Bước thụt lùi của phim xác sống Hàn

Khi "Train to Busan" ra đời năm 2016, lập kỷ lục phòng vé ở Hàn Quốc, dòng phim xác sống của châu Á trở nên có tiếng nói trên trường quốc tế.

Bốn năm sau kể từ "Train to Busan", bộ phim "Peninsula" (tên Việt: "Bán đảo") ra đời trong niềm kỳ vọng của khán giả về một siêu phẩm có khả năng kế thừa những yếu tố hấp dẫn đã làm nên thương hiệu của dòng phim xác sống Hàn Quốc.

Không ngạc nhiên gì khi "Bán đảo" ăn khách ở nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.

Trong đại dịch, việc phát hành một bộ phim về dịch xác sống,về thế giới hậu tận thế có lẽ là lựa chọn đúng. Cũng cần nói thêm về một thuận lợi khác của "Bán đảo" là đầu năm 2020, khán giả thế giới lên cơn sốt với bộ phim truyền hình chiếu trên nền tảng Netflix, "Vương triều xác sống", một siêu phẩm "đồng hương" của "Train to Busan" và "Bán đảo". "Vương triều xác sống" góp phần gây thêm thiện cảm về phim xác sống đối với khán giả. Do được những yếu tố thuận lợi đó nên tâm lý khán giả đặt nhiều kỳ vọng vào "Bán đảo" là điều hiển nhiên.

Nhưng chỉ sau ít ngày ra mắt, "Bán đảo" đã nhận về những bình luận khen chê trái chiều từ công chúng.

Dù được quảng bá như phần hậu truyện của "Train to Busan" nhưng mối liên hệ giữa "Bán đảo" với "Train to Busan" khá lỏng lẻo. Có thể coi "Bán đảo" như một bộ phim độc lập nhưng vì các nhà sản xuất cố gắn nó với thương hiệu của bộ phim "Train to Busan" buộc người xem phải đặt lên bàn cân so sánh giữa hai bộ phim.

Nếu thế giới của "Train to Busan" là con người bắt đầu đối diện thảm họa, thì trong "Bán đảo", thế giới đã bước vào thời kỳ hậu tận thế, khi loài xác sống đã hoàn toàn thống trị, buộc con người phải trốn chạy. Lồng trong cuộc đấu tranh sinh tồn đó là chuyến trở về để lấy 20 triệu USD trên chuyến xe năm xưa.

Nếu không có món tiền khổng lồ làm nguyên cớ, chắc hẳn "Bán đảo" sẽ mang cốt truyện giản đơn, chỉ còn là màn phô diễn của những cuộc đấu súng, đua xe thoạt trông chẳng khác gì các bộ phim hành động bom tấn nhan nhản mỗi năm của Hollywood đến mức phát chán.

Dù phạm vi hành động của các nhân vật được mở rộng ra một bán đảo chứ không còn bó hẹp trong các toa tàu chật chội như "Train to Busan". Ở đó, có những con người sống mà như xác sống, trong cuộc đấu tranh sinh tồn bị biến thành trò chơi, chính con người trở nên đáng sợ hơn xác sống. Nhưng có lẽ nó quá rộng với một nhóm người lạc lõng chẳng biết lấp đầy bộ phim này như thế nào.

Xã hội viễn tưởng trong "Bán đảo" là một xã hội mà văn minh nhân loại đã sụp đổ, trơ ra những con người đánh mất nhân tính cả khi không có vết cắn của xác sống. Tuy vậy, những mô-típ đó khiến khán giả mường tượng đến những bộ phim trước đây, khiến "Bán đảo" thành tác phẩm dễ đoán và dễ dãi.

Dễ dãi trong khâu kịch bản vì quá bình thường. Dễ dãi trong cách xây dựng nhân vật một màu. Dù đánh giá cao những pha hành động lẫn ngoại hình của tài tử Kang Dong Won (trong vai Jung Suk) thì cũng khó có thể coi nhân vật này là nhân vật để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả như cách mà Gong Yoo trong "Train to Busan" đã thể hiện. Các nhân vật khác của "Train to Busan" cũng đa dạng hơn, có dấu ấn riêng, chứ không chỉ một màu và nhạt nhòa như các nhân vật của "Bán đảo".

Đó là chưa nói đến những màn rượt đuổi đến bội thực, diễn ra trong một thứ kỹ xảo khó chịu đến mức nếu coi "Bán đảo" chỉ thuần túy là phim hành động giải trí bình thường thì cũng khó chấp nhận những mặt yếu trong khâu hình ảnh của nó.

Dù "Bán đảo" có đạt thành công lớn về mặt thương mại đi nữa thì đây vẫn xem như một bước thụt lùi so với những bộ phim đề tài xác sống mà Hàn Quốc đã làm được trước đây.