Vụ trạm thu phí gây bức xúc ở Núi Sam: Sửa sai cách nào?

(NLĐO) – Hành hương về Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam phải là một chuyến đi thanh thản, tự nguyện, trọn vẹn niềm tin, không bị vướng bận bởi trạm thu phí

Từ nhiều năm qua, các trạm thu phí tại Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã gây nhiều bức xúc trong dân. Du khách, dân hành hương lễ Bà Chúa Xứ, dù không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào từ đơn vị quản lý cũng bị buộc qua trạm, mua vé mới được vào cúng viếng.

Giải thích lòng vòng

Cách làm này không chỉ làm tổn thương lòng tin của du khách, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch An Giang – một địa phương vốn được biết đến với những giá trị tâm linh đặc sắc. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam cũng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vụ trạm thu phí gây bức xúc ở Núi Sam: Sửa sai cách nào? - Ảnh 1.

Một trạm thu phí của Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam

Cơ quan chức năng An Giang giải thích, Miếu Bà Chúa Xứ nằm trong quần thể khu du lịch quốc gia "đặc thù", có dân cư đan xen, không có hàng rào phân ranh rõ ràng, nên khách vào khu vực đều phải đóng phí vì đã "sử dụng tài nguyên du lịch". Tuy nhiên, lý giải này khó chấp nhận.

Miếu Bà Chúa Xứ từ lâu đã là một điểm hành hương, tín ngưỡng thiêng liêng, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ, từ trước khi có danh xưng "khu du lịch quốc gia". Hành trình viếng Bà là nét văn hóa truyền thống, không thể xem như hoạt động tham quan giải trí thông thường để áp dụng thu phí.

Không ai phủ nhận việc thu phí tham quan các danh lam, thắng cảnh, các di sản văn hóa, nhưng thu phí dịch vụ cần tuân thủ nguyên tắc "có dùng mới trả tiền, có đầu tư mới thu phí". Nếu khách chưa sử dụng dịch vụ nào, chưa được hưởng một giá trị gia tăng nào ngoài việc thực hiện nhu cầu tâm linh chính đáng, thì việc thu phí là sai nguyên tắc, thậm chí vi phạm quyền tự do đi lại, tự do tín ngưỡng của người dân.

Cách dựng trạm chắn ngang đường đi lễ tạo cảm giác bị cưỡng bức, gây bức xúc trong lòng du khách. Người dân hành hương không mong muốn phải trả tiền cho một quyền lợi vốn dĩ thuộc về tín ngưỡng truyền thống. Sự gượng ép đó không chỉ tổn hại tâm lý của từng người đi lễ, mà còn tổn thương đến niềm tin của cộng đồng.

Từ một điểm đến linh thiêng, thân thiện, Miếu Bà Chúa Xứ bị gán mác tiêu cực về cách hành xử với du khách. Trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến ngày càng gay gắt, một hình ảnh tiêu cực dù nhỏ cũng có thể làm du khách quay lưng. Các công ty lữ hành cũng lên tiếng, có thể họ sẽ cân nhắc trong việc thiết kế lại các tour, tuyến, điểm đến nếu câu chuyện này không được xử lý thỏa đáng. Cũng cần thấy tính kết nối trong một chuyến đi đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam với các điểm đến khác trong tỉnh An Giang. Khi du khách hành hương giảm, ảnh hưởng các điểm đến khác.

Xét về hiệu quả kinh tế, việc thu phí có mang lại nhiều lợi ích? Với hàng triệu du khách hành hương đến khu di tích Núi Sam viếng Bà Chúa Xứ hàng năm, nguồn thu lý thuyết ước tính 200 – 300 tỉ đồng/năm. Thế nhưng, chính các cơ quan quản lý địa phương cũng thừa nhận, nguồn thu thực tế không đủ để trả lương bộ máy vận hành, mua sắm, bảo trì cơ sở vật chất và càng không đủ để đầu tư sản phẩm du lịch mới. Một bài toán vừa sai về cách làm, vừa thất bại về hiệu quả kinh tế.

Xây dựng lại niềm tin

Khi niềm tin của du khách bị tổn thương, môi trường du lịch bị hoen ố, thì uy tín điểm đến cũng dần rạn nứt. Các cơ quan quản lý địa phương An Giang đã thừa nhận những bất cập và cam kết chấn chỉnh. Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin, cần có hành động cụ thể, minh bạch và quyết liệt.

Trước hết, phải công khai, minh bạch toàn bộ nguồn thu và chi phí từ trạm thu phí trong nhiều năm qua. Một cuộc thanh tra độc lập là cần thiết để trả lời công luận: số tiền thu từ khách hành hương đã đi đâu, có thất thoát hay sai phạm nào hay không? Minh bạch tài chính là bước đầu tiên để xây dựng lại niềm tin.

Cần kiên quyết chấn chỉnh phương thức tổ chức khu du lịch. Không được lặp lại tình trạng dựng rào, chắn đường "lùa dân" vào trạm thu phí. Phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, dù đó là đơn vị quản lý, doanh nghiệp khai thác hay cán bộ buông lỏng trách nhiệm. Chấn chỉnh quản lý du lịch cũng là để bảo vệ thương hiệu du lịch của chính địa phương.

Không chỉ dừng lại ở việc xử lý sự cố, An Giang cần có chiến lược đầu tư căn cơ hơn. Hạ tầng phục vụ khách hành hương – từ giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đến dịch vụ hỗ trợ – cần được đầu tư bài bản. Các sản phẩm du lịch tâm linh đặc sắc, phù hợp với nhu cầu thực sự của du khách, cần được chú trọng phát triển. Muốn thu hút du khách tự nguyện chi tiêu, phải có sản phẩm xứng đáng, chứ không thể bằng cách chắn đường, thu phí.

Sự việc tại các trạm thu phí Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam là bài học lớn cho công tác quản lý du lịch, không chỉ ở An Giang mà còn cho nhiều địa phương khác. Trong thời đại du lịch hiện đại, quyền tự do, sự tôn trọng đối với du khách, với nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Sửa sai không chỉ để chữa cháy một sự cố truyền thông, mà là để xây dựng lại nền tảng phát triển du lịch bền vững. Nếu tận dụng sự cố này như một cơ hội để cải cách, để lắng nghe, để thay đổi cách làm du lịch từ tận gốc, An Giang hoàn toàn có thể phục hồi hình ảnh, lấy lại lòng tin của du khách thập phương.

Điều quan trọng hơn cả là trả lại sự linh thiêng cho những hành trình tâm linh. Hành hương về Miếu Bà Chúa Xứ phải là một chuyến đi thanh thản, tự nguyện, trọn vẹn niềm tin – không bị vướng bận bởi rào chắn, trạm thu phí và những toan tính trần tục không đáng có.