KCN Lê Minh Xuân: Bất lực hay dung túng ?

“KCN Lê Minh Xuân là hiện tượng Vedan 2. Nếu Vedan đầu độc sông Thị Vải thì KCN Lê Minh Xuân đang đầu độc sức khỏe người dân” - TS Nguyễn Đăng Nghĩa, đại biểu HĐND TPHCM, bức xúc nói >> Đoạn video nước thải từ KCN Lê Minh Xuân

Sau vài giờ phục kích, 7 giờ 30 phút ngày 26-9, chúng tôi đã ghi hình được những luồng nước đen kịt từ một cửa xả nước thải của KCN Lê Minh Xuân và khu tiểu thủ công nghiệp (huyện Bình Chánh - TPHCM) cuồn cuộn ộc ra kênh B suốt cả giờ chưa dứt. Lúc này, tại hội trường của Ban Quản lý KCN Lê Minh Xuân, buổi tham vấn ý kiến người dân về ô nhiễm ở KCN Lê Minh Xuân do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM chủ trì cũng vừa bắt đầu.

Kiến, ong chết trước; con người chết sau

“Trước kia, nước kênh ở đây rất trong, kể từ khi có KCN Lê Minh Xuân thì đen thui. Chúng tôi là nông dân ít học, không biết nước thải ra sao nhưng thấy cá chết nổi lềnh bềnh, con kiến, con ong cũng chết. Chắc những sinh vật nhỏ chết trước còn con người sẽ từ từ chết sau (?!)”- ông Nguyễn Văn Tiến, đại diện các hộ dân ở xã Tân Nhựt (gần KCN Lê Minh Xuân), bộc bạch. Ông Tiến nói: “Đáng lẽ mấy anh là cán bộ phải biết trước để cảnh báo dân. Đằng này người dân la lên mấy anh mới tới. Tôi đã dự họp như thế này 2-3 lần rồi nhưng chẳng thấy biến chuyển gì cả”. Ông Nguyễn Hồng Phúc, đại diện cho những hộ dân ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân, lo lắng nói: “Mấy lần trước tôi đã phản ánh, ô nhiễm môi trường đến mức cây cỏ bị bạc trắng thì sức khỏe người dân ra sao. Hiện ở ấp 7 có rất nhiều người già, trẻ em hay bị bệnh về đường hô hấp và mắt. Do đó, đề nghị cấp trên cử đoàn y tế về đây khám xem người dân bị bệnh do ô nhiễm ra sao”.

“KCN Lê Minh Xuân đúng là hiện tượng Vedan 2. Nếu Công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải thì KCN Lê Minh Xuân đang đầu độc sức khỏe người dân”- TS Nguyễn Đăng Nghĩa, đại biểu HĐND TP, bức xúc nói. Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Đến con kiến, con ong cũng chết vì ô nhiễm thì con người chắc chắn cũng bị ảnh hưởng!”.

Trả lời vòng vo

Ông Lê Văn Khanh, Giám đốc Ban Quản lý KCN Lê Minh Xuân, cho biết từ năm 2002, KCN này đã đưa nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 2.000 m3/ngày vào vận hành. Năm 2007 tiếp tục đưa thêm một nhà máy xử lý nước thải công suất 2.000 m3/ngày vào hoạt động. Nước thải sau khi qua xử lý ở hai nhà máy đoạt tiêu chuẩn loại B.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại cống xả ở góc nhà máy xử lý nước thải, dòng nước chảy ra đen ngòm. Người dân cho hay vào sáng sớm, nước còn bốc hơi ngùn ngụt và rất hôi. Còn cán bộ ở nhà máy cứ khăng khăng cho rằng đây chỉ là hệ thống thu gom nước mưa. Khi phóng viên Báo NLĐ đặt câu hỏi: “Tại sao nước mưa lại đen kịt như thế?”, ông Lê Văn Khanh mới cho biết là do nước thải từ các doanh nghiệp không đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung chảy ra. “Tình trạng doanh nghiệp cho nước thải chảy lẫn vào hệ thống thoát nước mưa đã diễn ra nhiều năm nay, tại sao Ban Quản lý KCN không ngăn chặn, do bất lực hay bao che?”- Chúng tôi hỏi tiếp. Ông Khanh cho rằng chức năng của Ban Quản lý KCN Lê Minh Xuân chỉ là phát hiện và kiến nghị Ban Quản lý KCX- KCN TPHCM giải quyết.

Không khắc phục được vì “lờn thuốc”

Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP, cho biết KCN Lê Minh Xuân không chỉ ô nhiễm về nước thải mà còn cả khí thải. Cụ thể, cả KCN có 173 doanh nghiệp có ô nhiễm khí thải nhưng chỉ có 7 doanh nghiệp có hệ thống xử lý.

Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết từ năm 2004 đến nay, đã kiểm tra xử phạt 126 doanh nghiệp tại KCN Lê Minh Xuân với tổng số tiền phạt trên 1 tỉ đồng. Trong đó, chỉ tính đầu năm 2008 đến nay đã xử phạt 22 doanh nghiệp với tổng số tiền khoảng 300 triệu đồng. Các lỗi vi phạm thường gặp ở doanh nghiệp là không có hệ thống xử lý nước thải, xử lý nhưng không đạt yêu cầu...

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho rằng với mức phạt hiện nay thì chẳng khác nào “gãi ngứa”. Ông Hùng chất vấn: “Tôi xem tivi, thấy lãnh đạo Sở TN-MT nói không xử lý được doanh nghiệp do không bắt được tận tay. Vậy tại sao có những vụ đã bắt quả tang nhưng không xử đến nơi đến chốn?”.