Thời của “công nghệ fast food”

Ca sĩ giống như một chiếc áo mới, người ta mặc dăm bảy bữa thấy chán rồi thì bỏ. Hết lực lượng này, có thể kiếm một đội ngũ khác thế vào

Nhanh chóng nổi tiếng và giàu có, ca hát trở thành nghề có ma lực đối với nhiều người. Thay vì phải học tập một cách nghiêm túc, tâm lý chung là “đánh nhanh thắng nhanh”. Vì thế, thị trường ca nhạc đầy rẫy ca sĩ  được tạo ra bởi công nghệ fast food (thức ăn nhanh).
 
img
Sau Mắt Ngọc, nhóm hát nào sẽ kế cận? Ảnh: C.T.V
 
Đẻ non, chết yểu
 
Theo nhạc sĩ Minh Châu, nền công nghiệp âm nhạc thời nay mang tính giải trí cao nên “công nghệ fast food” trở thành phương cách tốt nhất cho cả ca sĩ lẫn người đầu tư. Ca sĩ giống như một chiếc áo mới, người ta mặc một thời gian thấy chán rồi thì bỏ. Hết lực lượng này, có thể kiếm một đội ngũ khác thế vào. Thế nhưng điều đáng nói là dù là ăn thức ăn nhanh nhưng không ai đủ kiên nhẫn để đợi một đĩa thức ăn nhanh đúng chuẩn. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng quy trình tạo ra một gương mặt giải trí đúng chuẩn phải mất ít nhất 2 năm cho việc tập luyện và mất đến 5 năm tiếp theo để có thể xuất hiện một cách vững vàng trên sân khấu. Thế nhưng đây lại là khoảng thời gian quá dài, vượt quá mức chờ đợi của những người muốn khai thác ngay.
 
“Cô công chúa nhỏ” của chuỗi hệ thống cà phê cao cấp H... nổi tiếng ở VN vừa bước vào tuổi 14 và muốn trở thành ca sĩ với hình tượng như Bảo Thy, Đông Nhi. Một nhạc sĩ được thuê “đỡ đầu” đào tạo và biến cô bé thành một người nổi tiếng với mức thù lao hậu hĩ, với yêu cầu chỉ trong vòng 6 tháng hoặc nhiều nhất là 1 năm  cô bé ấy phải trở thành người nổi tiếng. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Hàng loạt công ty đào tạo của tư nhân với những khóa đào tạo cấp tốc trong khoảng thời gian cực ngắn ra đời để đáp ứng yêu cầu này của những người muốn theo nghề hát.
 
Dù công nghệ lăng xê có “thần lực” đến cỡ nào thì các sản phẩm âm nhạc mà họ tạo ra  cũng đã phản ánh rõ nét năng lực của ca sĩ. “Hầu hết các ca sĩ trẻ hiện nay đều dở sàng sàng như nhau. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi ca sĩ ngại đầu tư cho nội dung nhưng không ngại dùng chiêu trò để đánh bóng bản thân. Không ngoa khi nói rằng các gương mặt giải trí hiện nay như một sản phẩm được nhào nặn cẩu thả, vội vàng và chỉ sử dụng ngắn hạn” - nhạc sĩ Lê Quốc Thắng nhận xét.
 
Công nghệ nửa mùa
 
Khi thị trường giải trí phát triển thành công nghệ đòi hỏi các khâu cũng phải vận hành thích ứng. Khán giả luôn luôn đòi hỏi cái mới, lạ nhưng phải có giá trị. Chính vì không có giá trị nên những cái mới, lạ xuất hiện trên thị trường giải trí ca nhạc thời gian qua chỉ thỏa mãn sự tò mò của công chúng.
 
“Thực tế, thị trường nhạc Việt chưa phát triển đến mức để những ông bầu sẵn sàng nhảy vào cuộc chơi này, tìm kiếm và đầu tư cho những giọng ca tiềm năng và triển vọng thành sao” - nhạc sĩ Minh Châu nhận định. Trước đây, cũng có vài hãng ghi âm ở VN nhảy vào cuộc bằng việc đầu tư cho những giọng ca hợp nhãn, như Vafaco, Sài Gòn Audio... Các nhóm Mây Trắng, Mắt Ngọc, Tam ca Áo Trắng, ca sĩ Mỹ Tâm,... cũng bắt đầu nổi tiếng từ đây. Thế nhưng, đó đã là chuyện của trước kia, khi băng đĩa còn là một công việc kinh doanh thu lợi.
 
Trong khi đó, một trong những nơi ươm mầm thế hệ kế cận được kỳ vọng là các nhà thiếu nhi các quận, huyện và TP. Thế nhưng, như lời nhạc sĩ Quốc An, “những nơi này chỉ hoạt động mang tính phong trào và không có chiến lược phát triển một cách chuyên nghiệp. Khá nhiều em có triển vọng nhưng đến 14 tuổi, phải dừng lại vì đã quá tuổi. Như vậy, các em có được trở thành ca sĩ hay không phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tài chính của mỗi người”.
 
Một trong những nơi tìm kiếm tài năng ca hát chính thống ở VN là các cuộc thi do các đài truyền hình tổ chức định kỳ hằng năm hoặc 2 năm/lần, như: Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn, Vietnam Idol, Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình, Tiếng ca Học đường,...Thế nhưng các cuộc thi này cũng chỉ dừng lại ở một sân chơi không hơn, không kém và tuyệt nhiên không có chiến lược đầu tư một cách bài bản để các thí sinh triển vọng được phát hiện từ những cuộc thi này có thể phát triển sự nghiệp ca hát vững vàng.

Muốn có sao phải đầu tư

 
Ở nhiều nước trên thế giới, ngoài việc đào tạo nuôi dưỡng các giọng ca năng khiếu từ nhỏ, những cuộc thi cũng chính là một kênh tuyển chọn của các ông trùm trong nền công nghiệp giải trí. Các hãng ghi âm nổi tiếng như Sony BMG với hãng ghi âm Hollywood Records, Walt  Disney với CLB Mickey Mouse, Jive hay Eric Foster White... đều nổi tiếng trong việc săn tìm tài năng trẻ từ các cuộc thi chính thống hay những cuộc thi do chính họ tổ chức. Thậm chí, Sony BMG còn phân bố lực lượng của mình đi khắp thế giới, từ châu Mỹ đến châu Phi, từ châu Úc đến châu Á (như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia) để tìm nhân tài triển vọng.
 
Quá trình săn tìm diễn ra bằng nhiều hình thức, từ tổ chức cuộc thi đến việc tìm kiếm trong các giáo đường, trường nhạc. Theo sau đó là sự đầu tư khổng lồ về tài chính cùng với chiến lược phát triển hoàn hảo. Vì vậy, thị trường giải trí âm nhạc của thế giới luôn nóng nhờ có sao nối tiếp nhau xuất hiện.