trẻ nên bám vào nhạc dân tộc, sẽ có tác phẩm hay và lạ.

Kết thúc buổi tọa đàm là những lời cảnh báo của các GS-NS gởi gắm lại cho lớp đàn em của mình: Đó là hãy chuyên tâm học tập, đừng đi quá đà để bị gọi là "đạo" nhạc, copy sáng tác. Như thế sẽ xấu hổ lắm.

GS Vũ nhắn nhủ: Giới chuyên nghiệp chúng tôi có thể không biết nhưng quần chúng sẽ là người phát hiện và lên án. Điều mừng nhất của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được ông thổ lộ với mọi người chính là sự quan tâm của giới trẻ, họ đã nghe, nhớ và phát hiện ra những sự thật này. Trình độ cảm thụ âm nhạc của giới trẻ hiện nay đã được nâng cao. Những góp ý đầy tâm huyết của bạn đọc trong buổi tọa đàm này cũng như những ngày trước đó chính là sự thể hiện lòng tự trọng, tự tôn dân tộc trước những hành vi làm tổn thương đến danh dự của đội ngũ nhạc sĩ nói riêng và nghệ sĩ nói chung


Chúng tôi đã nhận được các thông tin phản hồi của các bạn đọc sau:

* Hoang Ha (ĐC: 193/32 Ngô Quyền, Q.10): "Tôi là độc giả cũng như là người rất yêu thích âm nhạc VN. Sau sự kiện copy vừa qua của nhạc sĩ Bảo Chấn theo tôi thì Hội Âm nhạc VN nên có sự trừng phạt thích đáng để răn đe những nhạc sĩ khác muốn có ý copy như nhạc sĩ Bảo Chấn".

- Trả lời: Rất cám ơn ý kiến của bạn. Chúng tôi đã chuyển đề nghị này của bạn đến các nhạc sĩ dự cuộc toạ đàm này. Bạn chờ phần ý kiến của họ nhé. Thân ái.

* Bác sĩ Dương Phong Nghi (287/2 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 - TPHCM, dpnghi@yahoo.com): Đừng xót xa nữa, hỡi các bạn yêu nhạc Về mặt toán học, không thể có chuyện giống nhau dễ sợ như vậy giữa hai bài hát.Để cho dễ hiểu, giả sử chỉ có 7 nốt nhạc (thật ra là rất nhiều vì cung bậc khác nhau)là Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si mà thôi. Bây giờ nếu một nhạc sĩ X nào đó viết 1 câu nhạc gồm 10 nốt, ví dụ theo thứ tự là Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si, Do, Re và Mi. Nếu ai đó yêu cầu tôi cũng viết một câu nhạc cũng gồm 10 nốt, cũng chỉ với 7 nốt cơ bản đó như nhạc sĩ X. Các bạn biết tôi phải viết bao nhiêu lần(câu) thì mới có 1 lần giống với câu của nhạc sĩ X không Xin đừng giật mình: 282.475.249 lần Lý do như sau: - xác suất để tôi viết nốt nhạc đầu tiên là nốt Do giống nhạc sĩ X đã viết là 1/7 (vì ta đã giả sử chỉ có 7 nốt nhạc mà thôi) - tương tự, xác suất để viết giống nốt thứ 2 cũng là 1/7; nốt thứ 3 cũng 1/7, v.v. cho đến nốt thứ 10 cũng là 1/7 Như vậy, xác suất để tôi viết giống cả 10 nốt nhạc như nhạc sĩ X là: = 1/7x1/7x1/7x1/7x1/7x1/7x1/7x1/7x1/7x1/7 = 1/7x7x7x7x7x7x7x7x7x7 = 1/282.475.249 Điều này có nghĩa là gì Nghĩa là khi bạn thấy tôi viết một câu nhạc giống như nhạc sĩ X đã viết như trên, nếu bạn nói 282.475.249 lần rằng tôi ăn cắp nhạc của nhạc sĩ X, thì chỉ có 1 lần bạn sai mà thôi. Ở đây tôi chỉ ví dụ có một câu nhạc chỉ có 10 nốt, và chỉ có 7 nốt cơ bản mà muốn viết giống đã khó như thế, huống gì giống gần hết cả bài hát. Tôi đã cho các bạn thấy tại sao nhạc sĩ BC nói không chứng minh những gì không cần chứng minh (vì quá rõ mà) rồi đó. Mong các bạn đừng xót xa nữa nhé. Chào các bạn.

