Tầm thời đại trong câu chuyện cũ

Sai lầm của Thục Phán-An Dương Vương là một bài học cay đắng trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, nhưng đó mãi mãi là bài học xương máu cho muôn đời sau. Đó là thông điệp của Nỏ thần muốn chuyển tới người xem

Không giống như những tác phẩm sân khấu khác cùng khai thác kịch bản Chiếc áo thiên nga của tác giả Lê Duy Hạnh, vở kịch Nỏ thần (đạo diễn: Đỗ Đức Thịnh) của Sân khấu Kịch Phú Nhuận vừa ra mắt khán giả vào đêm 13-9, tại Nhà hát TPHCM,  không đi sâu khai thác bi kịch của mối tình Trọng Thủy – Mỵ Châu mà lý giải một cách sâu sắc sự suy vong của triều đại Thục Phán-An Dương Vương dẫn đến mất nước Âu Lạc.

img

Một cảnh đối đầu giữa Nhan Tấn (NSƯT Bảo Quốc) và Cao Thục (Huỳnh Đông)


Bài học của muôn đời


Kết thúc vở diễn, hình tượng Thục Phán- An Dương Vương hiện lên trên sóng biển trong ánh sáng lung linh nói với người xem rằng “những thất bại mà Thục Phán ta chuốc lấy hôm nay mãi mãi là bài học...”. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo để đạo diễn Đỗ Đức Thịnh khai thác câu chuyện huyền sử Trọng Thủy - Mỵ Châu theo cách riêng của mình.


Gạt bỏ yếu tố thần thánh hóa, Nỏ thần trên sân khấu của Đỗ Đức Thịnh lý giải về sức mạnh của Âu Lạc - đã đánh tan tác đội quân hùng mạnh của Triệu Đà qua 10 lần Triệu Đà kéo quân xâm chiếm Âu Lạc - chính là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, biết lấy xã tắc làm trọng, biết hy sinh hạnh phúc riêng tư vì sự tồn vong của giang sơn, giống nòi. Sức mạnh ấy chỉ sau 3 tuần trăng đã bị phá tan bởi âm mưu bành trướng, thôn tính của kẻ thù.


Không thắng được Thục Phán trên trận mạc, Triệu Đà đi nước cờ thâm độc hơn bằng những viên đạn bọc đường. Dùng chiêu bài hữu hảo, bang giao để lọt vào được Cổ Loa thành, đem bạc vàng châu báu, rượu ngon, gái đẹp để mua chuộc. Và những con người vốn lâu năm vất vả vì chinh chiến, nay được sống trong hòa bình tránh sao khỏi những cám dỗ của cuộc sống phú quý, vinh hoa. Một đất nước mất người tài, đất nước ấy sẽ suy vong. Một quốc gia thiếu người đứng đầu có đủ tâm, lực vững vàng sẽ không thể giữ yên bờ cõi. Âu Lạc vào tay giặc, không phải vì nàng Mỵ Châu thơ ngây trong sáng đã tiết lộ bí mật nỏ thần cho Trọng Thủy như trong câu chuyện huyền sử mà chính là vì Âu Lạc đã mất đi sức mạnh do chính mình tạo ra, mất đi sự sáng suốt để nhận biết  đâu là đúng - sai, đâu là bạn - thù của những người có quyền lực, nhất là người đứng ở ngôi cao, đang nắm trong tay vận mệnh của đất nước. Mỵ Châu - Trọng Thủy - Hoàng Dung đều là những nạn nhân đáng thương cho những mưu đồ đen tối, thèm khát thôn tính, bá quyền của Triệu Đà cũng như lòng ích kỷ cá nhân, mất cảnh giác của những người từng được xem là anh hùng, sức mạnh bách chiến bách thắng của Âu Lạc.


Tầm vóc của các hình tượng nhân vật   


Với cách mở đầu câu chuyện mang tính liên tưởng, ước lệ, Nỏ thần đã khắc họa được những mối quan hệ ngang trái của các nhân vật ngay từ đầu vở. Và cũng là một sự rút ngắn khéo léo tình tiết giới thiệu nhân vật, nhường chỗ cho những xung đột gay gắt giữa các nhân vật đại diện cho mối quan hệ đối đầu giữa hai đất nước, điển hình là thái sư của Triệu Đà: Nhan Tấn (do NSƯT Bảo Quốc đóng) và dũng tướng của Âu Lạc: Cao Thục (Huỳnh Đông đóng). Đây cũng là hai tuyến nhân vật được Đỗ Đức Thịnh tập trung khai thác sâu để thể hiện rõ nhất tính chiến đấu cho vở. 


