Bảy năm không di dời được chợ Giãn Dân
Chợ Giãn Dân có diện tích gần 600 m2, nằm trên địa bàn phường Hiệp Thành, quận 12. Do sự không an toàn của khu chợ này, UBND TPHCM đã nhiều lần nhắc nhở địa phương di dời các tiểu thương. Năm 2000, UBND phường Hiệp Thành có kế hoạch di dời 112 tiểu thương sang chợ Hiệp Thành mới xây cách đó 500 m, nhưng đến nay cũng đành... bó tay.
O ép tiểu thương?
Đến khu phố 2, phường Hiệp Thành, quận 12, hỏi người dân về chợ tạm Giãn Dân, ai cũng mau miệng chỉ: “Cái chợ mà 7 năm địa phương di dời chưa xong hả? Đến ngã ba rẽ trái, thấy chỗ nào nhếch nhác, rác tứ tung là chợ đấy”. Quả thật, đúng như lời người dân nói, chợ chẳng ra chợ, đường dẫn vào bùn lầy nhơ nhớp, bọc ni lông, những tấm bạt rách rơi vãi tứ tung trên mỗi sạp hàng, ngay sau lưng người bán là cả đống rác chất cao như núi, khiến nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường rất cao. Đã vậy, quầy hàng tôm, cá bày bán vô tư trong cảnh nước bùn tù đọng.
Khi chúng tôi hỏi: “Chính quyền đã xây chợ mới sạch đẹp hơn, an toàn hơn và mời tiểu thương đến buôn bán sao không ai vào?”. Hầu hết tiểu thương đều khăng khăng: “Địa phương bố trí diện tích sạp không công bằng!”. Chị Dương Thị Rở, bán giá, hành trong chợ, bức xúc: Khi thành lập chợ Hiệp Thành, mục đích là đưa 112 tiểu thương của chợ cũ vào bán cùng với những người buôn bán hàng rong từ các địa phương lân cận. Thế nhưng UBND xã Hiệp Thành lại phân chia diện tích các sạp hàng quá nhỏ. Nhu cầu của tôi sử dụng đến 3 m2 sạp, nhưng đến chợ mới chỉ được bố trí từ 1,2 m2 đến 1,5 m2, quá nhỏ làm sao buôn bán. Trong khi xây chợ mới, phường đã hứa với quận và UBND TP là sẽ bố trí diện tích cho tiểu thương bằng nơi cũ, nhưng họ lại không thực hiện!? Chưa kể, việc sắp xếp các ngành hàng lại tréo ngoe: hàng thịt cho bán chung với hàng rau.
Lỗi của chính quyền
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Hiệp Thành mới được thiết kế chỉ có 89 sạp, 78 nền và 40 chỗ ngồi, nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương lại “xé nhỏ” ra, nâng tổng số sạp không hợp lệ lên 231 sạp. Chính điều này mà tiểu thương Phạm Thị Mận và nhiều tiểu thương khác cho rằng với cách bố trí sạp như vậy nên họ chưa đồng ý vào bán vì lo ngại nguy cơ cháy nổ trong chợ mới. “Bởi theo thiết kế hiện tại, lối đi vào hai bên chợ đều bị bít, cả lối thoát hiểm cũng bít luôn, khi cháy không biết đường nào mà chạy”- bà Mận lo lắng.
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng Phòng Kinh tế quận 12, về việc “đẻ” ra 231 sạp không hợp lệ, khiến diện tích các sạp hẹp lại, bà Phượng cho biết: “Nguyên nhân chính là do UBND phường Hiệp Thành quản lý lỏng lẻo khiến những người bán hàng rong đến lập sạp rồi buôn bán cố định, rất khó dẹp”. Bà Phượng cũng thừa nhận việc “mọc” thêm các sạp này khiến chợ quá tải, lối ra vào hai bên chợ ken kín, bít lối thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ, rất nguy hiểm.
Theo bà Phượng, chợ Hiệp Thành là do phường quản lý, UBND quận 12 nhiều lần nhắc nhở phường dẹp bỏ 231 sạp này, nhưng họ vẫn chưa dẹp được. Để cứu vãn tình thế, sắp tới, UBND quận 12 có phương án tìm khu đất mới rộng khoảng 3 ha bố trí toàn bộ tiểu thương chợ Giãn Dân và 231 sạp dư thừa sang buôn bán. Trước mắt, trong năm nay, quận sẽ bố trí tạm thời số tiểu thương này sang chợ An Sương hoặc chợ Thới An, quận 12.