Đào đường nước rút, dân lãnh đủ

Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè thừa nhận trước đây đã thiếu tính toán trong việc tổ chức thi công, chỉ lo đào các tuyến phụ và “để dành” các tuyến chính. Nay nhằm đạt khối lượng thi công để được giải ngân, buộc phải chọn đào những tuyến “dễ nuốt”...

Ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM tiếp tục diễn biến trên diện rộng và ngày càng phức tạp, đặc biệt là một số quận: Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, 1, 3, 5, 10... Nguyên nhân chính là do việc triển khai đào đường quá nhiều, trong đó dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè chiếm đa số vì phải thi công gấp để cuối năm nay kết thúc hiệp định vay vốn ODA. 

img
Kẹt xe tại đường Trương Định, quận 3 – TPHCM. Ảnh: N.HỮU

Kẹt, kẹt nữa, kẹt mãi!


Sáng 8-4, giữa biển người tại giao lộ Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng, chúng tôi chỉ còn cách leo lên lề đường để tránh cảnh dừng chờ bị “sặc” hơi xăng, mắt cay sè vì bụi. Thế nhưng, phải qua hai chu kỳ đèn đỏ chúng tôi mới vượt qua được rào chắn án ngữ ở ngã tư Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng.

Thiếu úy Nguyễn Trung Hậu, Đội CSGT số 2, lắc đầu: “Người dân biết đường này có rào chắn đã né bớt mà vẫn còn đông như vậy. Hướng Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Đình Chiểu đã hứng bớt cho đường Võ Thị Sáu nên bây giờ khu vực đó cũng bị ùn”.

Rào chắn đã tạo ra nút thắt cổ chai ngay tại ngã tư Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng, mỗi bên chỉ đủ rộng cho 2-3 xe gắn máy chạy nên xe chỉ đi qua “nhỏ giọt”, dòng xe vẫn cứ nối đuôi kéo dài.

Chúng tôi vừa thở phào vì thoát ra khỏi rào chắn ở Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng thì lại tiếp tục đụng rào chắn ở ngã tư Võ Thị Sáu – Pasteur. Rào chắn này cũng đang đà tiến về phía ngã tư Võ Thị Sáu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, báo hiệu cho những ngày kẹt xe sắp đến! 


Theo thông báo của Sở GTVT, hôm nay một rào chắn sẽ tiếp tục mọc lên trên đường Võ Thị Sáu (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến Hai Bà Trưng). Như vậy không biết người dân sẽ mất bao nhiêu phút để có thể đi qua đoạn này?


Không riêng gì đường Võ Thị Sáu, đường Cách Mạng Tháng Tám cũng kẹt xe không kém vì hai rào chắn nằm chình ình tại giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần, Cách Mạng Tháng Tám – Điện Biên Phủ. Rào chắn tại giao lộ Cao Thắng – 3 Tháng 2 cũng không “thua chị kém em” vì lưu lượng giao thông trên đường 3 Tháng 2 luôn thuộc vào hàng top!

img
Cảnh kẹt xe thường xuyên trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: N.Hữu


Tính toán không hợp lý


Ngoài hai tuyến đường cửa ngõ Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám bị rào chắn chiếm đóng, đường Trường Chinh, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Văn Trỗi, Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng cùng chung số phận. Mỗi tuyến đường đều có từ 2 đến 6 rào chắn án ngữ.

Điển hình là đường Lê Văn Sỹ, hai rào chắn dài mấy chục mét “khóa chặt” hai đầu cầu Lê Văn Sỹ khiến cho lượng ô tô nằm chờ kéo dài vắt qua cầu. Đã vậy, phần đường dành cho xe lưu thông còn biến dạng lỗ chỗ và nhớp nháp sình lầy.


Một điều dễ nhận thấy là những đường bị đào lại là những tuyến đường huyết mạch, nằm ở cửa ngõ và có lưu lượng giao thông rất lớn. Trong khi đó, rào chắn trên các tuyến đường này lại hay nằm ở chỗ “hiểm” như ngã ba, ngã tư, đầu cầu. Một yếu tố nữa khiến kẹt xe gia tăng là chiều dài đường bị đào trong năm 2009 lên đến 75 km, tăng 26 km so với năm 2008. 

