Có hay không áp lực thư tay khi duyệt quy hoạch?
(NLĐO)- Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên sáng 6-7, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM Trần Chí Dũng bị các đại biểu HĐND “bao vây” quanh hiện trạng nhà cao tầng dồn quá nhiều vào khu trung tâm TPHCM.
Theo giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tấn Bền, từ năm 2007 đến tháng 6-2010, Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng 114 công trình với diện tích gần 1,4 triệu m2. Trong đó, các quận 1, 3 có 71 công trình (chiếm 75%). |
Theo ông Dũng, trách nhiệm của Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) là cung cấp thông tin cho các dự án theo quy hoạch đã được duyệt. Đối với khu vực
chưa có quy hoạch, nếu công trình ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, sở có trách nhiệm xin ý kiến của Hội đồng QH-KT TP.
Theo đại biểu (ĐB) Ngô Minh Hồng, nghịch lý về quy hoạch thể hiện ở chỗ nhiều cao ốc mọc lên cạnh những con đường bé xíu, gây kẹt xe nghiêm trọng. Với con số 75% nhà cao tầng dồn vào khu trung tâm, ĐB Hồng chấn vấn: “Có hay không áp lực từ thư tay hay cuộc gọi khi duyệt dự án?”.
Trước nhận định chắc nịch quy hoạch nhà cao tầng ổn và không sai phép của hai giám đốc Sở Xây dựng và QH-KT, ĐB Nguyễn Thế Thanh phản ứng: “Thử nhìn công trình mọc lên hai bên đường Đồng Khởi, Lê Duẩn sẽ thấy rõ ổn hay không. Ngay cả khách sạn Caravell sau khi xây mới cũng không hài hòa với kiến trúc của Nhà hát TP. Không hiểu sao các Sở cứ bảo không có vấn đề gì”.

Giám đốc Sở QH-KT Trần Chí Dũng (Ảnh: T.Thạnh)
Bình Quới-Thanh Đa: Không phải giao quận là xong!
Giải đáp vấn đề nhiều ĐB quan tâm về khu quy hoạch treo Bình Quới-Thanh Đa, ông Trần Chí Dũng cho biết các hộ dân ở đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về mặt quy hoạch, TP cũng giao UBND quận Bình Thạnh thực hiện QHCT 1/2000. ĐB Nguyễn Văn Minh phản bác: “Không nên đẩy cho quận Bình Thạnh làm QHCT vì đây là dự án quá lớn, tương đương Thủ Thiêm. Theo tôi, Sở QH-KT phải phối hợp với quận để thực hiện QHCT 1/2000”. |
Ông Trần Chí Dũng đã không trả lời cụ thể các câu hỏi mà chủ yếu viện dẫn quy định này, hướng dẫn khác của chính phủ về quy hoạch. Điều này khiến các ĐB không hài lòng.
ĐB Huỳnh Công Hùng nhắc nhở: “Nếu giám đốc hai sở khẳng định không có công trình nào ở khu trung tâm xây dựng sai phép, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP sẽ đi giám sát”.
“Giải bài toán giao thông không chỉ có Sở GTVT”
Đó là giải thích của Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng trước câu hỏi của ĐB Võ Văn Sen về vấn đề hạn chế xe cá nhân.
“Chúng tôi không bó tay, Sở đã trình đề án giảm ùn tắc giao thông tầm nhìn đến năm 2020 cho UBND TP. Tuy nhiên, giải bài toán này cần sự phối hợp của nhiều sở, ngành và hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ GTVT chứ không riêng gì Sở GTVT TPHCM”, ông Phượng nói.
Theo ông Phượng, một số giải pháp hạn chế xe cá nhân được đưa ra là: phát hành quota mua xe mới khi xe cũ hết hạn sử dụng; xây dựng những tuyến đường cấm hẳn xe máy; tăng phí trước bạ, phí đăng ký, phí lưu hành đối với xe máy… Song song đó sẽ cải tiến chất lượng phục vụ của xe buýt, taxi…

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng (Ảnh: T.Thạnh)
ĐB Nguyễn An Bình chất vấn, “Không có thành phố nào 7 triệu dân mà không có đường trên cao như TPHCM. Sở có đề án giải quyết tình trạng kẹt xe trong tương lai chưa?”.
Ông Phượng cho biết, “Thấy rõ nguy cơ này TP đã có đề án xây dựng 4 đường trên cao nối 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và đã mời các nhà đầu tư nghiên cứu. Vướng mắc hiện nay là phương án trả nợ cho nhà đầu tư, bởi chi phí đầu tư các dự án trên lên đến 800 triệu USD”.
Ông Phượng cũng đưa ra những con số khá lạc quan chứng tỏ hiện nay TPHCM không có công trình “rùa” vì giải ngân vốn trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 60% kế hoạch.
Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm sắp về đích, như cầu Thủ Thiêm đã xong giai đoạn 2, hoàn thành các cây cầu trên đại lộ Đông Tây, lai dắt thành công 4 đốt hầm Thủ Thiêm…Về rào chắn, đến ngày 5-7, toàn TP chỉ còn 115 vị trí, giải 85% so với 6 tháng đầu năm 2009.
Đồng loạt “đội” chi phí
Không hẹn mà gặp, cả hai ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa và Trương Trọng Nghĩa đều chất vấn Sở GTVT về hầm chui Văn Thánh. ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa hỏi: “142 tỉ đồng ngân sách TP tạm ứng để sửa chữa hầm chui đã được trả chưa?”, còn ĐB Trương Trọng Nghĩa thắc mắc: “Có thông tin muốn sửa chữa rốt ráo hầm chui Văn Thánh phải cần thêm 100–300 tỉ đồng. Ai chịu trách nhiệm lãng phí này?”.
Ông Phượng nhận định đây là sai sót của chủ đầu tư, TP đã lập đoàn thanh tra đi kiểm tra. Riêng số tiền sửa chữa đội lên, theo ông Phượng là do phải xử lý lún triệt để bằng phương pháp mới và nối thêm nhịp cầu để đảm bảo an toàn.
Ông Phượng cũng dành hẳn 5 phút để trả lời câu hỏi vốn đầu tư dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên từ 1 tỉ USD lên 2 tỉ USD. Đó là do dự án được nghiên cứu từ năm 2003 nhưng đến cuối năm 2006 mới có dự toán. Đến năm 2009 thì vốn đội lên hơn 2 tỉ USD, do giá vật tư tăng và phải tính toán thêm một số yếu tố chưa nghiên cứu như: kết nối với các tuyến metro khác, thay đầu máy, toa xe cho an toàn hơn… |
Chiều nay, sau phần trả lời chất vấn của Sở Thông tin-Truyền thông, đích thân Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước kỳ họp.