Curator, anh là ai?
Là một curator (quản lý, tổ chức triển lãm) của Bảo tàng Nghệ thuật Umeo Thụy Điển nổi tiếng, chỉ trong 7 năm qua Johan Strostrom đã từng tổ chức hơn 30 cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại thế giới. Ông cũng là curator cho cuộc triển lãm sơn mài Việt Nam đầu tiên tại Thụy Điển năm 2002. Nhân dịp Johan Strostrom được mời sang Đại học Mỹ thuật Hà Nội để tổ chức một khóa học về curator, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về một nghề còn khá mới mẻ ở Việt Nam
. Phóng viên: Curator là một khái niệm khá phổ biến ở châu Âu, nhưng ở Việt Nam nó chỉ mới được biết đến trong vài năm gần đây...
- Ông J.Strostrom: Thật ra thuật ngữ curator chỉ ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 20, cho dù công việc quản lý, tổ chức triển lãm đã có từ rất lâu trong lịch sử.
. Vì sao, thưa ông?
- Theo tôi, nó nảy sinh từ yêu cầu của nghệ thuật đương đại đa phương tiện. Do đó các triển lãm ngày nay không đơn giản là việc treo những bức tranh như thế nào, mà phải tổ chức một cách hoàn toàn khác. Vì các đối tượng quan tâm đến nghệ thuật cũng không chỉ là một nhóm nhỏ, mà là một bộ phận lớn của xã hội, nên vai trò của curator vô cùng quan trọng.
. Vậy một curator chuyên nghiệp khác với những người quản lý, tổ chức triển lãm thuần túy như trước đây là gì?
- Trước tiên họ phải là người có năng lực tổng quan để có thể trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện cùng trong một không gian sao cho hiệu quả nhất, để công chúng có thể hiểu được nghệ thuật là gì. Tiếp đến là đi tìm các nguồn tài chính cho các cuộc triển lãm bởi nghệ thuật đương đại đa phần là phi lợi nhuận. Cuối cùng là phổ biến các thông tin triển lãm bằng con đường truyền thông, đây cũng là trách nhiệm nặng nề nhất của các curator. Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thế giới, thì curator phải là người có cái nhìn đa chiều của nhà tổ chức, nghệ sĩ và người thưởng ngoạn. Họ là người quyết định hiệu quả triển lãm là như thế nào, có thu hút được nhiều người quan tâm hay không. Ở Thụy Điển cũng chỉ 5 năm gần đây mới có chương trình đào tạo curator chuyên nghiệp. Họ được học rất nhiều lĩnh vực khác nhau mà không chỉ riêng nghệ thuật. Xu hướng của các curator chuyên nghiệp thường hoạt động trên một lĩnh vực sở trường. Như ở Bảo tàng Umeo, tôi chuyên làm curator cho các triển lãm đương đại và nhiếp ảnh, nghệ thuật châu Phi, còn 2 người khác thì phụ trách những mảng khác. Các curator này là những người rất quan trọng để điều tiết cho các hoạt động của bảo tàng trở nên phong phú.
. Vậy ông có kinh nghiệm gì để các bảo tàng Việt Nam có thể thu hút được người đến tham quan?
- Tôi lấy bảo tàng của chúng tôi là một ví dụ. Để được hoạt động liên tục, chúng tôi đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu. Tất cả các ngày trong tuần chúng tôi đều đón học sinh ở các trường phổ thông đến đây để học về mọi chủ đề nghệ thuật khác nhau. Càng sớm giáo dục cho trẻ con hiểu thế nào là nghệ thuật thì càng tốt, bởi chúng là thế hệ nghệ sĩ cũng như công chúng tương lai của nghệ thuật và các bảo tàng. Và ngoài các hoạt động thông thường, chúng tôi còn xây dựng khu nhà hàng, không nhằm mục đích kinh doanh, nhưng nó lại giúp cho mọi người cảm thấy thật thoải mái khi đến bảo tàng. Những nơi này cũng có thể diễn ra các hoạt động đồng thời như tổ chức các buổi nói chuyện thường kỳ hay chiếu phim về nghệ thuật... Như vậy bảo tàng trở thành một điểm đến thường xuyên của tất cả mọi người.
. Cuộc triển lãm sơn mài đầu tiên của Việt Nam ở Thụy Điển để lại cho ông những trải nghiệm gì?
- Trước đây, tôi hầu như không biết gì về tranh sơn mài cho dù đã có vài triển lãm Việt Nam ở Bắc Âu. Điều này khiến tôi nảy ra ý định tại sao lại không tổ chức một cuộc triển lãm chuyên đề sơn mài ở Thụy Điển bởi nó là chất liệu rất độc đáo của Việt Nam. Phải nói rằng tôi đã học được rất nhiều về nghệ thuật Việt Nam từ cuộc triển lãm này. Do không phải là một chuyên gia về sơn mài nên khi làm curator, tôi đã phải nhờ đến các thầy của Trường Mỹ thuật Hà Nội rất nhiều. Triển lãm này đã được đánh giá rất cao ở Thụy Điển. Đặc biệt là có một tác phẩm sơn mài (tranh bộ ba tấm của họa sĩ Trần Hoàng Sơn) - đã được văn phòng Chính phủ Thụy Điển mua và đưa vào bộ sưu tập của quốc gia để triển lãm lưu động khắp đất nước. Điều này khiến tôi rất vui, như vậy có nghĩa là sơn mài Việt Nam đã có sức thuyết phục và có chỗ đứng trong công chúng Thụy Điển.
. Với lớp học curator này ông có kỳ vọng gì không?
- Tôi rất muốn rằng lớp học của chúng tôi sẽ có đông học viên hơn, và đặc biệt là những người nắm quyền quyết định tổ chức các triển lãm ở Việt Nam như ở trường mỹ thuật hay Bộ VHTT đến tham dự. Không gian nhà bảo tàng của trường mỹ thuật này là một nơi lý tưởng để cho các cuộc triển lãm và các hoạt động xã hội hóa nghệ thuật. Đây chính là mục đích của các trường nghệ thuật bây giờ. Tuy nhiên, với thành viên là các giảng viên của trường, tôi cũng hy vọng rằng sau này họ sẽ trở thành những curator năng động của Việt Nam.