“Tay không bắt giặc”
Để dòng phim này đi được đường dài, phát triển bền vững rất cần sự hợp lực từ nhiều phía để giải được bài toán khó khăn trăm bề
Chính sách mới của nhà đài có thể coi như cú hích kích thích các nhà làm phim tư nhân quan tâm, chịu bỏ vốn đầu tư thể loại phim đề tài lịch sử. Tuy nhiên, để dòng phim này đi được đường dài cần thêm rất nhiều yếu tố khác.
Khó khăn chồng chất
Với các hãng tư nhân - những người luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu - chuyện bỏ tiền túi đầu tư vào phim càng phải được tính toán cẩn thận. Tuy nhà đài đã nâng mức mua phim lịch sử lên gấp đôi so với các phim tâm lý xã hội thông thường nhưng thực tế con số 400 triệu đồng/tập phim vẫn không thấm vào đâu, nhất là những phim đòi hỏi phải dàn dựng lớn về bối cảnh.
Đạo diễn Lê Cung Bắc làm phim Vó ngựa trời Nam bằng tiền của hãng Nhà nước, cho biết: “Mức 400 triệu đồng/tập cho phim này đã bị cắt giảm 1/5 so với đề xuất ban đầu. Vì vậy, những bối cảnh tại Thái Lan, Lào phải làm giả từ bối cảnh quay ở trong nước”.
Ông Trần Bình Trọng, Trưởng Phòng Sản xuất Hãng M&T Pictures, cho biết: “Dự án làm phim về đất Thăng Long của hãng vẫn còn trong giai đoạn thương lượng kinh phí với đài truyền hình, vì 400 triệu đồng/tập thực sự không đủ, ước tính 1 tỉ đồng/tập may ra mới làm được. Không như phim thời hiện đại, làm phim lịch sử đâu thể lồng quảng cáo sản phẩm vào phim nên khó thuyết phục nhà tài trợ”. Cũng vì lý do không thỏa thuận được mức kinh phí mà có hãng tư nhân đã chuyển sang hợp tác với đài khác.
![]() Cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long quay ở phim trường Hoành Điếm, Trung Quốc. Ảnh: C.T.V |
Một nhà sản xuất phim phân tích: 400 triệu đồng/tập phim nghe có vẻ nhiều nhưng vẫn là con số bất khả thi với những người làm phim lịch sử vì đụng tới đề tài lịch sử thì cái gì cũng thiếu, mọi thứ gần như bắt đầu từ con số 0.
Một đại diện của Công ty Cát Tiên Sa cho biết: “Kịch bản, kinh phí là một chuyện, còn phải tìm được đạo diễn có tầm, có tâm nữa mà những người như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Sự cân nhắc của các đơn vị tư nhân hoàn toàn có lý bởi không thể bắt họ chịu lỗ để làm phim, nhất là phim lịch sử- thể loại khó làm và khó... hay đối với nền sản xuất phim còn non yếu như VN hiện nay.
Bức bách phim trường
Một trong những nguyên nhân khiến kinh phí làm phim lịch sử luôn bị đội giá là VN không có trường quay mà đối với một phim lịch sử thì bối cảnh và trang phục là hai yếu tố quan trọng để người xem cảm nhận được không khí lịch sử.
Không có phim trường nên mọi thứ phải dựng, phải làm giả hoặc “ăn sẵn” bối cảnh. Các di tích lịch sử văn hóa trong nước được tận dụng làm trường quay gây bao cảnh dở khóc dở cười mà gần đây nhất là trường hợp đoàn phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ bị dư luận lên án vì đã xúc phạm chốn tôn nghiêm, dọn dẹp nơi thờ tự vua Minh Mạng để làm trường quay.
Hậu duệ vua Minh Mạng bức xúc đã đành, du khách cũng phiền hà không kém vì đã bỏ tiền mua vé vào tham quan nhưng không được nhìn thấy, thưởng ngoạn di tích của vua cũng chẳng được phép chụp ảnh vì đoàn phim không cho.
Trường quay trong nước không có, mang sang nước ngoài quay cũng không xong. Đoàn phim truyền hình Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long (Công ty Trường Thành sản xuất) chấp nhận tốn kém sang tận phim trường Hoành Điếm của Trung Quốc để quay nhưng hiệu quả cũng không được như ý vì kiến trúc cổ ở mỗi nước mỗi khác.
Theo NSƯT Tất Bình, đạo diễn phim Huyền sử thiên đô và giám đốc dự án phim Thái sư Trần Thủ Độ, nếu có một trường quay thì tốc độ quay và kinh phí của một phim lịch sử sẽ giảm đi rất nhiều. Bởi vì chỉ cần xây dựng một lần và các đoàn làm phim sau lần lượt đến thuê, khi quay chỉ cải tạo ít nhiều cho phù hợp.
Cả nước đang rộn ràng hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, đó có thể cũng là một lý do khiến các nhà làm phim tư nhân hăng hái hưởng ứng việc làm phim lịch sử. Để dòng phim này đi được đường dài, phát triển bền vững rất cần sự hợp lực từ nhiều phía để giải được những bài toán khó khăn trên.
Phim trường trên giấy Mấy chục năm qua, phim trường vẫn là niềm khao khát của những người trong nghề.
Cách đây 13 năm, Chính phủ đã có quyết định xây dựng Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (quận 9 - TPHCM), trong đó bao gồm một công viên điện ảnh nhằm giới thiệu nền điện ảnh VN từ ngày mới thành lập đến nay, tổ chức trường quay và các dịch vụ về điện ảnh phục vụ các đoàn làm phim trong và ngoài nước.
Thế nhưng cho đến nay, trường quay mang tầm quốc gia này vẫn còn nằm trên giấy và các đoàn phim vẫn phải đi rong ruổi khắp đất nước để ghi hình.
Phim trường Cổ Loa, tại Hà Nội cũng mới xây dựng được một vài hạng mục để quay nội cảnh.
Một số hãng phim tư nhân tuyên bố xây phim trường nhưng cũng chỉ tuyên bố rồi để đó. |