KCN Lê Minh Xuân - TPHCM: Xả “chất độc” ra môi trường

Tính từ năm 2007 đến hết tháng 4-2009, KCN Lê Minh Xuân đã xả gần 2 triệu m³ nước thải thường xuyên vượt tiêu chuẩn cho phép và trên 1,6 triệu kg bùn thải nguy hại ra môi trường

Rau muống ở khu vực xả nước thải đã qua xử lý lá xoắn lại như bị biến dị, còn những khu vực đổ bùn thải không thấy cỏ mọc, lá cây bị úa vàng. Những hình ảnh trên đã được Cục Cảnh sát Môi trường phía Nam (C36B) ghi nhận tại buổi làm việc về tình trạng xả nước thải, đổ bùn thải nguy hại ra môi trường ở KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh-TPHCM) sáng 5-8. Đây là điểm nóng về ô nhiễm môi trường mà Báo NLĐ đã phản ánh rất nhiều lần trong thời gian qua.

img
Đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát Môi trường phía Nam khảo sát khu vực thu gom bùn ở
Nhà máy Xử lý nước thải của KCN Lê Minh Xuân, sáng 5-8


Vượt ngưỡng chất thải nguy hại nhiều lần


Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng C36B, cho biết vào ngày 17-4-2009, C36B kết hợp với các đơn vị liên quan đã bắt quả tang công nhân nhà máy xử lý nước thải tập trung (NTTT) của KCN Lê Minh Xuân đổ bùn thải ra môi trường.

Đoàn đã tiến hành lấy nhiều mẫu bùn thải phát sinh sau nhà máy xử lý NTTT gửi cho Viện Môi trường- Tài nguyên TPHCM kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy số bùn thải trên là chất thải nguy hại, trong đó có một số mẫu có kim loại nặng như crôm vượt ngưỡng nguy hại 3,2 lần, niken vượt ngưỡng nguy hại 1,3 lần.

Ba tháng sau, C36B tiếp tục lấy mẫu bùn thải ở nhà máy xử lý NTTT của KCN Lê Minh Xuân giám định kết quả vẫn cho thấy đây là chất thải nguy hại, hàm lượng crôm và niken vẫn vượt ngưỡng nguy hại 1,88 và 1,84 lần.


Ông Mai Hữu Tài, Giám đốc Ban Quản lý KCN Lê Minh Xuân, cho rằng từ năm 2002 đã lấy mẫu bùn gửi nhiều nơi phân tích và xác định không nguy hại nên Sở Khoa học- Công nghệ và Môi trường TPHCM đã có văn bản cho phép dùng bùn thải để bón cây trong KCN. Hiện Sở Tài nguyên-Môi trường đang xem xét việc bùn thải sau nhà máy xử lý NTTT có phải là chất thải nguy hại hay không...


Phóng viên Báo NLĐ đặt vấn đề: Vì sao từ năm 2007, Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM đã lập sổ chủ nguồn thải đối với chất thải nguy hại ở KCN Lê Minh Xuân nhưng lại không xác định rõ bùn phát sinh sau nhà máy xử lý NTTT là chất thải nguy hại hay bùn bình thường?

Ông Mai Hữu Tài biện minh: Trong sổ có đăng ký bùn thải là chất thải nguy hại nhưng đây chỉ là số bùn thải gạt ra từ bể điều hòa hóa lý chứ không phải là toàn bộ bùn thải phát sinh từ nhà máy xử lý nước thải. “Do việc đánh sổ chất thải bị nhầm nên chúng tôi sẽ đăng ký lại” - ông Tài nói.


Tuy nhiên, thượng tá Dương Văn Linh, Phó trưởng Phòng 3, C36B, khẳng định: Theo sổ đăng ký chủ nguồn thải, bùn thải sau nhà máy xử lý nước thải được xác định là chất thải nguy hại.

Về việc lấy bùn thải bón cây, theo thượng tá Dương Văn Linh, trong văn bản cho phép của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường TPHCM có kèm theo điều kiện phải pha trộn bùn thải với phân kali, urê nhưng phía nhà máy của KCN Lê Minh Xuân không thực hiện.


Theo tính toán của C36B, từ năm 2007 đến hết tháng 4-2009, KCN Lê Minh Xuân đã đổ 5.394 xe bùn thải nguy hại (tương đương trên 1,6 triệu kg) ra môi trường.


Có thể truy thu phí môi trường


Ngoài vi phạm về quản lý bùn thải nguy hại không đúng quy định, C36B còn phát hiện nước thải sau nhà máy xử lý NTTT của KCN Lê Minh Xuân cũng vượt tiêu chuẩn cho phép. Chỉ tính từ năm 2007 đến hết tháng 4-2009, nhà máy này đã xả ra môi trường gần 2 triệu m³nước thải chưa được cấp phép xả thải vì thường xuyên vận hành không đạt tiêu chuẩn môi trường.

Thượng tá Dương Văn Linh cho rằng dù Ban Quản lý KCN Lê Minh Xuân đã có cố gắng trong việc xử lý nước thải nhưng trong thời gian qua chất lượng nước thải xả ra môi trường vẫn chưa đạt tiêu chuẩn nên cần phải xem xét lại việc vận hành của nhà máy xử lý.


Cuối buổi làm việc, C36B và đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, Sở Tài nguyên-Môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường TP... đều nhất trí về việc KCN Lê Minh Xuân đổ bùn thải nguy hại và xả nước thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, cần phải được xử lý theo quy định.


Đại tá Phan Hữu Vinh cho biết C36B sẽ sớm có kết luận vụ việc để đưa ra hình thức xử lý phù hợp. Còn theo thượng tá Dương Văn Linh, ngoài xử phạt hành chính có thể áp dụng hình thức truy thu phí môi trường đối với lượng nước thải không đạt yêu cầu cũng như lượng bùn thải nguy hại đã đổ ra môi trường.


Theo ghi nhận của chúng tôi, trong thời gian qua, số bùn thải-chất thải nguy hại được đem bón cây hoặc đổ ra môi trường ở KCN Lê Minh Xuân rất nhiều, do đó việc chất thải này đã và đang phát tán vào nguồn nước, không khí gây ô nhiễm như thế nào cũng cần được khảo sát để có đánh giá cụ thể.