Xích lô Sans Souci
Bảy giờ tối, Đỗ Anh Thư mới trở về nhà. Con gái anh thấy bố về khẽ hát “Ba đi đâu về mà tóc đầy me!?”. Thư cười: “Nó lại trêu tôi đấy!”... Đỗ Anh Thư là giám đốc một công ty xích lô độc nhất vô nhị của Hà Nội. Nghe có vẻ ngộ nhưng xích lô Sans Souci của giám đốc Thư nổi tiếng đến nỗi cả nguyên Thủ tướng Cộng hòa Czech Milos Zeman khi sang thăm Hà Nội cũng chọn xích lô Sans Souci để đi dạo phố phường.
Vô-lăng tròn, vô-lăng vuông
Năm 1975, đất nước thống nhất, rời quân ngũ Thư thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Mơ ước thầy giáo dạy văn nhưng lại chỉ đậu vào Sử. Thế lại hóa hay, chính sử học đã cho tôi đi “du lịch khắp thế giới”. Ra trường, gửi hồ sơ đến Ty Giáo dục Hà Nội nhưng chờ mãi chẳng thấy người ta gọi đi làm, Thư tìm đến những nhà khá giả xin làm gia sư. Nhưng cũng chẳng được mấy đồng. Thế là ngày đi làm thầy, tối “mũ ni che tai” đạp xích lô kiếm thêm, vì sợ học trò nhìn thấy. Năm 1994, Thư gặp Daniel, một phụ nữ Pháp sang Việt Nam tìm con nuôi. Thấy Thư nói được tiếng Pháp, lại am tường lịch sử, suốt tám tháng trời ở Việt Nam tìm con, Daniel thầu xích lô của Thư để đi lại, mỗi ngày trả tám USD. Từ đó, Thư bỏ làm thầy sang đạp xích lô. Cũng chỉ là chuyển từ lái “vô-lăng tròn sang vô-lăng vuông thôi mà!”.
Thương hiệu... xích lô
Ngày Daniel về nước, Thư lại tha thẩn khắp phố phường, thỉnh thoảng mới có một ông Tây, bà đầm vẫy gọi. Nhưng cũng chẳng được bao nhiêu, vì khách không đều. Thư tâm sự: “Xích lô mình xấu quá, lại gỉ hoen ra, thế thì ai thèm đi. Mà lại chỉ có một mình, nên nếu gặp cả đoàn Tây muốn đi xích lô cũng đành chịu”. Thư sắm chiếc xích lô khung bằng inox sáng choang, chỗ ngồi bằng nệm mút, rồi rủ thêm mấy bạn đồng nghiệp cùng sắm xích lô giống mình. Thế là thành tổ xích lô đổi công, người này có khách thì gọi người kia. Công việc của những người trong tổ xích lô do Thư lập ra cũng khá dần. Thấy tiếng thơm, anh em xích lô vãng lai, nhiều người muốn gia nhập tổ của Thư. “Cơ hội làm lớn đã đến rồi!”, Thư thầm nghĩ.
Thương hiệu xích lô “Sans Souci” ra đời. Hỏi vì sao lấy tên đó, Thư bảo: Thời sinh viên, nghe thầy giảng về lịch sử nước Đức, về đài Sans Souci cổ kính của vua nước Phổ Frédéric đệ nhị (1712 - 1786), tôi mê mẩn cả người. Và, đó còn là câu nói cửa miệng của người Pháp “Sans Souci” nghĩa là “Đừng lo âu!”. Tôi muốn khách đã ngồi lên xe của mình không lo âu!”.
Chỉ hai năm sau, Sans Souci trở thành địa chỉ quen thuộc của các công ty du lịch tại Hà Nội, các quan chức ngoại giao đến Hà Nội cũng tìm Sans Souci để đi ngắm phố phường... Sans Souci còn trở thành “mốt” của những đám cưới, hỏi của đất Hà Thành. Tiếng thơm lan dần. Năm 2000, Thủ tướng Cộng hòa Czech Milos Zeman cùng phu nhân sang thăm Việt Nam. Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tìm đến Sans Souci để ký hợp đồng chở Thủ tướng cùng phu nhân ngắm cảnh đêm Hồ Gươm và uống cà phê Hà Nội. Mình “chân đất, mắt toét”, nghe nói chở Thủ tướng anh em run bắn lên. Tôi cũng run nhưng phải động viên anh em “dũng cảm”. Vì đây cũng là dịp quảng bá cho Sans Souci”. Thư chọn 10 “lính ngự lâm” đẹp trai nhất trong đội, tiếng Anh, Pháp biết tí chút. Thư đích thân làm “trưởng đoàn” đi sau cùng chở ngài đại sứ, Ngô Văn Quý chở Thủ tướng Zeman. Xích lô chở Thủ tướng đi giữa, hai bên hai cận vệ chạy bộ, kèm theo những xe cảnh sát rú còi loang loáng... Thư nhớ lại. Đó là thời khắc đánh dấu lịch sử của xích lô Sans Souci.
