Tôi viết Tiểu Long Nữ từ đơn đặt hàng!

Sau thành công của tập tạp văn, tiểu luận Giăng lưới bắt chim, tái bản sau 3 tháng phát hành, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại tiếp tục cho ra đời tiểu thuyết Tiểu Long Nữ (NXB Công an Nhân dân), một tác phẩm gây khá nhiều dư luận vì nặng tính thị trường. Phải chăng, cây bút được xem là “đẳng cấp” của truyện ngắn đương đại Việt Nam đã chọn cho sự nghiệp văn chương của mình hướng đi mới?

. Phóng viên: Nếu tự nhận xét về cuốn tiểu thuyết Tiểu Long Nữ, ông sẽ nói gì?

- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi xếp nó vào loại “tiểu thuyết ba xu”. Nếu cho điểm thì Tiểu Long Nữ chỉ được 3/10 điểm.

. Bạn đọc nhận xét rằng Tiểu long nữ là một tác phẩm dựa trên một sự kiện thời sự nổi đình nổi đám, xin lỗi, “sự ăn theo” này là một phương thức sáng tác của nhà văn ngồi ghế salon như ông đã nói?

- Tiểu Long Nữ là một tác phẩm dựa trên sự kiện thời sự, ăn theo sự kiện thời sự. Nó vừa dễ viết vừa khó viết, cũng không hẳn ngồi trên ghế salon là đã viết được. Phải có một kinh nghiệm sống nhất định và những kỹ năng viết văn thế nào đấy mới viết nó “dễ dàng như thò tay vào túi lấy đồ vật” được.

. Việc chạy theo thời sự làm độc giả liên tưởng đến kiểu nổi tiếng của Vết sẹo và cái đầu hói, khác biệt với một Nguyễn Huy Thiệp lập ngôn và sức khái quát cao trong các tác phẩm thời kỳ đầu. Ông cố tình thay đổi phương thức chăng?

- Tôi viết văn không nhằm mục đích để nổi tiếng. Thực sự tôi cũng đã nổi tiếng từ lâu rồi. Cũng không phải tôi đang cố tình thay đổi “phương pháp văn chương”. Nguyễn Huy Thiệp vẫn là Nguyễn Huy Thiệp. Tôi vẫn còn đang sống.

. Việc một tác phẩm phải dựa đến cái ở ngoài văn chương để nổi tiếng chỉ có thể xảy ra hai trường hợp, nhà văn cạn vốn hoặc muốn sự nổi tiếng đến nhanh hơn thời gian, còn với ông?

- Có lẽ ở hai trường hợp kể trên đều không hẳn đã đúng với tôi. Chúng ta còn nhớ khi Zinedine Zidane làm cú húc đầu vào ngực của Marco Materrazi trong trận chung kết bóng đá World Cup vừa qua thì đó là tình thế “gặp thời thế, thế thời phải thế”. Zidane vẫn là Zidane “giữa trần ai, ai dễ biết ai”. Cũng phải nói thêm rằng tôi viết Tiểu Long Nữ là từ một... đơn đặt hàng!

. Chúng tôi vẫn còn nhớ ông bảo trong “Trò chuyện với hoa thủy tiên” rằng, nhà văn cũng cần được đào tạo và lăng xê như cầu thủ và ca sĩ. Nhưng ca sĩ qua một mùa ca hát rơi vài trăm cái tên là thường dù đã được đào tạo và lăng xê, trong khi văn chương là một lĩnh vực khác hẳn. Đến giờ, ông vẫn bảo lưu ý kiến đó chăng?

- Nhà văn trẻ trong thời đại hiện nay phải được đào tạo, phải được lăng xê... dĩ nhiên rồi. Có điều, cách đào tạo và lăng xê có khác với cách đào tạo lăng xê của ca sĩ. Nghề viết văn là một nghề rất đặc biệt. Trong xã hội, người ta làm việc, vui chơi, buôn bán, đi lại v.v... Mọi người kiếm tiền, tiêu tiền v.v... Không có ai nói về nhân đạo. Chỉ có nhà văn nói về nhân đạo.

Họ nói một cách sâu sắc hoặc ngô nghê, thuyết phục hoặc không thuyết phục. Nghề viết văn là một nghề trình bày tư tưởng nhân đạo bằng hình tượng. Đó là một nghề rất khó. Đó là một nghề khó nhất trong tất cả mọi nghề. Bằng kinh nghiệm của riêng tôi, tôi muốn nói thêm rằng đây còn là một nghề rất cay đắng nữa. Nếu nhà văn trẻ được đào tạo, được lăng-xê thì đấy cũng là một cử chỉ chứng tỏ xã hội đang nhân đạo hơn, đang văn minh hơn.

. Một khác biệt đáng kể nữa là ở những tác phẩm đầu, ông để nhân vật hoặc bơ vơ hoặc đi vào tuyệt lộ ở đoạn kết. Còn từ Tuổi hai mươi yêu dấu trở đi, cái kết có hậu kiểu “con đường sáng”. Vậy chuyện cổ tích đã trở lại với văn chương của ông và Nguyễn Huy Thiệp đã già rồi chăng?

- Kết thúc có hậu... tôi cũng không biết rằng đấy có phải là biểu hiện của tuổi già không? Người già thường hay thỏa hiệp. Tôi cũng già rồi, cũng phải thỏa hiệp với nhiều thứ. Người giỏi chính trị là người giỏi thỏa hiệp. Lẽ đời là thế!

. Sự nhân đạo vốn được ông nói đến nhiều hơn cả trong các tác phẩm và tiểu luận. Nhưng trong truyện ông, cái nhân đạo được hình thành rất khác với cách nghĩ “lá lành đùm lá rách” thông thường. Đến giờ, ông đã có thể định nghĩa sự nhân đạo của mình chưa?

- “Lá lành đùm lá rách” là một tư tưởng nhân đạo... nhưng hình như là một tư tưởng nhân đạo của người nghèo. Nước ta là một nước nghèo, vì vậy tư tưởng đó hiện nay cần được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng. Nhưng từ trong thâm tâm tôi muốn có cả những tư tưởng nhân đạo khác, tôi cũng muốn có cả những tư tưởng như tự do, bình đẳng, bác ái...

. Với các nhà thơ, nhà văn trẻ như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Đỗ Hoàng Diệu, các bài tiểu luận của ông còn “đi vòng ngoài”, chưa thật sâu vào tác phẩm của họ. Điều này làm độc giả ngạc nhiên vì qua tác phẩm ông tỏ ra là người rất sành thơ?

- Khi bắt tay vào việc học tập viết văn, tôi đã tập luyện như một học trò nhỏ, thử sức ở trong tất cả các thể loại. Thơ là một trong những thể loại “cổ điển” nhất, ngay từ 10 tuổi, tôi đã biết làm thành thạo tất cả các thể thơ: lục bát, tứ tuyệt, Đường thi..., tôi gần như thuộc lòng Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Nhị Độ Mai, Tống Trân - Cúc Hoa v.v... Điều đó khiến cho khi tôi viết văn xuôi, tôi dễ dàng làm chủ việc xây dựng bố cục, kết cấu, nhịp điệu v.v... Các nhà văn trẻ hiện nay, nhiều người chỉ viết được một thể loại, điều ấy theo tôi là không tốt. Một cao thủ văn chương cũng giống như một cao thủ võ lâm, nếu có điều kiện thì phải nắm vững cả 18 ban võ nghệ, 36 mưu chước, 72 phép biến hóa... rồi còn phải thông thạo cả nhiều thứ khác nữa.

. Qua bao trường văn trận bút, bạn bè cùng lứa có người thối lui, có người bỏ cuộc, duy chỉ ông còn lại. Tuổi 60 và tượng bồ tát trong vườn nhà có khi nào khiến ông suy nghĩ rằng tại sao mình đi xa đến thế? Và thành công (hoặc không thành công, tùy ông) hôm nay là do đâu chưa?

- Cho đến nay, sau 20 năm cầm bút viết văn, tôi cũng thuộc vào loại “công thành danh toại”, đấy là do nhiều nhân duyên hợp lại mà thành. Kết thúc phần 1 tiểu thuyết Võ lâm ngoại sử, tôi có một bài tự thán. Bài tự thán ấy cũng là một thứ tổng kết 20 năm cầm bút viết văn của mình:

... Chép chuyện hay, làm vui thiên hạ

Lòng thành tâm, xin tạ chúng sinh.

Kìa trông non nước hữu tình,

Soi gương lại thấy bóng mình trong gương...

. Sau khi tung ra tiểu thuyết Tiểu Long nữ, ông nghĩ mình sẽ thành công hay thất bại nếu khá nhiều độc giả trung thành đọc xong tập sách rồi chép miệng “Nguyễn Huy Thiệp hôm nay khác ngày xưa rồi!”.

- Điều ấy đúng thôi. Bóng câu qua cửa sổ. Thời gian cứ trôi đi vô cùng vô tận. Sẽ có nhiều nhà văn trẻ khác, họ như những lớp sóng sau đè lên lớp sóng trước, ngày càng tài năng hơn, mới mẻ hơn...