Xem vở kịch Thông điệp từ Điện Biên: Hoành tráng và xúc động

Sân khấu hiện lên một Điện Biên Phủ nóng như chảo lửa ở những thời khắc cuối của cuộc giao tranh. Có cảm tưởng như đang được xem một bộ phim về Điện Biên hơn là một vở kịch, bởi sự hoành tráng và tính chân thật trong thiết kế mỹ thuật cùng với sự đầu tư công phu và hiệu quả về âm thanh.

Âm thanh chủ đạo ở đây được coi như là một “nhân vật” hiện diện trong suốt vở diễn, đó là tiếng súng, tiếng pháo đủ loại rền vang. Một Điện Biên Phủ nóng như chảo lửa ở những thời khắc cuối của cuộc giao tranh. Tựa lưng vào màu xanh ngút ngàn của núi rừng Tây Bắc, căn hầm dã chiến được xây dựng cố định sừng sững chiếm gần hết bề mặt sân khấu vừa là công sự của địch vừa là đường tiến quân của bộ đội. Gần như toàn bộ diễn viên Đoàn Kịch nói Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) có mặt trong vở diễn với không dưới 25 nhân vật có tên. Thời lượng của mỗi nhân vật xuất hiện không nhiều song nhờ vào sự khắc họa sắc nét, không ít nhân vật đã để lại dấu ấn. Như tình bạn thâm sâu đầy oái oăm giữa Trần Khôi (Đình Thắng) - đại đội trưởng bộ đội Cụ Hồ và Rousseau Jacques (Phạm Cường) - đại úy quân đội Pháp; thủ trưởng “bố” - Chính ủy Nhân Hòa (NSƯT Quốc Trị) nuốt nước mắt chấp nhận cho con trai “tân binh” 16 tuổi (Anh Quân) vào đội xung kích nắm chắc sự hy sinh; lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh phóng thích nữ y tá Jane ngay tại chiến trường đã tỏ rõ sự nhân đạo của cách mạng, bên cạnh một chiến thắng lịch sử vang dội của ý chí và niềm tin.

Vở diễn Thông điệp từ Điện Biên (tác giả: Nguyễn Khắc Phục, tổng đạo diễn: NSƯT Lê Hùng, cố vấn nghệ thuật: NSND - tiến sĩ Đình Quang) quả xứng đáng là một “công trình chào mừng lễ kỷ niệm 50 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”. Sau đêm ra mắt tối 26-5 vừa qua tại Nhà hát TP, vở kịch sẽ được tiếp tục diễn theo hợp đồng.