Ứng viên đầu tiên của Trung Quốc tại Oscar 2003: Anh hùng

Bộ phim này lấy thời đại Chiến quốc làm bối cảnh lịch sử, nhưng cốt truyện thì hoàn toàn hư cấu, sáng tạo. Hồi ấy, Tần Vương đã bá chiếm thu phục sáu nước, trong đó có Triệu quốc. Các nghĩa sĩ của nước Triệu là Tàn Kiếm (Lương Triều Vĩ đóng), Phi Tuyết (Trương Mạn Ngọc đóng) tìm cách thích Tần Vương (Trần Đạo Minh đóng), nhưng thất bại, và họ không thối chí. Vô Danh (Lý Liên Kiệt đóng) cũng là người Triệu quốc, cả nhà đều bị quân Tần giết hại, đã trà trộn trở thành một viên quan nhỏ của Tần Vương, mưu đồ trả thù cho gia đình.

Vô Danh thương lượng với các hiệp khách Trường Không (Chấn Tử Đan đóng), Phi Tuyết, Tàn Kiếm và thị nữ Như Nguyệt (Chương Tử Di đóng), để lấy lòng tin của Tần Vương và tiếp cận tiêu diệt hắn, chư vị hãy cứ hy sinh, giao cho ta đứng mũi chịu sào một mình sống mái với tên gian hùng đó. Nào ngờ trong cuộc ác chiến cùng địch thủ Vô Danh ngộ ra công lao thống nhất giang sơn, thống nhất chữ viết của Tần Vương nên đã “biến thù thành bạn”, suy tôn gian hùng là anh hùng, tự mình đầu thú. Tần Vương cảm kích bởi nghĩa cử anh hùng hào hiệp của Vô Danh, nhưng chúng thần Tần quốc quyết không dung tha. Vô Danh vẫn bị đưa đi hành hình, chung số phận với các chiến hữu của anh. Người hiệp sĩ này đã biết chung cuộc sẽ là như vậy, nhưng rất ung dung nhận lấy cái chết.

Đây là lần đầu tiên Trương Nghệ Mưu, nhà đạo diễn tài ba của Trung Quốc, nổi danh với những phim nghệ thuật như: Cao lương đỏ, Đèn lồng đỏ treo cao cao, Cúc Đậu, Phải sống, Thu Cúc đi kiện... chuyển sang làm phim võ hiệp. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức gửi phim tranh giải Oscar và thượng tuần tháng 12-2002 vừa qua Hội đồng Bình chọn phim tiếng nước ngoài hay nhất thuộc Ban Tổ chức giải Oscar lần thứ 75 (năm 2003) đã đưa bộ phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu – Trung Quốc vào danh sách đề cử, kết quả cuối cùng phải đến hạ tuần tháng 3-2003 mới rõ.

Tuần san châu Á bình luận, Trương Nghệ Mưu làm phim Anh hùng và đã quần tụ được các “anh hùng”. Quả vậy, dàn diễn viên tham gia hợp tác với Trương trong phim này đều là những ngôi sao trên bầu trời điện ảnh Trung Hoa như Lý Liên Kiệt, Lương Triều Vĩ, Trương Mạn Ngọc, Chương Tử Di, Chấn Tử Đan, Trần Đạo Minh... Trương Nghệ Mưu đã đọc khá nhiều tác phẩm của các tiểu thuyết gia võ hiệp như Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Kim Dung, Ôn Thụy An... để tìm cảm giác, chọn cốt truyện cải biên thành phim, nhưng cuối cùng thì tự sáng tác, biên kịch và lọt mắt xanh nhà đầu tư Giang Chí Cường với số vốn không nhỏ, 30 triệu đô la Mỹ. Ông chủ Giang là người thành công khi quyết định rót vốn cho Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An (Đài Loan) và lần này bắt tay hợp tác với Anh hùng. Trương Nghệ Mưu đã say sưa nghiên cứu Hắc Trạch Minh đạo diễn bậc thầy về phim võ hiệp. Theo Trương, mấy chục năm trở lại đây Hắc là đại diện cho nền điện ảnh châu Á. Nhưng Trương Nghệ Mưu không bắt chước Hắc Trạch Minh. Giới sành điệu cho rằng, Anh hùng vừa có ngôn ngữ giang hồ, hiệp khách, mang đậm chất “hiệp cốt nhu trường” (cứng rắn như xương cốt người hiệp sĩ, mà mềm lòng, lãng mạn cũng chẳng kém thi nhân), vừa có phong cách thô tháp, hào sảng, sặc sỡ, mạnh mẽ, hiếm hoi... rất riêng của Trương Nghệ Mưu và rất Cao lương đỏ. Lại thêm cốt truyện hư cấu, sáng tạo, không bị ràng buộc bởi sử liệu thật là kỳ dị, mâu thuẫn, kịch tính thật mới mẻ của Anh hùng chắc sẽ khiến nhiều người nghị luận, nhưng trước hết nó đã làm cho khán giả phải suy ngẫm với thi tứ anh hùng của họ Trương.