Động đất gây dư chấn tại TPHCM

Đã từng xảy ra động đất mạnh 7 độ Richter, gây sóng thần

Sáng 23-6, nhiều người dân trên địa bàn TPHCM đã cảm nhận được một dư chấn nhẹ từ lòng đất. Đặc biệt, người dân sống và làm việc trên các tòa nhà cao tầng đã cảm nhận rõ rệt hơn những chấn động này.

 
TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), cho biết những dư chấn này xuất phát từ một vụ động đất mạnh khoảng 4,7 độ Richter, cách bờ biển khoảng 150 km.
 
Theo ghi nhận của trung tâm trên, trận động đất này không có gì bất thường. Bởi khu vực vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết (Bình Thuận) hằng năm đều có động đất với cường độ từ 4,7-5,2 độ Richter. Trong năm 2007 và 2008, mỗi năm xảy ra 4-5 lần động đất.
 
Theo GS-TSKH Lâm Minh Triết, Viện Vật lý TPHCM: Trận động đất sáng nay tại vùng biển Bình Thuận nằm trong hệ đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải. Đây là một trong những hệ đứt gãy hoạt động mạnh nhất của 14 hệ đứt gãy khu vực miền Nam. Tuy nhiên, PGS-TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Địa chấn châu Á, Tổng Thư ký Hội Địa vật lý Việt Nam, lại cho rằng trận động đất ngày 23-6 không nằm trong hệ đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải mà là hệ đứt gãy Nam Côn Sơn.
 
Hiện giới khoa học có hai quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng các hệ đứt gãy trên không gây ra động đất mạnh. Điều này được minh chứng từ những vụ động đất quan sát được tương đối nhẹ. Quan điểm thứ hai cho rằng các hệ đứt gãy của khu vực này có thể gây động đất mạnh. Và đưa ra ví dụ cụ thể vào năm 1877 và 1882, tại vùng biển Bình Thuận đã xảy ra động đất mạnh, gây ra sóng thần. Tài liệu của Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ ghi nhận hai trận động đất này có cường độ 7 độ Richter. Do vậy, động đất gây ra bởi hệ đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải có thể mạnh đến 7,5 độ Richter, đứt gãy Nam Côn Sơn có thể yếu hơn nhưng cũng từ 6 - 6,5 độ Richter.
 
Theo PGS-TS Cao Đình Triều: Khó khăn lớn nhất của Việt Nam là chưa có đủ các trạm cảnh báo mà đa số lại tập trung tại phía Bắc. Ngay tại khu vực Bình Thuận, Vũng Tàu với các đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải, Nam Côn Sơn vẫn chưa có trạm nào. Trạm gần nhất là ở Nha Trang, Đà Lạt... Về năng lực các trạm của Việt Nam chỉ ở mức tàm tạm, chưa thể tự giải quyết được mà phải dựa vào thế giới, như Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), hệ thống quan trắc động đất toàn cầu (GEOFON)...
 
Việc hai cơ quan này chưa đưa lên mạng của mình trận động đất 4,7 độ Richter ở vùng biển Bình Thuận này có thể do nhỏ bé và không nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm được chú ý của động đất và có thể gây thiệt hại phải trên 5 độ Richter. Xét theo các trận động đất lớn đã được lịch sử ghi nhận có tính chu kỳ, vào năm 1822, 1877, 1923 và trong những năm gần đây khu vực này liên tục xảy ra những trận động đất nhỏ thì cần phải đặc biệt chú ý, theo dõi. Có thể đây là dấu hiệu cho một chu kỳ động đất mạnh mới.

Xây nhà máy điện hạt nhân có an toàn?

Một trong những lo ngại là khu vực xảy ra động đất rất gần với khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo TS Lê Huy Minh, năm 2007, có vụ động đất mạnh 5,1 độ Richter gần khu vực này. Cường độ này vẫn nằm trong khả năng cho phép. Tuy vậy, trước khi triển khai xây dựng, trung tâm sẽ tiếp tục làm khảo sát kỹ lưỡng, bổ sung mạng lưới quan sát địa chất và động đất để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.