Theo Ban An toàn  giao thông TPHCM, trong quý I/2009, toàn TP xảy ra 15 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2008.


Suy cho cùng, những yếu tố dẫn đến kẹt xe là do sự tính toán không hợp lý trong việc thi công đào đường. Theo Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sở dĩ đồng loạt đào các tuyến đường cửa ngõ vì đó đều là những tuyến đường phải đào để dẫn nước ra kênh, hoàn thành dự án.

Ban Quản lý dự án cũng thừa nhận trước đây đã thiếu tính toán trong việc tổ chức thi công, chỉ lo đào các tuyến phụ và “để dành” các tuyến chính. Nguyên nhân dẫn đến việc trên là do dự án được triển khai trong một thời gian dài (hiệp định vay vốn có hiệu lực từ năm 2003) nhưng đến năm 2007 khối lượng đạt được lại quá ít (đồng nghĩa với việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả) nên Ngân hàng Thế giới đã đề nghị xem xét lại có nên cho Việt Nam tiếp tục vay vốn hay không.

Sau quá trình thương thảo, Ngân hàng Thế giới đồng ý tiếp tục hiệp định vay vốn với điều kiện tiến độ dự án phải được cải thiện. Cụ thể là từ ngày 15-11-2007 đến 31-5-2008, dự án phải đạt được một số chỉ tiêu nhất định về số tiền giải ngân và khối lượng thi công.

Chính vì để được tiếp tục gia hạn hiệp định, Ban Quản lý dự án phải chọn phương án đào những tuyến đường “dễ nuốt” để đạt khối lượng mà Ngân hàng Thế giới yêu cầu và hậu quả là người dân lãnh đủ.

Biết kêu ai!


Nhà tôi ở đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình - TPHCM. Hằng ngày tôi đi làm theo lộ trình: Trường Chinh - Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng hỡi ơi có chỗ nào để đi nữa đâu! Suốt chặng đường có quá nhiều “lô cốt” chiếm 1/2 lòng đường, phần còn lại dành cho xe buýt và ô tô, còn xe 2 bánh cứ vỉa hè mà leo để thoát kẹt xe. Nhưng khổ nỗi, lên lề rồi cũng phải xuống lề, vậy là dồn cục nơi ngã ba, ngã tư để... kẹt tiếp. “Lô cốt”, “lô cốt” và “lô cốt”, khổ lắm biết kêu ai!?

Nguyễn Minh Quân (minhquanvn@gmail.com)


90 phút, di chuyển... 13 km!


Có ai tin nổi để đi khoảng 13 km từ Bình Chánh về ngã tư Bảy Hiền mà chúng tôi phải mất 90 phút? Ngày nào cũng thế, hai buổi sáng và chiều. Quả thật chúng tôi quá mệt mỏi và bất lực. Có lẽ HĐND TP nên vào cuộc và UBND TP nên mạnh tay giải quyết, nếu không chúng tôi... oải lắm rồi!

Phạm Sanh (phams2005@yahoo.fr)


Phải có hướng dẫn tránh kẹt xe!


Tôi cho rằng để tránh kẹt xe tại giao lộ có “lô cốt” giao cắt với đường hai chiều, các đơn vị thi công nên khảo sát và đề nghị chỉ cho lưu thông theo một chiều ở phần diện tích còn lại của đường hai chiều. Các loại xe lưu thông bị giới hạn không cho phép lưu thông bắt buộc phải thực hiện rẽ ở trước giao lộ có “lô cốt” để đi vòng, mới mong tránh kẹt xe được. Nên có băng rôn hướng dẫn người dân thực hiện đi vòng để tránh kẹt xe. Việc này tuy buộc phải đi quãng đường dài hơn nhưng sẽ ít gặp kẹt xe hơn, do đó tâm lý lái xe cũng sẽ thoải mái hơn.
Tuấn Duy (duy22000@yahoo.com)