Tiếng đàn tranh - Tiếng lòng Việt

Tối 22-9, đêm diễn bế mạc của Nhạc hội đàn tranh lần 3-2012 do Cung Văn hóa Lao động TPHCM tổ chức đã diễn ra ấm áp tại tư gia GS-TS Trần Văn Khê.

Tại nhạc hội, nghệ sĩ các nước đã trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu về cây đàn tranh Việt Nam. Giáo sư Toshiko Nagase thuộc Trường Đại học Yamada - Nhật Bản đã công nhận cây đàn tranh Việt Nam là nhẹ nhất trong các cây đàn cùng họ.
img

Nghệ sĩ Thúy Hoan (trái) giới thiệu về đàn tranh với nghệ sĩ Toshiko Nagase và con trai - nhạc sĩ Kenzan Nagase

Về chiều dài, đàn koto Nhật Bản dài 180 cm, đàn kayakeum của Hàn Quốc dài  160 cm, đàn guzheng Trung Quốc dài 150 cm, còn cây đàn tranh Việt Nam chỉ dài 125 cm. Bà Toshiko Nagase và con trai - nhạc sĩ Kenzan Nagase đã cầm thử cây đàn tranh và cứ tấm tắc: “Sao mà nhẹ thế nhưng lại chất chứa nhiều thanh âm độc đáo, thi vị”.
 
Khán giả được chứng kiến cuộc hội ngộ rất độc đáo của các cây đàn cùng họ với đàn tranh nhưng âm sắc mỗi cây khác nhau và thể hiện quan điểm thẩm mỹ riêng của từng dân tộc.
 
Ðàn koto Nhật Bản có hệ thống thang âm đặc trưng, đàn kayakeum Hàn Quốc mạnh mẽ và cách nhấn thì y như cách nói nhấn âm mạnh như có dấu hỏi của tiếng Hàn, đàn guzheng Trung Quốc trầm ấm và đàn tranh Việt Nam thì âm thanh trong trẻo. Nhạc sĩ Kenzan Nagase yêu cầu nghệ sĩ Hồng Hạnh nói một câu tiếng Việt. Sau khi nghe, người nhạc sĩ trẻ tuổi này đã nhận xét: “Cây đàn của bạn nói tiếng nói nhẹ nhàng giống như bạn vậy”.