Trường hận ca - Hồng nhan phận bạc
Mượn tên từ một bài thơ của thi sĩ Bạch Cư Dị, Trường hận ca của Vương An Ức đi vào cuộc sống của những ngõ nhỏ lắt léo, bên ngoài rộng mở nhưng bên trong rất bí ẩn của thành phố Thượng Hải.
Đó là nơi cất giữ những câu chuyện đồn đại chẳng đâu vào đâu, là địa điểm cư trú của những chú chim câu sáng suốt nhưng lại âm thầm, và giữa cuộc sống có phần mờ xám, u uẩn đó, nổi lên nhân vật Vương Kỳ Dao.Nàng được gọi là Người đẹp Thượng Hải, từng gây xôn xao khi giành giải á khôi 2 trong một cuộc thi sắc đẹp của thành phố. Giữa những cô gái đẹp thi hoa hậu, nàng không phải là người nổi bật nhất, chói lọi nhất trên sàn diễn, mà là người có duyên. Trong phần thi áo cưới ngập tơ lụa gấm vóc, chỉ có nàng là tạo nên vẻ cô dâu nhất. Danh hiệu á hậu 2 của Kỳ Dao thật gần gũi với thực tế đời thường.
Nhưng mọi trắc trở đã lần lượt săn đuổi nàng từ đó. Một người đàn ông giàu có, bí ẩn, tượng trưng cho quyền lực, ý chí kiên định đã lôi cuốn nàng vào một cuộc tình ái. Kỳ Dao lập tức xuôi lòng theo chủ nhiệm Lý ra ở riêng, bỏ qua những rào cản gia đình, bỏ rơi tấm chân tình của chàng nhiếp ảnh trẻ tuổi. Nhưng nàng vẫn phải sống trong xót xa bởi yêu một người mà trước đó nàng gọi bằng chú, bởi ông Lý còn có gia đình và bao việc hệ trọng cần gánh vác. Nàng đi theo tiếng gọi của tình yêu mà như sống trong sự bao bọc của cô đơn. Kỳ Dao khó lòng nhận được sự đồng cảm từ phía người đời, bởi những cuộc tình đến rồi đi, với đủ lớp người, đủ lứa tuổi, thậm chí có người đàn ông còn trẻ hơn nàng cả chục tuổi. Kỳ Dao an thường, thủ phận nhưng vẫn biết đón nhận tình yêu, biết chấp nhận để tạo cho mình những đốm sáng hạnh phúc. Chính vì thế mà nàng trở nên gần gũi, thân thương trong vị trí bé nhỏ của mình. Thế nhưng thật trớ trêu, quá khứ huy hoàng đôi khi trở lại cùng những điều uẩn ức, khiến nàng không thể giãi bày.
Một cái kết trong bế tắc là điều tất phải đến, dù Kỳ Dao cố giãy giụa để tránh. Nàng bị chết bởi chính một người đã đến chăm sóc nàng, đã sắc thuốc, lau nhà cho nàng. Thật oái oăm, nàng chết không phải vì tình, mà bởi vì tên trộm muốn tìm vàng, trong phút túng bách đã bóp cổ khiến nàng tắt thở. Dẫu đau lòng song có thể coi như sự giải thoát khỏi kiếp người trầm luân.
Trường hận ca lôi cuốn bởi cách kể chuyện có duyên, bởi sự khăng khít giữa tình và cảnh, giữa con người với con người giữa bao la vô thường. Tác giả chia nhỏ câu chuyện để tạo nên những điểm nhấn, hút người đọc vào thân phận Vương Kỳ Dao, bi kịch của một con người nhỏ bé. Nàng thuộc về những ngõ hẻm tối tăm, nàng bị trói buộc bởi sức mạnh của lời đồn đại, người hiểu nàng hơn cả là những chú chim bồ câu chứng kiến niềm vui và cái chết tức tưởi của nàng.
Từ vài thập kỷ nay, nhà văn Vương An Ức được đánh giá cao trên văn đàn Trung Quốc. Kể từ khi hoàn thành từ năm 1996 đến năm 2000, Trường hận ca đã được tái bản nhiều lần với số lượng mỗi lần 50.000-100.000 bản. Năm 2000, Trường hận ca được trao giải Mao Thuẫn, giải thưởng lớn nhất của Hội Nhà văn Trung Quốc dành cho tiểu thuyết. Sách do NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam phát hành quý II/2006.