Hỏi uy tín, thương hiệu có từ đâu, Thư bảo: “Từ cái tâm”. Ai vào tổ đều phải viết đơn cam kết: Khách để quên đồ phải tận tay trả lại; không được xin tiền của khách dưới mọi hình thức. Nếu vi phạm sẽ bị đưa ra khỏi đội. Rèn, rồi thành nếp. Nhiều ông Tây bỏ quên cả ví tiền, máy ảnh..., anh em đều tự nguyện trả lại. Tiếng thơm cứ thế lan dần.
Phục sinh
Sau chuyến “tháp tùng” Thủ tướng Zeman, Sans Souci còn vinh dự được Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Pháp tin cậy ký hợp đồng chở người nhà của Tổng thống Pháp. Những tưởng cứ thế mà “tiến lên”. Ai ngờ, năm 2001, với lý do chấn chỉnh cho giao thông đô thị chính quyền Hà Nội ra lệnh cấm xích lô hoạt động. Nghe tin này như “sét đánh ngang tai”. Cả trăm xế lô của Sans Souci tan tác, không biết nương tựa vào đâu. “Mất nghề đã đau nhưng cứ nghĩ đến hình bóng xích lô đã in đậm trong lòng người dân gần trăm năm nay bỗng dưng biến mất, tôi đau lắm...”. Mỗi ngày công an thu cả chục xích lô đang lăn bánh trên đường. Thế là bóng xích lô vắng dần. Có ngày công an “tóm” 50 xích lô của Sans Souci, xin mãi thì họ phạt 200.000 đồng/xe rồi tha về vì “nể” Sans Souci đã từng chở thủ tướng. Rồi “đe” lần sau còn dám “lang thang” ngoài phố là tịch thu liền. Thế là nghiệp đoàn “Sans Souci” không dám chạy nhưng xe thì phải giữ. Thư bảo giữ để chờ thời.
Năm 2002, chính quyền Hà Nội có lệnh mới, vẫn cấm xích lô nhưng trừ xích lô du lịch. Muốn hoạt động phải đăng ký chỉ làm xích lô du lịch. Thư mua sách Luật Doanh nghiệp về nghiên cứu. Tháng 5-2002 đăng ký, rồi chờ đợi. Cơ quan đăng ký kinh doanh bảo chưa thấy ai thành lập công ty xích lô bao giờ nhưng không có lý do để khước từ. Tháng 7-2002, Công ty TNHH Dịch vụ xích lô Sans Souci ra đời. “Thằng đàn ông chỉ một lần rơi lệ, ấy là khi mẹ tôi mất. Thế mà cầm giấy phép đăng ký kinh doanh trên tay, tôi đã khóc vì Sans Souci đã được phục sinh”. Và Thư trở thành giám đốc xích lô độc nhất vô nhị của đất Hà Thành.
Chỉ sau hơn một năm phục sinh, Sans Souci đã ký hợp đồng chở khách với 60 công ty du lịch trong và ngoài nước. Công ty có 134 xe nhưng chẳng lúc nào hết việc. Những gia đình khá giả ở Hà Nội cưới con, muốn thuê xích lô ăn hỏi cũng phải đặt trước cả tháng trời. Trong lễ khai mạc SEA Games 22, xích lô Sans Souci được vinh dự đi đầu đoàn chở dàn trống hội Thăng Long tiến về Sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình. Thư và anh em mừng vui lắm. “Hôm rồi, đọc lại phóng sự “Tôi đi kéo xe” mới thấy ngày xưa đời “thằng xe” nhục thật. Còn bây giờ, mỗi tháng mình phải kiếm hơn trăm triệu, ít cũng phải trả anh em được triệu đồng/tháng. Bước sang tuổi năm nhăm, ngẫm lại mới thấy đời nhanh thay đổi!”, Thư lại cười.