Do TP Đà Lạt đang phát triển theo hướng phình to về quy mô nhưng lại xuống cấp về chất lượng nên các chuyên gia địa ốc cho rằng giá trị nhà đất ở đây sẽ khó tăng “nóng”
Trong xu thế đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch đang trở thành mốt thời thượng tại Việt Nam, thị trường nhà đất tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết vì đây là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch của cả nước. Tuy nhiên, nếu muốn đầu tư để sinh lời ngay thì cần hết sức cẩn trọng, bởi có nhiều yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sự tăng trưởng của thị trường nhà đất Đà Lạt.
Ồ ạt ra dự án
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ các đơn vị tư vấn bất động sản tại TPHCM, tính đến tháng 8-2010, toàn TP Đà Lạt có 63 dự án bất động sản được đầu tư với hai loại hình nhà ở chủ yếu là căn hộ và biệt thự.
Trong đó, tổng diện tích đất được đưa vào triển khai dự án hơn 2.740 ha với tổng vốn đầu tư hơn 14.780 tỉ đồng. Trong đó, dự án mới nhất vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chấp thuận cho Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long (STL) được triển khai đầu tư xây dựng tại một thung lũng rộng 86 ha tại phường 8, TP Đà Lạt.
Theo đó, với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 2.000 tỉ đồng, khu dân cư gồm 600 biệt thự cao cấp, 200 nhà biệt lập, 1.000 căn hộ và các công trình công ích như các khu vui chơi, thương mại, trường học, bệnh viện... Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Một dự án biệt thự được chào bán tại TP Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Trần
Tính đến hết quý II/2010, thị trường nhà đất Đà Lạt còn có 2 dự án biệt thự đang bán gồm 31 căn, 3 dự án biệt thự cho thuê gồm 34 căn, một dự án căn hộ để bán với 30 căn và một dự án đất nền để bán gồm 16 lô. Giá bán trung bình của biệt thự ở Đà Lạt vào khoảng trên dưới 10 tỉ đồng/căn, căn hộ là 1,7 tỉ đồng/căn và đất nền là hơn 7,5 triệu đồng/m2.
TP Đà Lạt có dân số không đông, tốc độ tăng dân số khá đều trong những năm gần đây, trung bình khoảng 1,6%/ năm, do đó nhu cầu về nhà ở là có thực ở Đà Lạt. Thế nhưng, sản phẩm chủ lực của các dự án lại là biệt thự và căn hộ cao cấp nên chỉ có Việt kiều và người có thu nhập cao tại Hà Nội và TPHCM mới có khả năng sở hữu.
Mất thế độc tôn
Được coi là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng ở Việt Nam, TP Đà Lạt nằm trên độ cao 1.500 m so với mực nước biển với rừng thông bạt ngàn, khí hậu quanh năm mát mẻ, có nhiều thắng cảnh, hàng ngàn biệt thự cổ kính... Tất cả những điều đó tạo thành thế độc tôn và là tài sản vô giá của Đà Lạt. Song, vị thế độc tôn này bị mất dần bởi Đà Lạt chưa biết hướng vào yếu tố bền vững để phát triển. Số lượng du khách hiện mỗi năm không vượt quá 2,5 triệu lượt.
Do vậy, với 43.000 giường nghỉ của 12.000 phòng tại 770 cơ sở lưu trú Đà Lạt, mỗi năm công suất hoạt động chỉ đạt 58%. Chưa kể TP Đà Lạt còn đang bị mất dần bởi rừng thông ngày càng thu hẹp, nhiều thắng cảnh (như thác Prenn, Cam Ly...) bị xuống cấp đến mức khó cứu vãn nổi... Bên cạnh đó, tình trạng phát triển xây dựng tràn lan nhà ống tại khu trung tâm với kiến trúc hiện đại và thực dụng, nạn xâm lấn khuôn viên biệt thự để xây cất các công trình nhà ở, cơi nới công trình vô tội vạ... làm cảnh quan kiến trúc biến dạng.
Tại cuộc hội thảo “Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng” vừa được tổ chức vào tháng 3-2010, không ít nhà quản lý du lịch, kể cả một số vị đại diện chính quyền địa phương, đã đưa ra lời cảnh báo: Hãy coi chừng du lịch Đà Lạt bị “bội thực” bởi những biệt thự cao cấp. Trong vòng 6 năm qua, tỉnh này đã thu hút đến 240 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch (phần lớn nằm trên địa bàn TP Đà Lạt) với tổng vốn đăng ký khoảng 63.000 tỉ đồng.
Theo tính toán, trong một tương lai gần, những rừng thông xanh mướt ở Đà Lạt sẽ phải nhường chỗ cho 45.000 căn biệt thự và hầu hết là biệt thự cao cấp. Điều rất đáng lo ngại hiện nay là Đà Lạt đang phát triển theo xu hướng phình to về quy mô nhưng lại xuống cấp về chất lượng. “Giá trị nhà đất ở xứ sở ngàn hoa này sẽ khó tăng “nóng” và đầu tư để sinh lợi ngay như quảng cáo của các nhà môi giới nhà đất là một việc rất khó...” - các chuyên gia địa ốc cảnh báo.
Quy hoạch lại TP Đà Lạt?
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh có chủ trương mời Viện Thiết kế quy hoạch đô thị Paris và một công ty thiết kế quy hoạch uy tín của Pháp thực hiện việc quy hoạch lại TP Đà Lạt.
Nếu thỏa thuận được, những chuyên gia đô thị Pháp sẽ có mặt ở Đà Lạt trong năm 2010 để khảo sát hiện trạng đô thị này.
Đà Lạt là đô thị đã được thiết kế quy hoạch bài bản từ năm 1923, với bản vẽ đầu tiên do kiến trúc sư Pháp Ernest Hébrad thực hiện.
Năm 2009, UBND TP Đà Lạt cũng đã triển khai đề án điều chỉnh quy hoạch đô thị này với nội dung chính là điều chỉnh hệ thống vành đai, tăng diện tích khu nội ô Đà Lạt lên gấp hai lần hiện nay, từ 2.730 ha lên 5.104 ha.
T.Hợp |