Trường Múa TPHCM: Gìn giữ “ngọc nghề” cho múa dân gian
Từ năm 1995 đến nay, Trường Múa TPHCM đã có một cơ ngơi khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy bộ môn múa. Trong nhiều khóa đào tạo từ chính quy đến không chuyên, hiện nay lớp múa dân gian ngắn hạn dành cho đội ngũ cán bộ công nhân viên, người lao động, giáo viên các trường tiểu học, mẫu giáo đã thu hút đông đảo người học, nhân rộng hiệu quả “đem nghệ thuật múa dân gian vào cuộc sống”.
Phá bỏ những “lai căng”.– Phải có đến 20 nhóm múa đang hoạt động trong các nhà hàng ở TPHCM song phần lớn các tiết mục của họ đều kéo thấp thị hiếu người xem bằng những thao tác đơn điệu, phi nghệ thuật. Đến xem các chương trình biểu diễn của các đội múa, nhóm múa chuyên chạy sô mỗi đêm tại một số địa chỉ phục vụ cho du khách nước ngoài, hoặc các quán bia, quán bar... sẽ thấy ngay sự “lai căng” khó hiểu trong cách biểu diễn những vũ điệu dân gian truyền thống. Trang phục hết sức lố lăng, ngay cả âm nhạc phục vụ cho múa cũng được sử dụng một cách tùy tiện. Riêng các nhóm múa hiện đại đã đến lúc cần phải có một cuộc cách mạng để chấn chỉnh, nâng cấp, vì cách ăn mặc hầu như chỉ cốt để khoe đùi, khoe rốn. Múa minh họa đã trở thành cái bệnh của các chương trình ca nhạc, chẳng những không phục vụ cho bài hát mà còn hạ thấp giá trị của giai điệu vì những động tác múa lố lăng. NSƯT Kim Quy, Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM, đã có lần phát biểu: “Hoan nghênh việc xã hội hóa nghệ thuật múa, đưa nghề múa đến với cuộc sống, ứng dụng ngay trên các sàn diễn mỗi đêm. Tuy nhiên, người làm nghề lên án sự lạm dụng tùy tiện, dẫn đến phản nghệ thuật của một số nhóm múa không hiểu gì về nghệ thuật múa dân gian, đã tạo ra một số tiết mục phản cảm”.
. Chức năng: Trường Múa TPHCM đào tạo diễn viên múa và biên đạo múa cho các tỉnh phía Nam. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên múa chuyên nghiệp. Trường đã liên kết mở đại học, huấn luyện biên đạo múa với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đào tạo hình thức xã hội hóa bằng các chương trình cụ thể, mà lớp múa dân gian ngắn hạn là một mô hình thành công sau một năm thể nghiệm.
Biên đạo múa Nguyên Đạt phát biểu: “Múa có ngôn ngữ riêng biệt, khó mà lẫn lộn pha tạp theo kiểu râu ông này cắm cằm bà kia. Múa dân gian càng đòi hỏi phải có những niêm luật và cấu trúc riêng, vì nó xuất phát từ văn hóa dân tộc của mỗi địa phương.
“Ngọc nghề” mà biên đạo Nguyên Đạt nhấn mạnh chính là những căn bản cần và đủ để người yêu thích nghệ thuật múa dân gian chắt chiu, gìn giữ và nhân rộng trong việc nuôi dưỡng tài năng. Đến lớp học múa dân gian ngắn hạn của Trường Múa TPHCM, sẽ bắt gặp những cán bộ trung tâm văn hóa, nhà văn hóa quận huyện, các công nhân lao động ở nhiều xí nghiệp, nhà máy và đông nhất là giáo viên mẫu giáo các trường mầm non... cần mẫn với bộ môn múa dân gian mà họ yêu thích.
Cô Anh Phương, giáo viên đào tạo năm khóa học trong một năm qua của lớp múa dân gian, đã tâm sự: “Mỗi tuần ba buổi lên lớp, thông qua giáo trình của nhà trường chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học viên từ nhiều ngành nghề. Họ đến để học tập và mang những gì hiểu biết nhân rộng ra trong môi trường làm việc của họ. Trường Múa TPHCM mong muốn gieo những hạt mầm tốt, để múa dân gian đơm chồi nẩy lộc trong đời sống”.
Phổ cập múa dân gian.- Không riêng gì cô Anh Phương, nhiều giáo viên múa của Trường Múa TPHCM rất tâm đắc với mô hình nhân rộng hiệu quả múa dân gian trong quần chúng. Họ lao vào công việc giảng dạy không phải để làm cho “hả giận” trước xu thế tạp nham của múa minh họa, hoặc cái nhìn chưa đúng về múa dân gian, mà mục đích chính là nâng nghệ thuật múa dân gian lên tính chuyên nghiệp. Hiện nay, NSƯT Hoàng Túc – Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM - đang tham gia cộng tác với Nhà văn hóa Thanh niên, tổ chức mỗi tháng một chương trình giới thiệu về nghệ thuật múa của các dân tộc: từ múa Chăm, múa Huế, đến múa cung đình, bóng rổi... Chương trình đã thu hút đông đảo giới trẻ đến xem và giao lưu, đặt câu hỏi.
Bạn Cao Phương Khanh, sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM, cho biết: “Tôi là học sinh lớp kịch nhưng rất thích tìm hiểu về múa, vì qua ngôn ngữ múa chúng tôi học được bài học giá trị về hình thể. Qua những buổi nói chuyện của nghệ sĩ Hoàng Túc tại Nhà Văn hóa Thanh niên, tôi thấy công trình đưa nghệ thuật múa dân gian vào đời sống hôm nay rất cần thiết, nó làm cho sinh viên, học sinh biết và trân trọng nghệ thuật này. Cô Thùy, giáo viên trường Lê Hồng Phong, cho biết: “Tôi là người học liên tiếp 5 khóa do cô Anh Phương giảng dạy. Nghệ thuật múa dân gian thật sự thu hút tôi từ những bài tập cơ bản. Tôi rất vui khi đem kiến thức này truyền đạt cho các em học sinh. Trải qua năm khóa học, lớp múa dân gian ngắn hạn của Trường Múa TPHCM đã đào tạo gần 100 học viên.
Có thể sống được với nghề múa.- Theo NSƯT Vũ Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Múa TPHCM, giáo trình múa dân gian các dân tộc Việt Nam được các giáo viên của trường múa biên soạn phù hợp, hệ thống lại một cách khoa học, qua đó học viên có điều kiện tiếp thu đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cơ bản của múa dân gian, nắm vững sắc thái riêng của phong cách múa các dân tộc như: Việt, H’Mông, Thái, Bana, Êđê, K’Ho, Jarai, Chăm, Khơ me... Đó là cách thức để giữ “ngọc nghề” cho múa dân gian.
Điều bất ngờ nhất khi chúng tôi tiếp xúc với các học viên của lớp múa dân gian ngắn hạn là họ cho biết có thể sống được với nghề biên đạo. Hầu hết các học viên đều có công việc ở các cơ sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học... và qua lớp học này họ có đủ khả năng ứng dụng vào công tác biên đạo, dàn dựng các chương trình cho hội diễn, liên hoan văn nghệ. Đây thực sự là tín hiệu vui để múa dân gian cắm rễ vào đời sống văn hóa. Đó cũng là một đóng góp đáng kể của Trường Múa TPHCM.