“Vua bếp” Hoàng Cầm

Gần như không một anh bộ đội nào không biết đến bếp Hoàng Cầm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khi chỉ một lọn khói nhỏ cũng có thể bị phát hiện, đồng nghĩa với những cuộc oanh kích dữ dội, chiếc bếp Hoàng Cầm đã vô hiệu hóa kỹ thuật quân sự của không quân Mỹ.

Chúng tôi gặp anh Hoàng Thư, con trai cả tác giả chiếc bếp Hoàng Cầm nổi tiếng, đúng vào ngày giỗ ông. Gần chục năm xa rồi, nhưng những kỷ niệm về ông vẫn ăm ắp trong tâm những người thân thiết

Bếp lửa Hoàng Cầm

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có ba người cùng mang tên Hoàng Cầm. Một Hoàng Cầm sau trở thành thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một Hoàng Cầm nhà thơ nổi tiếng với ''Bên kia sông uống'', ''Lá diêu bông''. Và một nữa, là người lính cũng rất nổi tiếng với bếp Hoàng Cầm.

Hoàng Cầm ''lính'' quê gốc ở Cát Nội, Nam Ninh, Nam Hà. Năm 20 tuổi, vì đói nghèo, Hoàng Cầm bỏ lên Tam Đảo, Vĩnh Phúc làm thợ nề, sau làm bếp cho Tây. Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hoàng Cầm xung phong vào bộ đội. Sẵn có nghề nấu ăn, ông được cử  làm phụ trách bếp đội phẫu thuật. Đại  đoàn 308. Thời kỳ này, việc nấu ăn cho bộ đội hết sức khó khăn. Mỗi khi  nổi lửa, các anh nuôi lại phải dùng quạt xua khói tan đi để tránh máy bay địch phát hiện.

Đến chiến dịch Hoàng Hoa Thám, đơn vị của Hoàng Cầm tham gia trận Bãi Cháy. Một chiều, khoảng 4 giờ chiều, đơn vị được lệnh dừng lại nấu cơm. Lửa vừa nổi lên, đã bị máy bay trinh sát địch phát hiện. Ngay lập tức, máy bay ném bom ào đến, trút bom đạn xuống vị trí đóng quân của đơn vị. Do không kịp tránh, bộ đội ta bị thương vong khá nhiều. Sau đó, đơn vị họp rút kinh nghiệm. Hóa ra, tất cả chỉ vì khói bếp. Rớt nước mắt vì đồng đội, Hoàng Cầm quyết chí tìm ra cách để “trị'' khói, ông chợt nhớ tới những ngày còn nhỏ đi hun chuột. Lúc bó rơm rạ cháy ở ngoài, khói cay xè mắt. Thế mà, sau lúc quạt vào hang chuột, khói chỉ còn là những làn mỏng, lờ lững bay sát mặt đất. Nghĩ là làm. Thử đi thử lại, cuối cùng, Hoàng Cầm đã chế ra được một chiếc bếp theo kiểu hang chuột. Đó là một loại bếp được đào sâu xuống đất, có hầm phụ chứa khói và các rãnh thoát khói ra 3 phía. Trên các đường rãnh được phủ thêm nhiều cành cây. Khi đốt lửa, khói tỏa theo các đường rãnh, thấm qua làn đất mỏng, lại gặp cành cây nên khi bốc lên chỉ thoảng nhẹ như sương. Thử nghiệm thành công, Hoàng Cầm  báo cáo lên trên. Ngay lập tức, cách chế tạo chiếc bếp thần kỳ của ông được phổ biến rộng khắp các đơn vị trong toàn quân.

Rồi từ ấy, cái tên Hoàng Cầm trở nên thân thuộc với từng chiến dịch. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, bếp lửa Hoàng Cầm đã phát huy tác dụng vượt bậc. Có nó, cơm dẻo, canh nóng được phục vụ ngay tại chiến trường. Điều ấy không chỉ bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, dân công, mà còn góp phần khích lệ tinh thần chiến đấu, chiến thắng cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bếp lửa Hoàng Cầm tiếp tục theo chân các chiến sĩ ta vượt các trọng điểm ác liệt trên đường Trường Sơn, cùng đoàn quân chiến thắng tiến thẳng hướng Sài Gòn.

Từ thực tế chiến trường, bếp Hoàng Cầm được đưa vào chương trình huấn luyện chiến sĩ, đào tạo sĩ quan. Đào bếp, sử dụng bếp Hoàng Cầm trở thành một môn thi của nhiều hội thi quân lương, thi hậu cần tại các đơn vị.

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hoàng Cầm được cử đi học văn hóa ở Trường Bổ túc Công nông. Năm 1959, ông ra quân, trở lại Tam Đảo. Tháng 6-1994, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Hoàng Cầm được cấp một căn hộ trong khu tập thể bộ đội 28 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Sáu tháng sau, ông chính thức trở thành “người Hà thành''.

Và những kỷ niệm về cha

Xa người cha thân yêu đã  gần chục năm, nhưng trong tâm trí anh Hoàng Thư, từng lời nói, từng việc làm của ông vẫn như hiển hiện đâu đây:

"Bố tôi đi bộ đội lúc tôi còn rất bé. Chuyện về chiếc bếp của bố, tôi chỉ nghe láng máng mẹ tôi kể là bố được khen thưởng nhưng không biết là vì thành tích gì. Sau đó ít lâu, một hôm đang lấy củi trong rừng, chợt em gái tôi gọi tôi phải về nhà gấp. Về đến nhà, đã thấy một chú bộ đội cùng đơn vị bố. Chú về để thay bố đón tôi đi học bên Trung Quốc. Đó là khoảng tháng 12-1952. Sang bên đó, tôi học cùng anh con trai bác Hoàng Cầm nhà thơ. Thật vui, rất nhiều người đã nhầm bố tôi và bố anh ấy. Cuối năm 1955, tôi về nước và được ở cùng bố trên Sơn Tây. Ông kể cho tôi hai chuyện mà tôi rất nhớ. Chuyện đầu, vào cuối năm 1954, ông cùng đội công tác về làng Ngọc Hà, Hà Nội thu vàng bạc, những đồ đạc quý của địa chủ. Đồ thu được nhiều lắm, nhưng bố tôi chẳng lấy gì. Về đến nhà, gặp bác tôi, bác bảo: ''Sao không lấy?''. Ông trả lời: “Cán bộ ai lại lấy!''. Chuyện nữa, hồi tham gia trận Đông Triều, Quảng Ninh, bị địch bao vây. Chúng cho chó săn lùng sục tìm đội tải thương. Bố tôi liền nghĩ ra một cách, ông lấy hết số tỏi còn lại trong bếp, đập nát và cứ đi đến đâu thì rải ra phía sau. Chó săn mất dấu, đội tải thương về được hậu phương an toàn''.

Tác giả của "Bếp lửa Hoàng Cầm'' không còn nữa những kỷ niệm về ông và chiếc bếp nổi tiếng ấy sẽ còn mãi trong ký ức mọi người. Bởi vì tuy chỉ là một vật dụng bình thường cụ thể, không trực tiếp đối đầu với quân giặc. nhưng ''Bếp lửa Hoàng Cầm'' phần nào đã thể hiện sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong những hoàn cảnh khó khăn và ác liệt nhất.