Xem vở Ả Ca ve nhà hàng Maxim’s của IDECAF: Tiếng cười dễ dãi, phá hỏng không gian kịch
SÂN KHẤU.- Hài kịch Ả ca ve nhà hàng Maxim’s đến nay tròn 103 tuổi, đang diễn tại sân khấu IDECAF. Vở hài kịch Ả ca ve nhà hàng Maxim’s của tác giả Georges Faydeau đã từng dàn dựng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo bản dịch của nhà biên kịch Phan Hồng, đạo diễn Thanh Thủy đã biên tập và dựng vở này trên sân khấu IDECAF - TPHCM. Nếu tính ngày 17-1-1899, ngày mà vở Ả ca ve nhà hàng Maxim’s được công diễn tại Nhà hát Des Nouveautes (Paris) đến nay, thì vở hài kịch này đã tròn 103 tuổi.
Chuyện kịch dựa trên sự hiểu lầm sau cái đêm bác sĩ Pơ Ti Pông (Minh Nhí) đến nhà hàng Maxim’s uống rượu cùng người bạn thân là Mông Ji Cua (Tuấn Khôi). Không ngờ lúc quá say ông đã đưa một ả ca ve (Hoàng Trinh) về nhà. Mọi chuyện rắc rối đã bùng nổ khi Pơ Ti Pông bày nhiều trò lấp liếm tội lỗi với vợ. Đột ngột, ngài đại tướng Đuy Grơlê (NSƯT Thành Lộc) từ châu Phi về Pháp, ghé ngang nhà người cháu họ để mời dự đám cưới người con nuôi, ngài đại tướng đã lầm tưởng ả ca ve là vợ của cháu mình, nên mời ả về lâu đài Tuaren đóng thế vai người vợ quá cố của lão trong ngày vu quy con gái mình. Tình huống buộc Pơ Ti Pông phải “tương kế, tựu kế”. Nào ngờ, khi đến Tuaren ả ca ve bắt đầu bộc lộ bản chất của một cô nàng ngổ ngáo và thất học. Ả đã lôi kéo các bà quý phái vùng tỉnh lẻ vào các cuộc chơi, nào là văng tục, phát ngôn báng bổ và “rinh” luôn cả chú rể sắp cưới, anh chàng chính là người yêu cũ của ả...
Ở phần đầu, kịch được “gài” tương đối chắc nhưng lại bị vướng vào những mảng miếng hài vụn vặt, ồn ào. Xét về mặt dàn dựng, đạo diễn đã quá tham khai thác tiếng cười ngoài kịch bản, nên hầu hết các vai diễn không rõ tính cách. Một ông bác làm đại tướng gặp một người cháu làm bác sĩ mà cứ như hai anh hề chọc quê nhau theo kiểu tấu hài. Trong đêm diễn 1-3, một số diễn viên không nghiêm túc trên sân khấu, họ cười nói thoải mái như đang đùa giỡn trong hậu trường, phá hỏng không gian kịch.
Hoàng Trinh trong vai ả ca ve dường như chỉ mới chạm đến bề nổi của vai diễn. Đất diễn của Minh Trí (trung úy Cô Ri Nhông) quá ít, không đủ để chứng tỏ tình cảm chân thật của nhân vật đối với một cô gái quyến rũ như ả ca ve. NSƯT Thành Lộc chưa khắc họa đúng chất của một đại tướng khao khát mái ấm gia đình, nhưng anh đã đi vào chỗ chọc cười dễ dãi không cần thiết. Ở phần hai vở diễn, người xem càng thấy đuối dần cái duyên quăng bắt mang chất thanh xuân của diễn viên, cái duyên mà IDECAF đã từng thành công. Phải chăng đạo diễn đã chạy theo thị hiếu để hài hước hóa một chủ đề rất thâm thúy của vở kịch, đó là châm biếm những kẻ trí thức tự bôi lên mặt mình những vết nhơ xấu xí. Cho nên chuyện ả ca ve xuất hiện giữa một thế giới thượng lưu chỉ được xem là cái cớ cho diễn viên tung trò, chứ không phải là nhân vật đại diện cho sự lên mặt của những kẻ giả danh quý tộc nhưng trong ruột lại thối nát, ngu dốt. Giá như điểm nhấn của tiếng cười chạm đến một góc độ sâu sắc hơn: “Cái giá phải trả của bác sĩ Pơ Ti Pông trong việc tự làm mất uy tín và hạnh phúc của gia đình mình”, thì dấu ấn của vở diễn sẽ đậm đà và thuyết phục...