Vụ Nick Út bị ngừng ghi nhận là tác giả bức ảnh "Em bé Napalm": Hàng trăm chữ ký đòi công bằng

(NLĐO) - Hàng trăm nhà báo, nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới đã ký tên gửi World Press Photo với mong muốn đòi công bằng cho Nick Út.

Những ngày gần đây, nhiều nhiếp ảnh gia từng là Chủ tịch, thành viên ban giám khảo cuộc thi ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) như: James Colton, Dave Burnett, Maria Mann đã lên tiếng ủng hộ Nick Út trong vụ ông bị ngừng ghi nhận là tác giả bức ảnh "Em bé Napalm".

Cụ thể, trong thư gửi đến World Press Photo, ông James Colton bày tỏ sự lo ngại trước quyết định của tổ chức này trong việc gỡ bỏ ghi nhận tác quyền của nhiếp ảnh gia Nick Út.

"Không ai trong số quý vị, kể cả tổ chức VII hay bộ phim "The Stringer", đã đưa ra được bằng chứng xác thực. Mọi kết luận đưa ra cho đến nay đều chỉ là giả định. Và quyết định của quý vị trong việc loại bỏ ghi nhận tác quyền cho Nick Út đã được đưa ra dựa trên sự nghi ngờ và giả định - chứ không phải trên những sự thật không thể chối cãi.

Vụ Nick Út bị ngừng ghi nhận là tác giả bức ảnh "Em bé Napalm": Hàng trăm chữ ký đòi công bằng - Ảnh 1.

Lập trường của James Colton đăng tải trên Facebook ngày 24-5. Ảnh: chụp màn hình

Chúng tôi không tuyên bố biết chắc ai là người đã chụp bức ảnh đó. Nhưng chúng tôi biết rằng việc cáo buộc một người mà không có bằng chứng không thể phủ nhận, rồi đưa ra quyết định tước bỏ quyền tác giả, là điều vô lý, không chính đáng và hoàn toàn sai lầm. Rất đơn giản: nếu có nghi ngờ, hãy giữ nguyên hiện trạng cho đến khi có bằng chứng khác - chứ không phải đình chỉ cho đến khi được chứng minh ngược lại" - lá thư này viết.

Ông James Colton đề nghị Hội đồng Giám sát và Ủy ban Cố vấn World Press Photo xem xét lại quyết định và khôi phục ghi nhận quyền tác giả vốn đã được duy trì suốt hơn 50 năm, cho đến khi có bằng chứng ngược lại.

Trong động thái thể hiện tinh thần ủng hộ với Nick Út, James Colton cho hay: "Nếu quý vị không đưa ra quyết định khôi phục quyền tác giả cho ông Nick Út, chúng tôi yêu cầu quý vị gỡ bỏ tên chúng tôi khỏi tất cả các trang web, tài liệu lưu trữ... như thể chúng tôi chưa từng tham gia với tư cách là Chủ tịch hay giám khảo các cuộc thi của quý vị".

Vụ Nick Út bị ngừng ghi nhận là tác giả bức ảnh "Em bé Napalm": Hàng trăm chữ ký đòi công bằng - Ảnh 2.

Nhiếp ảnh gia Nick Út và bà Phan Thị Kim Phúc hội ngộ tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP HCM vào tháng 2-2024. (Ảnh: Kim Ngân)

Đồng thời, nhiếp ảnh gia James Colton cũng công bố danh sách các nhà báo và nhiếp ảnh gia từng nhận Giải ảnh báo chí thế giới đã ký tên nhằm ủng hộ giữ tác quyền bức ảnh "Em bé Napalm" của Nick Út như: Sally Stapleton (giải thưởng World Press Photo năm 2000), Tim Rasmussen (Biên tập viên cao cấp mảng Ảnh báo chí - The Boston Globe), Callie Shell (giải Nhất Thể loại Con người trong tin tức năm 2009), Aristide Economopoulos (giải Nhì Thể loại Thể thao - Phóng sự năm 1998), Robert Clark (giải thưởng World Press Photo năm 2002), Frank Fournier (giải thưởng World Press Photo năm 1986)...

"Em bé Napalm" là bức ảnh ghi lại cảnh cô bé người Việt tên Phan Thị Kim Phúc ở Tây Ninh bị trúng bom napalm năm 1972. Hãng thông tấn AP ghi tên người chụp là nhiếp ảnh gia Nick Út. Năm 1973, ảnh được trao giải thưởng báo chí Pulitzer.

Đầu năm, phim tài liệu "The Stringer" của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Bảo Nguyễn đưa nghi vấn tác giả thực sự của bức ảnh là Nguyễn Thành Nghệ - người được cho là xuất hiện ở hiện trường nơi chụp ảnh. World Press Photo (Giải Ảnh báo chí thế giới) quyết định tạm ngừng công nhận ông Nick Út là người chụp "Em bé Napalm" để xác minh lại sự việc.