The Mummy 3: Đối thủ của The Dark Knight
Phần 3 của loạt phim ăn khách Xác ướp Ai Cập sẽ tái ngộ với khán giả VN trong buổi ra mắt ngày 12-8 tới với tựa đề Lăng mộ Tần Vương. Ngày 15-8, phim sẽ khởi chiếu rộng rãi trên cả nước
Chuyện phim bắt đầu khi chàng khảo cổ học trẻ tuổi Alex O’Connell khai quật được lăng mộ của hoàng đế, vốn là một xác ướp bị trói buộc bởi lời nguyền cổ xưa. Hai thiên niên kỷ trước, vị phù thủy Zi Yuan đã yểm bùa vị hoàng đế cùng đội quân đất nung sau khi ông ta đã giết chết đại tướng Ming, người mà Zi Yuan yêu thương. Lúc này, một thế lực đen tối do tướng Yang cầm đầu đang có dã tâm đánh thức vị hoàng đế cùng đội quân bất khả chiến bại của ông ta thức dậy, để nhấn chìm cả nhân loại vào kiếp nô lệ đọa đày bất tận. Giờ đây, mọi hy vọng chỉ có thể trông chờ vào gia đình nhà O’Connell, những người đã có quá nhiều kinh nghiệm với các vụ xác ướp “đội mồ sống dậy”...
Soán ngôi The Dark Knight ở hải ngoại
Khởi chiếu tại Bắc Mỹ từ ngày 1-8 qua, The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor hạ bệ The Dark Knight khỏi vị trí quán quân bảng xếp hạng ba tuần liền tại thị trường hải ngoại. Phim xếp thứ nhất bảng xếp hạng 10 phim ăn khách tại 26/28 nước. Tại 28 nước đã phát hành, The Mummy 3 đã thu 59,5 triệu USD tiền vé. Cao hơn nhiều khi so với doanh thu ở hải ngoại trong tuần đầu mở màn 16,7 triệu USD của The Mummy hồi năm 1999 và 21,5 triệu USD của The Mummy Returns hồi năm 2001. Những thị trường mà phim “làm mưa làm gió” nhiều nhất có thể kể đến như Hàn Quốc (13,3 triệu USD), Nga (12,7 triệu USD), Tây Ban Nha (6,7 triệu USD), Mexico (5,1 triệu USD), Brazil (3,1 triệu USD)... The Mummy 3 cũng là một trong những phim mà Hollywood nhắm đến thị trường châu Á nên ngoài ê kíp diễn viên phương tây như Brendan Fraser, Luke Ford, Maria Bello, John Hannah, phim còn có sự góp mặt của những tên tuổi quen thuộc của châu Á: Lý Liên Kiệt, Huỳnh Thu Sinh, Lương Lạc Thi, Dương Tử Quỳnh. Trong đó vai diễn hoàng đế – người cầm đầu thế lực bóng tối mới không thể có ai thích hợp hơn ngoài Lý Liên Kiệt.
Đạo diễn Cohen nói: “Lý Liên Kiệt là người thích hợp và luôn là sự lựa chọn duy nhất trong đầu tôi”. Phải nói thêm rằng Lý Liên Kiệt và Cohen đang có dự định hợp tác cùng nhau trong Sinbad, vì thế mà họ biết về nhau khá rõ. Lý Liên Kiệt đánh giá Cohen hoàn toàn có được phong cách của một đạo diễn Hồng Kông: tràn đầy nhiệt huyết và luôn biết cách nắm bắt thời đại. Những màn đấu kiếm và võ thuật trong phim cũng hết sức lôi cuốn. Với sự hiện diện của Lý Liên Kiệt – một bậc thầy võ thuật, Brendan Fraser với các miếng võ Krav Maga, kiếm thuật của Dương Tử Quỳnh, kung-fu của Lương Lạc Thi cùng với lối đánh đấm đường phố của Luke Ford, bộ phim là một bữa tiệc cho các fan hâm mộ những pha hành động chiến đấu.
Chuyện bên lề
The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor được quay trong 5 tháng ở Canada, Bắc Kinh, Thượng Hải... Tại một vùng núi ở Canada, đoàn làm phim dựng lại bối cảnh của dãy Himalaya, nơi ẩn chứa con đường bí mật dẫn đến hồ Trường Sinh. Đội ngũ cố vấn kỹ xảo Bruce Steinheimer đã phải dùng 160 tấn magie sunfat để làm giả tuyết trong một khoảng sân nhằm phục vụ cho một số cảnh quay. Bruce giải thích sở dĩ họ làm vậy bởi đạo diễn Rob Cohen có yêu cầu khá cao về chất lượng của chỗ tuyết giả này. Một trong những chi tiết gây hứng thú nhất khu lăng mộ của vị hoàng đế cùng hàng ngàn chiến binh đất nung. Để xây dựng nên đạo quân bóng tối trong phim, 20 khuôn mẫu riêng biệt đã được tạo ra và có thể hoán đổi các chi tiết cho nhau. Vũ khí, áo giáp và các phụ kiện khác được mua nguyên mẫu ở Trung Quốc, sau đó được chuyển về Montreal và sản xuất hàng loạt phục vụ cho quá trình làm phim. Ê-kíp làm phim tổng cộng có khoảng 2.000 nhân lực tham gia dàn dựng và diễn xuất trong các cảnh quay tại đất nước của Vạn Lý Trường Thành. Chủ yếu các cảnh quay tại Trung Quốc được thực hiện tại sa mạc Tian Mo và Thượng Hải.
Phần kỹ xảo tạo nên vị hoàng đế cùng đoàn quân đất nung cũng hết sức kỳ công. Nhóm kỹ xảo đã bỏ rất nhiều công sức xây dựng, ví dụ như những binh lính gốm, khi họ di chuyển, các mảnh gốm sẽ nứt ra rồi lại tái hợp lại. Bản thân vị hoàng đế lại là thành quả của một loạt những kỳ công kỹ xảo khác, phải làm sao cho nhân vật này không chỉ đơn giản là một diễn viên mặc phục trang và đeo mặt nạ mà mọi cử động phải mang lại cảm giác nhân vật của Lý Liên Kiệt thực sự làm bằng gốm. Một mảng khác cũng khá quan trọng chính là phục trang. Nhà thiết kế phục trang Sanja Milkovic Hays cùng 2 họa sĩ đã phải làm việc miệt mài trong 4 tháng liền để cụ thể hóa ý tưởng của đạo diễn Cohen về thế giới trong phim. Ngoài ra, bộ giáp của vị hoàng đế cũng được thiết kế hết sức kỳ công. Hays đã phải bắt đầu hằng tháng trời trước khi bộ phim bấm máy. Với mỗi cảnh quay khác nhau phải có một bộ giáp thích hợp. Khi vị hoàng đế đi lại, bộ giáp phải trông ấn tượng và thể hiện tính đế vương; khi thực hiện các pha võ thuật, bộ giáp cần phải nhẹ hơn rất nhiều; và với những cảnh cần ghép hiệu ứng, bộ giáp lại phải có thiết kế khác.