Văn học, nghệ thuật của kiều bào luôn hướng về Tổ quốc

Nền văn học, nghệ thuật Việt Nam ngày nay có 1 bộ phận hết sức quan trọng, đó là hoạt động văn học, nghệ thuật phong phú và đặc sắc của kiều bào ta ở nước ngoài

Chiều 28-4, Hội thảo quốc tế với chủ đề "Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)" đã được Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại Hà Nội. GS-TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - dự và chỉ đạo Hội thảo.

Ghi nhận, đánh giá cao

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 150 nhà khoa học, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sống, làm việc ở trong nước, nước ngoài và nhiều học giả quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, GS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Trong nền văn học, nghệ thuật Việt Nam ngày nay có một bộ phận hết sức quan trọng, đó là hoạt động văn học, nghệ thuật hết sức phong phú và đặc sắc của kiều bào ta ở nước ngoài - gần 6 triệu người con sống xa quê hương nhưng luôn hướng về Tổ quốc. 

Các văn nghệ sĩ người Việt ở nước ngoài là những "đại sứ văn hóa", "người thắp lửa" truyền giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào; đồng thời là đội ngũ tiên phong trong việc tăng cường giao lưu nhân dân, tạo dựng sự hiểu biết và mối thiện cảm giữa Việt Nam với các nước. T

hông qua các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh và nhiều loại hình nghệ thuật khác, hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống, đổi mới, năng động, sáng tạo và nhân văn được giới thiệu sinh động tới bạn bè khắp năm châu; trở thành cầu nối hiệu quả thúc đẩy hội nhập, nâng cao sức mạnh "mềm" quốc gia, khẳng định vị thế và uy tín nước ta trên trường quốc tế.

"Nhìn lại nửa thế kỷ qua, trong dòng chảy lịch sử của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến những cảm xúc thăng trầm, những cung bậc chuyển đổi khác nhau trong hoạt động văn học, nghệ thuật của kiều bào ta ở nước ngoài" - GS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. 

Đó là tâm trạng từ day dứt, mặc cảm của những người Việt Nam lưu lạc nơi xứ người, đến cảm nhận mới, nguồn năng lượng mới và cảm xúc tích cực hướng về quê hương, đất nước. Từ những định kiến về chiến tranh đã chuyển sang khát vọng hòa bình, hòa giải và hòa hợp, cùng nhau "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai". Và từ những ký ức hoài niệm, suy tư, trăn trở về tình hình trong nước, đã chuyển sang một tâm thế mới, niềm tự hào về quê hương, đất nước Việt Nam. 

Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao vị trí, đóng góp to lớn của kiều bào ta đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Các văn nghệ sĩ, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn nghệ nước nhà thống nhất trong đa dạng.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS-TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng dẫu sống xa Tổ quốc, dẫu là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư nhưng phần đông đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sĩ đều mang trong mình dòng máu Việt, văn hóa Việt, hồn cốt Việt, luôn hướng về quê hương. 

Công chúng của họ cũng không bó hẹp trong cộng đồng người Việt mà mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Không ít văn nghệ sĩ người Việt rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương, như GS Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và nhiều người khác…

Văn học, nghệ thuật của kiều bào luôn hướng về Tổ quốc- Ảnh 1.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)”, tổ chức ngày 28-4

Đóng góp quan trọng

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài với diễn trình phát triển văn học, nghệ thuật qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay.

TS Ngô Phương Lan nhận định trong nhiều thập kỷ qua, hàng trăm bộ phim Việt Nam đã được giới thiệu ở các Liên hoan phim quốc tế nhưng có một thực tế là phim Việt hầu như chưa xuất hiện rộng rãi trong mạng lưới phát hành ở nước ngoài. Trong khi đó, một số phim của các đạo diễn Việt đã thành công khi dự thi tại các Liên hoan phim quốc tế và được phát hành rộng rãi ở nhiều nước, như "Mùi đu đủ xanh" của đạo diễn Trần Anh Hùng. Phim của đạo diễn gốc Việt đem một luồng gió mới cho điện ảnh Việt Nam.

PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng các nhà văn di dân Việt Nam tại Mỹ, đặc biệt những nhà văn dòng chính đã có những thành tựu và đóng góp nổi bật cho văn học Mỹ. Mặc dù không thể so sánh với những nhà văn gốc Trung Quốc như Maxim Hong Kingston, Cáp Kim, Amy Tan hay Yiyun Li, nhưng văn học di dân Việt Nam cũng có những nhà văn dòng chính gia nhập văn học Mỹ từ rất sớm. 

Những tác phẩm đầu tiên của văn học Việt Nam di dân là những tác phẩm tự truyện hay hồi ký đề cập những ký ức về quê nhà, chiến tranh, hay các trại tập trung. Gần đây, có những nhà văn được biết đến trong cộng đồng văn học Mỹ. Họ đã đạt được một số thành tựu như giải Pulitzer hạng mục tiểu thuyết 2016 cho cuốn The Sympathizer của Viet Thanh Nguyen, giải thưởng sách quốc gia Mỹ (National Book Award) hạng mục văn học thiếu nhi cho cuốn Inside Out & Back Again (Trong ngoài và quay trở về) của Lai Thanh Ha...

Trong tham luận "Nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài, cầu nối văn hóa truyền thống và mạch nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại nước nhà", TS Ngô Thị Thúy Anh, Trường ĐH Văn Lang, nhận định đối với nhiều nghệ sĩ người Việt đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, giá trị truyền thống văn hóa và ký ức được xem là mạch nguồn cảm hứng sáng tác với nhiều cung bậc cảm xúc vô cùng đa dạng. 

Dù sinh sống và làm việc ở một môi trường văn hóa khác biệt, song hình ảnh mang đậm giá trị văn hóa Việt Nam vẫn luôn thôi thúc các nghệ sĩ tìm cách thể hiện và đưa vào trong tác phẩm của mình như một mong muốn kết nối lại với cội nguồn. Những trải nghiệm tuổi thơ, những mối quan hệ gia đình, những biến động xã hội ở Việt Nam... đều có thể trở thành nguồn cảm hứng sâu sắc, giúp các nhà thiết kế truyền tải những cảm xúc chân thực và những suy ngẫm cá nhân vào tác phẩm của mình. 

Sáng tạo nghệ thuật gắn bó với cội nguồn dân tộc

GS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và phát huy những đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật của kiều bào ở nước ngoài, cần quan tâm thực hiện thật tốt một số giải pháp.

Trước hết, cần tạo dựng một môi trường thuận lợi, cởi mở nhằm khuyến khích các văn nghệ sĩ kiều bào sáng tạo nghệ thuật gắn bó với cội nguồn dân tộc. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, thị thực, đi lại để các văn nghệ sĩ có thể dễ dàng tham gia các hoạt động nghệ thuật trong nước. Thứ hai, chú trọng ghi nhận và tôn vinh văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài. Thứ ba, triển khai các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần đột phá trong các nghị quyết mới của Đảng. Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa đội ngũ văn học, nghệ thuật trong nước và ngoài nước. Cần thiết lập cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các hội văn học, nghệ thuật trong nước với các hội, nhóm văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức định kỳ các chương trình hợp tác sáng tác chung...

Chung sức tạc một "làn sóng Việt Nam"

Theo TS Ngô Phương Lan, nên thu hút nhiều người Việt Nam có tài đang sống ở nước ngoài cùng "làm văn hóa", "làm điện ảnh". Bởi vì bản thân cuộc sống của họ đã cho họ kinh nghiệm "quốc tế hóa" màu sắc Việt Nam dễ dàng hơn những người chỉ sống ở trong nước, đồng thời sản phẩm văn hóa của họ thường có điều kiện phổ biến rộng rãi, liên tục hơn nhiều so với việc chỉ trông vào những hoạt động giao lưu văn hóa hay điện ảnh hạn hẹp.

Điều quan trọng là phải khơi gợi được "hồn dân tộc", trách nhiệm đối với đất nước của những người con sống xa quê hương, để chung sức tạc một "làn sóng Việt Nam" trong điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung.