Cơ quan điều tra vào cuộc

Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh đã tiến hành thu thập tài liệu và chứng cứ tại hiện trường

Liên quan đến sự cố gãy dầm cầu vượt sông Chợ Đệm (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh – TPHCM) nằm trong dự án đường cao tốc TPHCM-Trung Lương (Báo NLĐ ngày 11-3 đã thông tin), sáng 11-3, cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh, VKSND huyện Bình Chánh và đại diện nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát đã có mặt tại cầu Chợ Đệm để lập biên bản hiện trường.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Trọng Tuấn cho biết Công an TPHCM đã giao Công an huyện Bình Chánh tiến hành điều tra vụ việc này và hiện các cơ quan chức năng đang thu thập tài liệu và chứng cứ tại hiện trường.

img
Đơn vị thi công, chủ đầu tư kiểm tra lại công trình cầu vượt sông Chợ Đệm vào sáng 11-3. Ảnh: T.Hồng


Giám định chất lượng bê tông


Tại hiện trường, khi báo chí đặt vấn đề: Khối bê tông nặng 70 tấn nhưng dễ dàng gãy đôi, phải chăng chất lượng bê tông có vấn đề, ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận), cho biết: “Nội bộ chúng tôi khẳng định đây là tai nạn lao động. Tuy nhiên, về chất lượng khối bê tông sau khi cắt xuống sẽ có cơ quan giám định của Bộ GTVT kiểm tra. Kết quả thế nào, trách nhiệm thuộc về ai chúng tôi sẽ xem xét”.

Cũng theo ông Dũng, trước khi đưa vào sử dụng, cầu sẽ được thử tải, quá trình thử tải sẽ có khâu kiểm tra chất lượng bê tông trước khi cầu thông xe vào tháng 6-2009! Xung quanh chất lượng bê tông, chúng tôi cũng đặt nghi vấn này với ông Đặng Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, ông Thành cho rằng “trước mắt chưa thể khẳng định chất lượng bê tông có vấn đề, phải chờ kết quả giám định”.


Ông Dũng cũng cho biết PMU Mỹ Thuận đã mời Công ty 620 Châu Thới đến xem xét, hỗ trợ phương án tháo dỡ khối bê tông bị rơi xuống sông và khối đang treo lơ lửng trên cầu. Về phương án tháo dỡ, ông Hà Thanh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty 620 Châu Thới, cho biết trong ngày 11-3 đã điều 2 cẩu nổi từ công trình cầu Phú Mỹ đến, một cẩu loại 80 tấn và một cẩu loại 130 tấn, dự kiến trưa 12-3 sẽ có mặt tại hiện trường. Công việc tháo dỡ sẽ hoàn thành trong hai ngày. Về chi phí tháo dỡ, phía chủ đầu tư và đơn vị thi công đã mời công ty bảo hiểm ứng trước tiền. Ước thiệt hại ban đầu gần 1 tỉ đồng.


Lập đoàn công tác để làm rõ nguyên nhân


Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì cuộc họp với các bên liên quan. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu nhanh chóng khắc phục sự cố, sớm đưa công trình vào thi công lại. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra xác định nguyên nhân và đề ra các biện pháp khắc phục, xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Tổ chức tang lễ chu đáo và hỗ trợ gia đình công nhân tử vong và công nhân bị thương.


Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thi công thực hiện nghiêm quy trình về an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, thành lập ngay đoàn công tác gồm cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, phó chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, Thanh tra Bộ GTVT vào làm việc tại hiện trường để tiếp tục làm rõ nguyên nhân và trực tiếp giải quyết các công việc liên quan sau sự cố.


Công nhân Trần Văn Thảnh đã tử vong


Công nhân Trần Văn Thảnh (24 tuổi, ngụ Nam Định) do bị thương quá nặng đã tử vong vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 10-3 tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM). Đại diện đơn vị thi công cho biết đã mua vé máy bay cho người nhà nạn nhân vào để đưa xác nạn nhân về quê an táng.

Riêng công nhân Trần Đình Trung (21 tuổi, tạm trú Bình Chánh) cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã được chuyển sang Khoa Chấn thương sọ não để tiếp tục theo dõi điều trị. Anh Trung bị chấn thương sọ não đỉnh phải nhưng mức độ tổn thương nhỏ, không nguy hiểm tính mạng.


Thạnh-Nguyệt


Ý kiến chuyên gia


Qua xem xét những hình ảnh do Báo NLĐ cung cấp cũng như quan sát tại hiện trường, các chuyên gia ngành cầu đường đã đưa ra những giả thuyết về nguyên nhân sự cố gãy dầm cầu vượt sông Chợ Đệm.


Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng TPHCM: Qua sự cố này, những vấn đề cần được phân tích kỹ để làm rõ nguyên nhân. Thứ nhất, cấu kiện bê tông lớn thì không được lắp trong trường hợp xuất hiện gió lớn. Thứ hai, bê tông mác 600 trở lên, cứng như thép thì làm sao chỉ một va đập là gãy hay cong được?

Ở đây có yếu tố đơn vị thi công tự đúc mới là vấn đề đáng lo. Do đó cần xem xét lại  lượng thép và chất lượng có đủ không, chất lượng của bê tông, việc đổ bê tông và bảo dưỡng có đúng cách chưa? Thứ ba, đó là sự chủ quan, một công trình lớn như thế mà để cho công nhân chỉ có tay nghề bậc 4 thực hiện thì việc lắp lệch hoàn toàn có thể xảy ra!


- Một giảng viên cầu đường tại một trường đại học ở TPHCM (đề nghị không nêu tên): Nếu loại trừ khả năng chất lượng bê tông kém thì nguyên nhân chính là do độ cứng của kết cấu thép trong dầm có vấn đề. Có thể trong quá trình thi công, để tạo chiều dài cho từng thanh thép trong dầm buộc phải hàn nối với nhau.

Về nguyên tắc, độ cứng ở các mối nối phải cứng hơn chỗ khác, chưa kể khi đưa vào kết cấu phải hàn cho các thanh thép so le. Tuy nhiên, rất có thể do đơn vị thi công trong quá trình đúc dầm đã sắp xếp các thanh thép mà mối nối cùng nằm một chỗ nên khi gặp chấn động đã gãy ngang.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xác định chính xác nguyên nhân, điều quan trọng là cần phải trục vớt thanh dầm số 9.

K.Long ghi