Tập đoản văn về văn chương, văn hóa

Tập "Ngày qua bóng ngày" (NXB Tổng hợp TP HCM) của Lê Minh Quốc đúng là một tập đoản văn thú vị.

Tập đoản văn của anh chuyện trò với độc giả về nhiều lĩnh vực: có khi là những hồi ức thú vị về Sài Gòn, về tuổi thơ, về thời đi học của anh; có khi là những câu chuyện văn về những nhà văn, nhà báo mà anh quen biết: từ Sơn Nam, Kiên Giang, Trần Hữu Tá… cho đến những tác giả trẻ hơn; có khi là những câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình thầy trò của các tác giả ngày xưa của những Chu An, Vũ Tông Phan, Võ Trường Toản, hay gần hơn như: Nhất Linh - Khái Hưng, Huy Cận - Xuân Diệu, Ngô Tất Tố - Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài - Nam Cao...; có khi là những câu chuyện chữ nghĩa: cách dịch thơ, ngôn ngữ "Truyện Kiều", hiện tượng dùng sai tiếng Việt; có khi là câu chuyện về văn chương, văn hóa, giáo dục... Lê Minh Quốc đọc, suy tư và kể cho chúng ta về những điều anh tâm đắc. Những câu chuyện ấy không phải kể lại một cách khô khan mà với một giọng điệu riêng, thông qua "cái tôi" của tác giả, một cái tôi "tưng tửng", hài hước mà ẩn chứa nhiều suy tư, trăn trở.

Tập đoản văn về văn chương, văn hóa - Ảnh 1.

Lê Minh Quốc khởi đi từ một nhà thơ. Anh được giải thơ từ sớm, nổi tiếng về thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã có nhiều tập thơ đã in, sau đó chuyển sang viết truyện dài. Nhưng lĩnh vực anh để lại nhiều thành tựu nhất là truyện danh nhân và loại sách phổ biến kiến thức. Anh có mấy chục đầu sách về các nhân vật lịch sử: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Thuyết, Bạch Thái Bưởi, Hoàng Hoa Thám… Anh còn viết lời cho truyện tranh về các anh hùng đời Trần. Bộ sách về danh nhân Việt Nam của anh cũng được đón nhận nồng nhiệt.

Với 55 đoản văn từ đoản văn thứ nhất "Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan" viết ngày 8-1-2017 đến đoản văn thứ 55 "Bàn tay mười ngón phiêu bồng nhẹ tênh" viết ngày 23-12-2017, có thể coi tập sách này như cuốn nhật ký văn hóa của một người yêu văn chương chữ nghĩa của dân tộc. Loại nhật ký này, theo thời gian, anh đã in "Ngày trong nếp ngày", "Ngày viết mỗi ngày", "Ngày sống đời thơ", "Ngày đi trên chữ" - các cuốn "nhật ký" kể cho chúng ta rất nhiều điều bổ ích và lý thú.