Vỡ mộng khi quá tin vào AI
Các công cụ trí tuệ nhân tạo đang được "thần thánh hóa" khiến người dùng đặt kỳ vọng cao, nhưng thực tế không như mong đợi
Đầu tháng 7-2025, Google chính thức triển khai Veo 3 - công cụ tạo video bằng trí tuệ nhân tạo (AI) đến các quốc gia - nơi ứng dụng Gemini đang hoạt động, bao gồm Việt Nam. Người dùng có thể sử dụng Veo 3 thông qua gói Google AI Pro với giá 489.000 đồng/tháng.
Tốn tiền mà không hiệu quả
Dù sự quan tâm với Veo 3 hiện tại giảm so với thời điểm vừa ra mắt song vẫn có số lượng lớn người sử dụng công cụ tạo video này bởi khả năng biến văn bản và hình ảnh thành video sống động, phù hợp bối cảnh. Các đoạn video ngắn được tạo bởi Veo 3 thường thu hút lượt xem không nhỏ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và YouTube, thậm chí có thể lên tới hàng triệu view.
Cơn sốt Veo 3 lan rộng khi nhiều tài khoản cá nhân tự xưng là "chuyên gia AI" liên tục quảng bá, bán các khóa học online sử dụng công cụ này với mức phí từ 99.000 đồng/khóa học chỉ vỏn vẹn 1-3 buổi. "Không cần studio, không cần đội ngũ marketing, bạn vẫn có thể tạo ra những video triệu view, thu hút khách hàng gấp 10 lần bình thường" - tài khoản M.Q trên Facebook đăng bài viết với lời hứa hẹn "có cánh".
Một số "thầy AI" trên mạng còn chỉ cách không cần mua tài khoản Veo 3, chỉ cần sử dụng Canva Pro - một ứng dụng có khả năng thiết kế hình ảnh, video, trình chiếu... - là sẽ tạo được video Veo 3 không giới hạn, chi phí chỉ từ 99.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, thực tế Canva Pro chỉ cho phép tạo tối đa 5 video/tháng.
Tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ về tác dụng AI, không ít người đã mạnh tay chi tiền triệu để mua tài khoản sử dụng hàng loạt công cụ, rồi sau đó "vỡ mộng". Chị Hoàng Thị Lan Phương (ngụ TP HCM) từng tham gia khóa học online về Veo 3, chi phí 99.000 đồng, với hy vọng tạo ra video ngắn có thể thu hút hàng triệu view để quảng bá điểm bán hàng của mình, qua đó tăng doanh số. Thế nhưng, sau buổi học, chị rất thất vọng khi Veo 3 chỉ tạo được video dài tối đa 8 giây, khi ghép các video ngắn với nhau có cảm giác không mượt mà, không thể truyền tải hết thông điệp mong muốn. "Các chuyên gia AI trên mạng quảng cáo Veo 3 giúp tiết kiệm thời gian, chi phí marketing nhưng thực tế lại khá tốn kém và hiệu quả không như kỳ vọng" - chị Phương nhận xét.
Ông Nguyễn Thành Tâm (ngụ Hà Nội) chi gần 2 triệu đồng để mua các ứng dụng AI phục vụ sáng tạo nội dung như ChatGPT, Gemini, Piktochart, Canva... và cũng thất vọng bởi khả năng thực sự của các công cụ này. "Piktochart được quảng cáo là có thể biến dữ liệu thành đồ họa chỉ trong một phút với hình ảnh cực kỳ hút mắt, nhưng sản phẩm thực tế lại không thể sử dụng được. AI này chỉ tạo được đồ họa với dữ liệu ít, còn nếu dữ liệu dài hơn thì phải chỉnh sửa bằng tay rất tốn thời gian; giao diện cũng không đẹp mắt" - ông Tâm nói.

Một công cụ AI tạo đồ họa được quảng cáo “nổ vang trời” nhưng khi thực tế sử dụng lại khác xa kỳ vọng của người dùng Ảnh: Nguyễn Tỉnh
"Chơi" AI như... chơi dao
Bên cạnh sử dụng AI phục vụ công việc, không ít trường hợp "chơi AI" với mục đích giải trí, "đu trend". Tuy nhiên, việc sử dụng AI thiếu cẩn trọng, sa đà, mất kiểm soát... có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền trend dùng AI tạo hình ảnh như thật để thu hút bình luận, tương tác. Đáng chú ý, có nhiều hình ảnh khá nhạy cảm, không phù hợp hoặc sai sự thật đã được đăng tải và thu hút lượt xem lớn, chẳng hạn hình ảnh cảnh sát giao thông ghi biên bản xử phạt, lực lượng công an thực thi nhiệm vụ... Những hình ảnh tưởng như chỉ có tính chất giải trí như này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Theo quy định pháp luật hiện nay, hành vi sử dụng công nghệ AI để tạo hình ảnh giả mạo, sai sự thật... nếu gây hiểu lầm theo chiều hướng tiêu cực có thể bị xem là xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của người khác. Hành vi này có thể bị phạt 20-30 triệu đồng, buộc phải gỡ bỏ thông tin gây nhầm lẫn, sai sự thật... Nếu gây hậu quả nghiêm trọng hơn, hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiên, nhà sáng lập Công ty CP Trí tuệ nhân tạo Thế Hệ Mới (New AI), nhấn mạnh rằng để sử dụng AI hiệu quả, người dùng cần hiểu rõ mục đích và cách thức hoạt động của công cụ mình chọn. Quan trọng hơn, cần xác định công cụ đó có thực sự phù hợp với công việc và nhu cầu thực tế để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng AI như Veo 3, NoteBookLM của Google hay ChatGPT của OpenAI, việc một số người chưa nắm vững công cụ đã vội vàng mở khóa học kiếm tiền, dẫn đến việc dạy sai cách và đưa ra các lệnh không chính xác, khiến AI không thể cho ra kết quả đúng yêu cầu.
Ông Hiên so sánh tình trạng này với những người dạy Microsoft Word, Excel mà không hiểu rõ phần mềm, chỉ tạo ra kết quả sai lệch, làm người học mất niềm tin vào công nghệ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người học mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thị trường AI tại Việt Nam. "AI phát triển rất nhanh, một câu lệnh hôm nay có thể đã lỗi thời ngày mai. Do đó, người học cần tìm giảng viên có kiến thức chuyên sâu để sử dụng AI hiệu quả" - ông Hiên chia sẻ.
AI chỉ mạnh khi được sử dụng đúng cách
Ông Lê Hồng Đức, nhà sáng lập Công ty TNHH OneAds Digital, nhận định việc người dùng đổ xô sắm AI mà không có kiến thức nền tảng dẫn đến thực tế là sau một vài lần trải nghiệm không như kỳ vọng, nhiều người nhanh chóng từ bỏ vì cảm thấy "AI không hiệu quả".
Ông cũng cảnh báo về xu hướng dùng tài khoản chung, hoặc học từ các khóa bởi những chuyên gia tự phong, việc này sẽ khiến người dùng thao tác sai, hiểu sai và nhận kết quả sai. Theo ông, nếu xem AI là công cụ sản xuất nội dung, người dùng phải đóng vai trò như đạo diễn - có ý tưởng rõ ràng, mục tiêu cụ thể và sẵn sàng kiểm soát chất lượng đầu ra. "AI không thể thay thế tư duy con người, nó chỉ phát huy sức mạnh khi được dẫn dắt đúng cách" - ông Đức khuyến nghị.