Truyện tranh nhảm nhí “đổ bộ” vào mùa hè! !!

Sắp đến mùa nghỉ hè, các nhà xuất bản tung ra thị trường hàng loạt bộ truyện tranh nước ngoài với nội dung bạo lực, nhảm nhí

Thị trường truyện tranh chưa kịp bình ổn sau hội thảo truyện tranh do Cục Xuất bản tổ chức vào cuối năm 2003 (một nỗ lực nhằm chấn chỉnh hoạt động xuất bản truyện tranh có nội dung không phù hợp) thì những tháng gần đây truyện tranh nước ngoài lại bùng nổ trở lại trên thị trường với nội dung hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu giải trí và học tập của thiếu nhi.

Bạo lực, chém giết, thù hận...

 Một phụ huynh, sau khi xem những bộ truyện tranh trên kệ sách cho thiếu nhi tại một nhà sách, lắc đầu: “Tôi không tin bên trong những hình  ảnh này có mang ý nghĩa giáo dục”. Thật vậy, chỉ cần nhìn tên truyện (phần lớn là những sách dịch từ tiếng Nhật, kéo dài mấy chục tập) và hình ảnh ngoài bìa, người xem đã đủ rùng mình. Bộ sách Võ sĩ lôi đài của NXB Văn hóa Thông tin (VHTT) có những tên chỉ nghe thôi đã thấy yếu tố bạo lực trong đó, như: Độc chiêu rừng xanh, Võ đài thách đấu, Lần thử thách đầu tiên. Bộ sách Cậu bé Kinh Kông cũng của NXB VHTT có Thầy trò u quỷ, Cao thủ say rượu, Những trận đấu bất đắc dĩ. Bộ Điệu vũ tuyệt kỹ (NXB VHTT) có những cái tên khá gay cấn như Cuộc thi đấu gay go, Vì lòng thù hận, Áp lực ngoài sàn đấu, Cơn bão trên sàn đấu, Linh hồn vỡ nát. Bộ Hai chị em của NXB Mũi Cà Mau có những cái tên khá ly kỳ như Cú đấm cuối cùng, Cuộc quyết đấu Tigôn, Thầy mặt sắt ra tay, Sự hiểu lầm, Đêm khủng bố, Định mệnh an bài. Bộ Những con vật ngộ nghĩnh của NXB Tổng hợp Đồng Nai với những tên truyện khá rùng rợn như Ngọn lửa trầm mặc, Sự tồn tại của đêm đen, Cuộc chiến đấu với ma vương, Thanh kiếm và ngôn ngữ, Đòn sấm sét kinh hồn. Bộ Rồng pha lê của NXB Kim Đồng có Ác ma thần nữ, Hòn đảo tuyết lửa, Người bạn đường bất đắc dĩ, Nữ thần chiến tranh, Phu nhân thung lũng ma...

Rần rật dòng máu hiếu chiến

Nội dung của những bộ sách này là những cuộc đánh nhau triền miên với những âm thanh như bùm, bụp, choeng, phựt, xẹt, réc, phập, véo, quỳnh, pằng... Nhân vật nào cũng mang trong mình “máu hiếu chiến” với con mắt nảy lửa, đầy căm thù, ôm lòng thù hận, ý muốn trả thù, ham muốn “chiến thắng” bằng mọi giá. Tập truyện nào cũng có những nhân vật được minh họa với khuôn mặt khiến người ta liên tưởng tới... ác quỷ.

Chỉ vì tiền...

Phần lớn những câu chuyện trong những bộ sách này có nội dung nhảm nhí, nhiều chi tiết, hình ảnh không phù hợp với thực tế. Lấy ví dụ cuốn Cuộc chiến âm nhạc (Music comic for kids) của NXB Mỹ thuật. Đây là câu chuyện về các em học sinh, nói đúng hơn là “cuộc chiến” giữa hai nam sinh vì sự hiếu động, ích kỷ của tuổi học trò. Điều này khiến cho các học sinh trong trường chia làm hai phe, bỏ học để ủng hộ bằng những cuộc biểu tình, băng rôn, khẩu hiệu... Bộ Mái trường thân yêu của NXB Tổng hợp Đồng Nai là một loạt sự cãi vã, đánh mắng nhau của các nam, nữ học sinh. Những tháng ngày mộng mơ (NXB Tổng hợp Đồng Nai) là tập hợp những câu chuyện hết sức nhạt nhẽo về tuổi mới lớn. Bộ Đội nữ đặc nhiệm (tác giả Aro Hiroshi) và Đại luật sư (Kengo Kaji và Kiichiro Nasu) của NXB Mỹ thuật thì có khá nhiều hình ảnh khiêu dâm. Có những truyện tranh mà nội dung không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn được xuất bản. Nhiều cuốn không có tên tác giả, tên người dịch. Với những truyện tranh như vậy thì thử hỏi nội dung giáo dục nhân cách tốt đẹp của con người ở đâu?

Điều đáng sợ là những cuốn truyện tranh kiểu này lại gây được sự chú ý tò mò ở một bộ phận độc giả nhỏ tuổi, thích đọc truyện tranh. Chẳng lẽ vì tiền mà các nhà xuất bản bất chấp tất cả?