Thế giới võ thuật của hoạt hình
Bộ phim hoạt hình Kungfu Panda do Mark Osborne, Jeff Stevenson làm đạo diễn đã đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu trong tuần qua tại Bắc Mỹ. Bộ phim lấy bối cảnh Trung Quốc cổ đại, về một chú gấu trúc Panda bất ngờ trở thành một vị anh hùng với võ thuật cao siêu
Phim được lồng tiếng bởi nhiều ngôi sao nổi tiếng của Hollywood như Jack Black, Dustin Hoffman, Angelina Jolie, Thành Long và Lucy Liu...
Theo giới phê bình phim, Kungfu Panda hứa hẹn sẽ “làm mưa làm gió” tại thị trường điện ảnh châu Á trong tháng 7 tới khi bộ phim bắt đầu được trình chiếu tại đây. Kungfu Panda cũng được đánh giá là bộ phim hoạt hình đáng xem và đáng chờ đợi nhất mùa hè năm 2008. Song, cũng không ít bài báo đã phê bình: “Tuy Kungfu Panda có kịch bản và hành động vui nhộn, sống động, nhưng những nhân vật Mỹ lại được đặt trong bối cảnh văn hóa và kiến trúc Trung Quốc. Điều này cho thấy, các nhà làm phim của Hollywood đang mất dần tính sáng tạo trong nghệ thuật của phương Tây. Họ bắt đầu chuyển hướng về phương Đông để xây dựng tác phẩm này...”.
Bên lề của Kungfu Panda
Nhà thiết kế sản xuất và giám đốc nghệ thuật của phim đã nghiên cứu, tìm hiểu những bức tranh, điêu khắc, kiến trúc cổ Trung Quốc, xem lại những phim Ngọa hổ tàng long, Anh hùng, Phi đao xứ; nhà soạn nhạc Hans Zimmer phải nghe dàn nhạc giao hưởng Trung Quốc, thuê nhạc công đàn nhị, để tự tay viết nhạc phim. Tháng 9-2005, phim Kungfu Panda đã được hai đạo diễn John Stevenson và Mark Osborne quay trên truyện phim của Jonathan Aibel và Glenn Berger.
Điểm mấu chốt chính là nguồn cảm hứng từ võ thuật Trung Quốc, ngay cả quang cảnh và phong cách kiến trúc cũng cần chính xác với văn hóa nước này. Mục tiêu của các nhà thiết kế là đem lại một tác phẩm điện ảnh giàu bản sắc văn hóa. Sau nhiều tháng tìm hiểu, kết quả là có những chi tiết tinh tế chỉ những nhà chuyên gia mới đánh giá được. Nhà thiết kế Ziback có nhiệm vụ tạo dựng hình ảnh cho nhân vật, bối cảnh nền, chọn màu sắc và tạo phong cách cho cả phim. Ông muốn nhân cách hóa các sinh vật trong phim để chúng có thể trình diễn các thế võ kungfu. Còn khi chọn trang phục cho nhân vật, ông không muốn thiết kế phải chính xác đúng thời điểm nào đó trong lịch sử, mà chỉ cần phù hợp với phong cách tổng thể và bắt nguồn cảm hứng từ trang phục của Trung Hoa. Các địa danh trong phim chịu ảnh hưởng nhiều từ quang cảnh thung lũng Lệ Giang và thành phố Quế Lâm bên bờ tây dòng sông này. Các nhà thiết kế còn muốn đưa vào phim hình ảnh cây bách đặc trưng vùng đó. Phim phải mất 3 năm mới hoàn tất bằng hoạt hình “3D” do kỹ thuật tạo hình CGI cộng với nét vẽ bằng tay.
Theo đạo diễn John Stevenson, thông điệp của bộ phim là: “Chúng tôi muốn bộ phim phải chứa đựng điều gì đó để đám trẻ học tập. “Hãy tự trở thành anh hùng” nghĩa là chỉ có bản thân bạn mới có lời giải đáp. Đừng trông chờ ai đó giúp bạn giải quyết mọi chuyện. Bạn có đủ năng lực giành được bất cứ thứ gì bạn muốn, nếu bạn toàn tâm toàn ý với điều đó. Hãy nỗ lực hết sức! Mặc dù gấu Po rất mê kungfu nhưng thực tế, chú là một con gấu béo phì và đang làm bồi bàn tại tiệm mì. Chú ham ăn, lười biếng và không thích làm anh hùng... Có thể nói, để gấu Po trở thành vị đại anh hùng là một chuyện không tưởng nhưng tôi nghĩ con người ta sẽ trưởng thành theo thời gian và gấu Po là mẫu người như thế”.
Kungfu Panda đã có buổi chiếu ra mắt ở đại lục vào cuối tuần qua, tuy nhiên các khán giả của tỉnh Tứ Xuyên - nơi có trung tâm nuôi dưỡng gấu trúc Panda nổi tiếng Wolong - sẽ chưa có cơ hội xem Kungfu Panda vì thời điểm phát hành phim tại đây đã bị hoãn lại do ảnh hưởng của trận động đất. Đây là quyết định của Ủy ban Truyền hình - Điện ảnh và Phát thanh Trung Quốc, việc làm trên là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm xoa dịu nỗi đau tinh thần cho những người còn sống sót sau trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 12-5. Chưa rõ khi nào Kungfu Panda mới được trình chiếu tại Tứ Xuyên. Sở dĩ có việc trì hoãn này một phần cũng vì một số cư dân mạng người Trung Quốc lên tiếng đòi tẩy chay phim Kungfu Panda với lý do, Hollywood đã cố tình tìm kiếm lợi nhuận từ văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả những gì mà họ chỉ trích chưa đủ sức thuyết phục được khán giả mê điện ảnh tại tỉnh Tứ Xuyên, không ít người vẫn tuyên bố muốn xem Kungfu Panda như thế nào.
Kungfu Panda – thế giới của võ thuật
Thần long hiệp sĩ là thần rùa Oogway, kẻ bảo trợ cho sư phụ sóc đỏ Shifu và báo tuyết Tai Lung, từng tiên tri rằng một ngày nào đó thế nào Tai Lung cũng trở về tàn phá đền Kim Cương trên núi cao của thung lũng Hòa Bình, giành vị trí Thần long hiệp sĩ. Tức giận, nhóm ngũ quái, học trò kungfu của sư phụ Shifu gồm Hầu vương, Hổ cái, Xà vương, Bọ ngựa và Thiên hạc lên đường tìm cách đánh bại Tai Lung. Nhưng họ không thành công. Gấu trúc Po là con của ông ngỗng Ping bán mì sợi trong làng. Po không mê bán mì mà chỉ thích học kungfu để ra oai. Một ngày nọ, Po lẻn đến nơi ông Thần Rùa, thấy ông có võ công cao cường, Po mơ mộng mình có ngày được làm hiệp sĩ, được tập võ thuật như ai. Nhưng anh ta là người háu đói, bụng bự, lại không thích làm người nghĩa hiệp nên việc leo lên đền Kim Cương đối với anh ta là chuyện... mệt! Po không muốn làm nhưng Thần Rùa quả quyết có ngày Po sẽ trở thành Thần long hiệp sĩ. Sư phụ Shifu phải tập kungfu cho Po, lợi dụng nhược điểm hay đói của Po, ông đem bánh bao lôi cuốn Po chăm chỉ học võ công...
Nội dung phim được kết thúc bằng cảnh Po đánh thắng báo tuyết Tai Lung đem lại hòa bình cho dân làng ở thung lũng Hòa Bình.