Thảng thốt sông chiều
1. Phượng rẽ về hướng sông rồi thả bộ dọc theo đường Hai Bà Trưng. Nhà sách Khai Tâm đây rồi, nàng dừng lại, sà vào sạp báo bày trước hiên.
Tuần báo Tuổi Ngọc vẫn chưa về. Nàng đang ngóng truyện của Nguyễn Thanh Trịnh và Nguyễn Thị Minh Ngọc. Đọc "Trái tim bằng gỗ thông" của Trịnh, nàng nghe thấm đến gan đến ruột. Yêu mà tài tử như anh chàng trong truyện ấy mới là yêu chứ! Với Nguyễn Thị Minh Ngọc lại là một thế giới khác, thế giới của bọn nữ sinh những năm cuối trung học như Phượng. Với đủ thứ trò nhắng nhít. Khi mà trường chỉ toàn bọn con gái cỡ trường Phượng thì càng lắm trò khỉ. Cái phố nhỏ bé như lòng bàn tay đã quá quen thuộc với nàng. Con đường Hai Bà Trưng, qua tiệm phở Chờ, vượt đình Ông Cọp, xuống một tí là kiệt Ơrêka, là hiệu sách Khai Tâm, nơi nàng đang đứng, ở đó có một xe bán bánh mì, ngon ngậm nghe. Xuôi xuống chút nữa là bến phà sông Bạch Đằng.

Minh họa: KHỀU
Giờ thì nước đang lên. Trường vừa cho nghỉ học sáng nay. Có tiếng ai đó í éo gọi tên khiến Phượng phải quay đầu lại. Là Linh, bạn cùng lớp. Linh vừa thở vừa nói:
- Phượng! Bà biết tin gì chưa?
- Gì mà như cháy nhà vậy bà?
- Nguyễn Thảnh vừa bị quân cảnh hốt hồi nãy!
- Sao lại hốt?
- Thì... bị bắt lính chứ gì! Bà như từ trên trời rớt xuống không bằng!
Phượng thấy đầu mình váng vất, người khó chịu hẳn như muốn sốt hay sao ấy. Nguyễn Thảnh cũng mới vào lớp 12 nhưng khác trường, nhà ở đầu xóm Phượng. Cũng mới quen, nói như bọn con Linh là quen theo kiểu truyện ngắn Nguyễn Thanh Trịnh! Chưa là gì nhưng nhiều lúc cũng giật mình thảng thốt khi nghĩ về hắn.
- Hắn đang đi bộ, một mình trên đường đi học về, thì xe quân cảnh tấp vô. Hắn bất ngờ quá chẳng kịp bỏ chạy.
Làm gì bây giờ, làm sao biết phải làm gì bây giờ? Lòng Phượng bỗng nhiên thảng thốt hệt như mỗi lần nghe tin nước lũ về vậy.
2. Trí nhớ Phượng dừng ở đó lúc lâu. Sau đó rồi sao nhỉ? Nghe nói Nguyễn Thảnh bị đưa vào sư đoàn 3 và bị đẩy ra phòng tuyến Mỹ Chánh trấn ở đó. Rồi nghe nói Thảnh mất tích trong một trận đụng độ với quân giải phóng. Tất cả đang ngọt ngào êm ả yên lành như các nhân vật trong truyện của Trịnh bỗng nhiên tan tành. Nhất là sau khi ba của nàng tử trận. Nhà nàng tan tác như tổ ong vỡ. Một nách sáu con thơ dại cộng với không nghề ngỗng, mẹ nàng ngơ ngác như cô dâu mười tám tuổi mới về nhà chồng. Không nhớ rằng đã nghe ai mà nàng kịp lấy chồng và theo chồng về Đà Nẵng. Một quyết định vô cùng sáng suốt lúc ấy không hiểu sao nàng chẳng có một chút chần chừ nào. Chồng của nàng sắp xếp gọn ghẽ trước sau mọi chuyện như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Anh chàng phi công đẹp trai ấy đã dọn cho mẹ nàng một quầy tạp hóa để làm kế sinh nhai cộng thêm vào món tiền tử tuất của ba nàng trước khi rước con gái bà ra đi. Sau đó, tình hình chiến sự trở nên nhốn nháo. Vợ chồng Phượng bay chuyến cuối cùng vào Sài Gòn rồi theo chân mấy nhân viên không quân của đơn vị chồng nàng tiếp tục di tản. Chỉ mấy tháng sau, nàng đặt chân lên nước Mỹ trong muôn nỗi ngỡ ngàng.