- Trả lời: Kính chào bác sĩ, bác sĩ có một phát hiện rất tuyệt vời. Chúng tôi đã đọc nhận xét của bác sĩ cho các nhạc sĩ dự toà đàm nghe. Tất cả họ đều đồng ý đây là một nhận xét sâu sắc, giàu tâm huyết. Và họ đều tỏ ý khâm phục trình độ thưởng ngoạn của người nghe nhạc và càng thấy rõ trách nhiệm của giới nhạc sĩ đối với công chúng. Kính chào.

* T.N.Hanh (Q.1-TPHCM): Tôi đang theo dõi cuộc trò chuyện trực tuyến của quý báo. Lời đầu tiên, tôi xin thay lời độc giả cảm ơn báo Người Lao Động đã tổ chức cuộc trò chuyện này để có thể phần nào đáp ứng lòng mong muốn giải tỏa của đa số độc giả và khán giả yêu nhạc. Thưa các giáo sư, tôi còn có thông tin về bài Anh tôi (của Phương Uyên - bài hát chống ma túy) và bài Biết không còn (Nhậm Hiền Tề - ca sĩ Hồng Kông trình bày) cũng có giai điệu khá giống nhau. Và chắc chắn rằng còn rất nhiều nữa. Họ đã lừa khán giả.

- Trả lời: Rất cám ơn sự phát hiện của bạn, chúng tôi sẽ thẩm định và thông tin cho bạn đọc được rõ. Thân ái.

 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

imgCòn có bút danh là Huy Quang. Sinh ngày 11/11/1924. Quê ở Đà Nẵng, hiện cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 40 trong nhóm tân nhạc. Sau Trầu cau, sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài Đoàn giải phóng quân viết cuối 1945. Đây là một ca khúc có giá trị trong giai đoạn đầu khởi nghĩa, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng, có ấn tượng rất sâu đậm trong mọi tầng lớp nhân dân.Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu V, viết một số ca khúc, như Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch, Quê tôi ở miền Nam..
Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ VN. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sỹ VN, ông được cử vào Ban chấp hành là Uỷ viên Thường vụ và công tác tại HN. Tháng 12/1964, ông vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban văn nghệ Khu. Bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang đã là giai điệu thôi thúc những người lính ngày ấy. Từ khi thống nhất đất nước ông chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh. Âm nhạc của ông có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong trong thể loại hành khúc, như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm. Ông có nhiều thành công khi viết về đề tài tình yêu đôi lứa hoà trong tình cảm chung của dân tộc. Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển...
 

Giáo sư- Nhạc sĩ Tô Vũ

imgNhạc sĩ  Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú, hoạt động âm nhạc từ lúc mới 15 tuổi trong nhóm " Đồng vọng" quy tụ một số thanh niên yêu thích âm nhạc ở Hải Phòng, do người anh ruột là nhạc sĩ Hoàng Quý phụ trách. Những năm đầu thập niên 40, giới thanh niên học sinh trong nước biết đến tên Hoàng Phú qua các bài hát như " Ngày xưa", "Dưới bóng thông xanh"... Nhưng phải đến sau năm 1945, tài năng âm nhạc của ông mới thật sự được phát huy. Trong kháng chiến chống Pháp ông mang bút danh  Tô Vũ.

Trong các ca khúc trữ tình của ông được nhiều người ưa thích, đáng chú ý có bài " Tạ từ" sáng tác năm 1947 tại vùng kháng chiến Thái Bình lúc tác giả là một chàng trai 24 tuổi. hồi ấy Tô Vũ có người bạn thân là nmột nghệ sĩ violon. Cô người yêu của anh bạn này vì lý do riên đã phải theo gia đình trở về sống ở vùng địch tạm chiếm. Dù có lời yêu cầu tha thiết của người yêu, anh bạn ấy vẫn cứ quyết định ở lại trong vùng kháng chiến. Xúc cảm trước câu chuyện này, Tô Vũ đã sáng tác bài hát " Tạ từ" (Chào từ biệt), trong đó âm hình giai điệu  và âm thanh tiết tấu khá gầm gũi với tính cách réo rắt và ngón đàn diễn tấu của nhạc cụ violon.

Thật không ngờ, hai năm sau (1949) chính tác giả bài hát cũng phải "tạ từ" người yêu của mình trong hoàn cảnh tương tự như người bạn thân trước đây.