Hình tượng nhân vật Cao Thục luôn được đẩy lên đến đỉnh cao của vẻ đẹp bất tử: Trung – Dũng – Trí - Nhân. Dù là dũng tướng, đứng dưới một người và trên muôn người nhưng Cao Thục không thể một mình chống lại hàng ngàn, hàng vạn mũi giáo vô hình của kẻ thù đang từng ngày giết chết ý chí, sức mạnh của dân tộc mình. Trong giây phút hy sinh, người dũng tướng này vẫn đứng vững bên chiếc trống đồng – báu vật của non sông Âu Lạc - gióng lên những thanh âm vang rền, như lời của núi sông, để rồi tự trách mình đã không giữ được Cổ Loa thành. Gương mặt cương nghị, biểu lộ cảm xúc xuất thần ở mỗi cảnh diễn của Huỳnh Đông đã ghi một dấu ấn đặc biệt cho vai diễn và cũng đã làm nên linh hồn cho nhân vật, bật lên được tư tưởng của vở diễn.


Đại diện cho tuyến nhân vật đối trọng, gây ấn tượng thứ 2 là Nhan Tấn. Một nhân vật thủ đoạn, ôm mối hận nước thù nhà một mình đi sứ sang Âu Lạc để thực hiện mưu đồ đen tối của mình. Chấp nhận luồn cúi, nịnh bợ để mua chuộc được vua quan nước Âu Lạc bằng bạc vàng, châu báu, rượu ngon, gái đẹp, với mục đích là tìm cho ra bí quyết sức mạnh của nỏ thần. Và khi hắn đã thuộc Cổ Loa thành như lòng bàn tay và biết được bí mật sức mạnh của chiếc nỏ thần không phải là sức mạnh thần thánh thì việc xua quân đánh chiếm Âu Lạc dễ dàng như trở bàn tay. Hai nhân vật đại diện cho hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa; giữa cao cả, anh hùng và thủ đoạn xảo trá, đê hèn. Vào một vai diễn không hề thuộc sở trường của mình, nhưng NSƯT Bảo Quốc đã thể hiện rất thành công vai Nhan Tấn, ghi dấu ấn riêng cho mình. Làm cho khán giả căm ghét như vai Nhan Tấn có lẽ là lần đầu tiên thấy ở ông. 

Khát vọng hòa bình

Là một nhân vật hư cấu, nhưng Hoàng Dung (diễn viên Vân Anh) lại là tuyến nhân vật có đủ sức nặng tạo nên một hình ảnh khác của người dân đất Triệu. Hoàng Dung đã khuyên Trọng Thủy phải cấp tốc sang Âu Lạc báo hung tin. Một cách để người đời còn nhớ rằng “nước Triệu vẫn còn có người giữ điều tín nghĩa”. Hoàng Dung còn là hình ảnh của một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt và tận tụy hy sinh – một nét đẹp hướng thiện tỏa sáng trong khói lửa chiến chinh. Dù trong người đang hoài thai giọt máu của Trọng Thủy nhưng vẫn để cho chồng đi tìm Mỵ Châu và chấp nhận giữ nỗi đau khổ cho riêng mình. Sự xuất hiện của Hoàng Dung cũng đã làm tôn thêm tính cách của nhân vật Trọng Thủy. Sự giằng xé giữa tình yêu và trách nhiệm; giữa hiếu nghĩa và tình; giữa sự chân thành trong sáng và tội lỗi vô tình của nhân vật đã cho Hòa Hiệp thêm đất diễn để lột tả được một hình ảnh Trọng Thủy đáng thương, cần được cảm thông. Một Hoàng Dung, một Trọng Thủy không thể cứu nguy cho Âu Lạc, nhưng đó là góc nhìn nhân văn về những con người luôn khát vọng hòa bình của ê-kíp thực hiện.