3. Ngồi trước mặt Phượng là người phụ nữ mặc váy đen khá ngắn, khoác hờ tấm khăn voan đen trên đôi vai trần trắng mịn màng. Cái kính đen to bản ôm gần hết khuôn mặt tạo cho cô có nét gì đó bí ẩn và quý phái. Là Linh của trường nữ trung học nổi tiếng đẹp và pha chút "diêm dúa" mấy mươi năm trước. Khó nhận ra Linh bởi cô nàng giờ đã là một quý bà sang trọng, chủ của hàng loạt shop vải nổi tiếng. Linh ngả người lên ghế ngắm bạn một lúc rồi nói như đang thở ra:
- Bên kia sông, cái làng mộc ấy là quê của Thảnh đấy, bà ạ!
- Mà sao?
- Thảnh đã về bên ấy rồi!
Phượng bật dậy như muốn chồm hẳn qua phía Linh:
- Chứ sao nghe nói Thảnh...
- Hồi ấy mình cũng nghe nói Thảnh mất tích, có người còn xầm xì rằng Thảnh đã tử trận. Nhưng, mình... mới gặp Thảnh hôm qua ở bến Bạch Đằng!
Phượng lặng người, nghe một cách phập phù những lời của Linh dù đang ngồi kề bên bạn. Vậy mà bao nhiêu năm mình đã hụt hẫng. Nhưng giả dụ ngày ấy Thảnh có quay về thì liệu có thay đổi được gì không?
- Khi Thảnh kêu tên mình, mình sựng người, há hốc mồm không nói được tiếng nào! Là mình đây, Thảnh 12C1 đây! Cho đến khi ấy mình mới tin. Mình hỏi Thảnh: "Nghe nói hồi ấy?...". Thảnh vừa cười vừa nói: "Thì thua trận... Vất súng ống chạy tè le. Rồi bị đưa đi lao động sản xuất. Mãi đến bảy lăm mới thôi. Biết ở nhà chẳng còn ai nên mình ở luôn ngoài ấy tiếp tục sống với cái nghề mộc gia truyền của mình. Đi làm nơi này nơi khác cũng qua ngày...". "Sao không về quê?". "Đã lỡ hết mọi thứ rồi. Về làm chi nữa?". "Nghĩa là Thảnh chẳng có tin tức gì về Phượng?". Thảnh lắc đầu, thở dài: "Mãi sau này mới nghe nói Phượng đã đi Mỹ...".
Một thứ gì đó chao chát trong lòng Phượng. Ừ thì mình với Thảnh đã là gì đâu nhỉ? Mới chỉ là những rung động đầu đời. Hay vì đó là những tháng ngày ngọt ngào của thời thiếu nữ. Đang êm đềm bỗng vỡ ra rồi tan tác. Khi nghe tin ba mất, Phượng thấy đất trời như sụp đổ. May mà còn có chồng nàng. Sau này chồng nàng bảo vì em đẹp quá nên anh đã quyết tâm lấy em cho bằng được, sợ không? Nàng nghe, chỉ cười nhẹ, lòng thầm cảm ơn anh. Nhưng vẫn không thể nào quên nổi Thảnh.
- Thảnh có nói vì sao quay về quê không Linh?
- Thảnh bảo trong này phục hồi lại làng nghề nên thiếu thợ trầm trọng. Có ông bác trong họ bỗng nhớ ra Thảnh, biết Thảnh giỏi nghề nên cho người ra Quảng Trị tìm. May mà gặp được Thảnh. Thuyết phục mãi Thảnh mới chịu về đó chứ!
Phượng thần người, thở hắt ra:
- Chỉ đơn giản vậy thôi sao?
- Rất nhiều khi quá sức phức tạp nhưng cuộc sống đôi khi cũng thật đơn giản, hệt như khi chồng bà xuất hiện đúng thời điểm khó khăn nhất của gia đình bà hồi ấy vậy mà!
Phượng ngồi im lặng, thả mắt nhìn ra phía mặt sông đang loang loáng ánh nắng chiều chấp chới. Vài chiếc tàu chở khách du lịch thả trôi lững lờ theo dòng nước. Giá như lòng Phượng cũng yên ả như những con tàu kia nhỉ? Chỉ một thôi đò là sẽ đến bên kia sông! Cũng đã gần tới mùa nước lên rồi. Liệu lòng Phượng có còn thảng thốt giữa mùa lũ?