Trở về dòng sông tuổi thơ

 Con người khi đi xa, ai cũng nhớ về quê, thậm chí khi hết một đời người, người ta cũng muốn nhắm mắt nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và khi lớn lên, ai cũng nhớ về tuổi thơ, cái tuổi trong sáng nhất và đẹp nhất của đời người.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp sinh năm 1931, tuổi Tân Mùi, ở cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - cù lao Giêng nổi lên giữa sông Tiền, đêm ngày bốn bề sóng vỗ. Từ nhà tôi sang nhà Hoàng Hiệp, tôi qua con sông rồi lên xe ngựa, xe chạy trên con đường đất, băng qua cánh đồng đến làng Mỹ Hiệp, mất hơn một giờ. Nhớ vậy!

Một cù lao sản sinh ra nhiều nhân vật mà cả nước đều biết: Nhà cách mạng lão thành Ung Văn Khiêm (nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), nhà trí thức lớn, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (nguyên bộ trưởng Bộ Y tế).

Một cái cù lao mà có đến hai Giải thưởng Hồ Chí Minh: bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp và một NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch.

Một chút kỷ niệm, tôi với Hoàng Hiệp cùng trong đoàn tuyên truyền xung phong của tỉnh Long Xuyên. Đoàn đi lưu động khắp các làng nằm bên bờ sông Tiền, đến đâu cũng dựng rạp trong đình làng, vừa hát vừa diễn kịch và kêu gọi trai làng tòng quân đánh giặc. Trong đoàn có tôi và Hoàng Hiệp, hai thằng nhỏ tuổi mười bốn, mười lăm. Hoàng Hiệp chơi đàn măng-đô-lin, còn tôi thì không biết làm gì. Tôi đi bộ đội, hai thằng nhỏ chia tay nhau bên bờ sông Tiền, một thằng vẫn đi theo con đường âm nhạc, một thằng đi lính Vệ Quốc Đoàn. Đến năm 1947, bộ đội và một số anh em vượt sông Tiền qua sông Hậu về chiến trường Bảy Núi.

Từ rừng U Minh, mỗi lần vượt qua lộ Cái Sắn về Long Châu Hà, tôi gặp lại Hoàng Hiệp, những năm ấy, Hoàng Hiệp chưa có một ca khúc nào, chỉ với cây đàn măng-đô-lin lang thang đó đây, đàn ca với anh em.

Rồi tập kết về Hà Nội, Hoàng Hiệp đi học nhạc.

Sau đó vài năm, vào khoảng 1957, ở Hà Nội và những nơi xa hơn, đâu đâu tôi cũng nghe ca khúc của Hoàng Hiệp - là sự bùng nổ tài năng từ niềm đam mê của thời thơ ấu. Bằng sức sáng tạo mãnh liệt của mình, cho đến nay, con đường âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp có hơn một trăm ca khúc, mỗi ca khúc là một dấu ấn riêng của anh, khi xót xa, khi hùng tráng, khi êm dịu mượt mà, khi lắng đọng, thì thầm.

Với Hoàng Hiệp, tôi không phải là nhà báo chuyên viết về âm nhạc, cũng không phải là nhà lý luận đủ trình độ phân tích âm nhạc của anh, tôi chỉ biết nghe và cảm nhận, rất cảm tính.

Chương trình Con đường âm nhạc số 24, ngày 2-12-2007 lấy tên “Lá đỏ”. Ca khúc Lá đỏ cũng là ca khúc mang dấu ấn của Hoàng Hiệp.

Những người vượt Trường Sơn đều đi qua rừng lá đỏ. Rừng lá đỏ gợi cho ta nhiều cảm xúc, Nguyễn Đình Thi qua đây đã viết bài thơ Lá đỏ. Lá đỏ có câu:

... Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa

Chào em, em gái Trường Sơn

Ơi em gái tiền phương, hẹn gặp nhau giữa Sài Gòn.

Những ngày ấy, biết bao giờ và ngày nào gặp nhau giữa Sài Gòn. Đó là linh cảm, lãng mạn của nhà thơ. nhạc sĩ Hoàng Hiệp đồng cảm với nhà văn Nguyễn Đình Thi và đã lên tiếng hát Lá đỏ. Lá đỏ là một trong những ca khúc đỉnh cao của Hoàng Hiệp.

Tôi với Hoàng Hiệp thỉnh thoảng cùng về quê (An Giang). Rồi có một chuyến trở về: anh Nguyễn Ngọc Bạch, Hoàng Hiệp và tôi. Tôi với Hoàng Hiệp tuổi đã trên năm mươi. Đến Sa Đéc, chúng tôi đi cặp theo bờ sông Tiền, đi suốt 60 cây số, nghe tiếng máy nổ của những chiếc xuồng máy lướt qua những giề lục bình, sau đó chúng tôi qua sông về Mỹ Hiệp, làng của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, anh Nguyễn Ngọc Bạch và Hoàng Hiệp.

Chiều hôm đó, chúng tôi ăn canh cá vồ, uống rượu đế, gọi là “nước mắt quê hương”. Có lúc tôi nghĩ, ngọn gió sông Tiền thổi qua tâm hồn nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã chắp cánh cho những bài thơ trong ca khúc của anh bay cao hơn. Năm 2000, anh đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sau chuyến về đầy cảm xúc ấy, Hoàng Hiệp viết bài Trở về dòng sông tuổi thơ. Khác hơn nhiều ca khúc, Hoàng Hiệp không phổ thơ của các nhà thơ mà tự đặt lời. Lời trong ca khúc này, với tôi là một bài thơ. Những lúc buồn, tôi lẩm nhẩm hát, tôi hát lộn xộn lời một lẫn lời hai (tôi hát cho tôi mà!).

“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà.

Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi

... Hôm...

Hôm nay tôi trở về, lòng chợt vui thấy sông không già

...

Sông vẫn như thuở ấy, có con đò ngang đón đưa người sang...

Để mình tôi nhớ nhung bây giờ...

Con đường âm nhạc tháng 12

Lá đỏ và nhạc sĩ Hoàng Hiệp

imgChương trình Con đường âm nhạc số 24 mang tên Lá đỏ sẽ diễn ra vào ngày 2-12 tại Trung tâm Ca nhạc Lan Anh (TPHCM). Mỗi ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là một câu chuyện kể về những ký ức của nghệ sĩ lão thành miền Nam có gần nửa cuộc đời gắn bó sâu nặng với đất Hà thành. Để rồi sau những năm kháng chiến trở về, sống ở miền Nam mà lòng không nguôi nỗi nhớ về Hà Nội. Sự nghiệp âm nhạc cũng như cuộc đời của nghệ sĩ Hoàng Hiệp được chia làm hai phần: cảm hứng cách mạng và hồi ức trữ tình. Những ca khúc cách mạng như: Lá đỏ, Ngọn đèn đứng gác, Đồng đội, Cô gái vót chông, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây và những ca khúc trữ tình mang đậm tình yêu quê hương trong bối cảnh đất nước thanh bình như: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội, Thành phố tôi yêu, Trở về dòng sông tuổi thơ, Em vẫn đợi anh về, Mùa chim én bay... sẽ lần lượt được thể hiện trong đêm nhạc này qua các giọng ca: Mỹ Tâm (ảnh), Mỹ Lệ, Mỹ Hạnh, Quang Linh, Xuân Phú, Anh Thơ, Anh Dũng, nhóm AC&M, nhóm Mặt Trời Mới.

T.Tr