Đường thơm

Cùng với vô vàn gió Xuân phơn phớt lạnh thổi qua đồng bãi là những con đường thơm chất ngất khói bay, như cám dỗ dẫn dắt trí nhớ tôi chạy về làng. Một buổi trưa không biết ở thời nào / Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao.

Đấy là con đường thơm siêu thực của thi sĩ Huy Cận, còn những con đường thơm của tôi, nó vừa cụ thể như màu nắng vàng mật gieo vãi ánh sáng trên khắp mọi lối quê vừa hư vô hòa tan trong tâm hồn thành bến bờ vĩnh cửu cho mọi nỗi nhớ đổ về.
 
Đường qua cánh đồng mía ngọt lịm hơi hướm dẫn về quê ngoại, đường vang lừng đứng trên bờ sông “hò dô ta” đến vỡ giọng theo những cuộc đua ghe tưng bừng trên sông nước, đường thả giấc mơ bay lên đua với những cánh diều trên cồn bãi ven sông quê nội...
 
Trong tất cả những con đường ấu thơ thơm ngát và vô tận ấy thì một lối nhỏ từ ngõ nhà tôi dẫn ra bến sông quê là con đường xưa hơn hết trong mọi lối xưa!
 
Con đò ngang chở tôi qua dòng sông chảy quanh quất ở một miền quê ngoại ô thành phố bây giờ, nào có phải là chuyến trở về cái bến quê ngày xưa của tôi đâu mà ký ức lại lấp lánh hồi quang đến thế. Thì ra gió Xuân biết đánh thức từng quá khứ, biết gợi mở từng tâm tưởng. Khách ngồi trên đò, hầu như mọi câu chuyện Tết đều dốc về nguồn cội xa lắc ở thời nào.
 
Cái mùi hương từ đám cúng tất niên bên bến sông lan xa trong gió đưa như chưng cất thanh lọc mọi tâm hồn bay lên dặt dìu theo từng điệu nhớ. Tiếng hát khe khẽ của một cô gái nào đó ngồi phía mũi thuyền cất lên như thỏ thẻ một niềm cảm xúc: Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến Xuân...
 
Sương mênh mông che lấp kín non xanh. Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng Xuân (Bến Xuân – Văn Cao)... Tôi cũng muốn hòa với giọng hát kia như cộng hưởng một tiếng vang ngân của niềm xao xuyến, thế nhưng ông lái đò lại dẫn dắt tôi về một bờ bến mà nhắm mắt lại nhìn xa, tôi lại thấy mồn một tuổi thơ của mình, cũng trên cái bến nước như thế này đây.
 
Ông lái đò nói với tôi rằng ngày Tết ngày Xuân, người về thăm quê, người đi chơi Xuân qua bến sông đông vui hơn mọi ngày. Còn ông làm nghề đánh bắt cá trên sông này đã hơn ba mươi năm rồi, gặp ai muốn được qua lại thăm thú cảnh quan nơi này thì ông đưa khách qua lại kiếm thêm chút đỉnh tiền công chứ chẳng phải nghề nghiệp đò giang gì. Dù vậy, tôi vẫn được nghe ông kể lại những tục lệ xưa nơi đây.
 
Cũng giống như ở quê tôi, hằng năm, những người vạn đò sinh sống trên sông nước đến ngày Tết đều tổ chức lễ cúng mãn mùa trên bến sông. Họ thả những chiếc bè chuối sắp sẵn lễ vật cho trôi ra giữa dòng. Chi tiết này nhắc tôi nhớ lại cái bến quê thơm lừng khói hương giữa ngút ngàn sương khói thời gian.
 
Ngày xưa, cứ mỗi khi đi xem những lễ cúng mãn mùa như thế, tôi và lũ con nít cùng xóm mình trần trùng trục, vừa hò reo vừa bơi ra giữa dòng sông vớt những chiếc bè chuối còn cháy đỏ hương đèn để lấy đồ cúng trên bè chia nhau ăn một cách ngon lành. Đồ cúng chỉ là hoa quả, chè xôi đơn sơ, ấy vậy mà mùi hương và vị ngọt ngào của nó còn vướng víu mãi cho đến bây giờ.
 
Nhớ nhất là cô bạn nhỏ láng giềng của tôi, vì chẳng biết bơi, cứ ngồi trên bờ vỗ tay hò reo tán thưởng đám con trai đang vùng vẫy tung tóe nước. Tôi thường dành những phần trái quả ngon nhất cho cô bạn láng giềng.
 
 Lũ bạn hàng xóm của tôi thấy thế liền vây quanh trêu chọc cáp đôi chúng tôi, đến độ có lúc tôi tức giận suýt phải đánh nhau, còn cô bạn thì hờn dỗi, mắt đỏ hoe ngồi ngắm sông mà... khóc.
 
Vậy rồi, mỗi ngày sông mỗi đi xa! Cái bờ bến ngày xưa ấy giờ đã lở xuống sông sâu, và thời gian vẫn miệt mài cái công việc thường hằng nước chảy đá mòn. Thế nhưng, đôi mắt đẹp đỏ hoe của người bạn nhỏ láng giềng cứ theo cùng tôi, lặn sâu trong ký ức.
 
Bây giờ, trên con đò này vẫn dậy trong lòng tôi một nỗi mênh mang, như trong gió Xuân phơn phớt thổi qua bờ bãi quê xưa có tiếng mơ hồ của ai đó réo gọi tên mình...