KCN Tân Phú Trung “đầu độc” kênh Thầy Cai
Phần lớn nước thải của các doanh nghiệp trong KCN Tân Phú Trung chưa được xử lý đạt chuẩn và tống thẳng ra môi trường
Theo kết quả giám sát của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, đầu nguồn kênh Thầy Cai hiện vẫn ô nhiễm nghiêm trọng, thể hiện rõ là ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh và mức độ phú dưỡng hóa. Gây nên tình trạng này, KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) góp phần không nhỏ.
Xả thẳng ra kênh
Trong khu vực KCN, tuyến kênh TC 27, mặt nước chỗ đen, chỗ nổi đầy váng vàng do lượng nước từ cống xả trước cổng Công ty TNHH Nam Phương chảy ra.
Đợt kiểm tra mới đây của Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường cho thấy doanh nghiệp (DN) này vẫn chưa đấu nối hệ thống xử lý nước thải về nhà máy tập trung của KCN.
Đại diện Công ty TNHH Nam Phương cho biết công ty đã có hệ thống xử lý tập trung công suất 400 m3/ngày nhưng do trục trặc kỹ thuật, kết quả xử lý chưa đạt chuẩn nên đơn vị quản lý hạ tầng không cho đấu nối về nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Vì vậy lượng nước thải sản xuất hằng ngày một số đưa vào hệ thống vận hành thử, còn lại tống thẳng ra kênh TC 27- đổ về kênh Thầy Cai. Ngoài ra, toàn bộ nước thải sinh hoạt của DN này cũng chảy chung với đường thoát nước mưa ra kênh Thầy Cai.
Giải thích về việc không cho Công ty TNHH Nam Phương đấu nối về nhà máy xử lý tập trung, ông Lê Văn Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Tây Bắc (chủ đầu tư), cho biết nhà máy được thiết kế để xử lý từ tiêu chuẩn B ra tiêu chuẩn A theo TCVN về chất lượng nước mặt nên chỉ tiếp nhận nguồn nước thải đạt chuẩn B, tuy nhiên nhà máy cũng linh hoạt tiếp nhận một số nguồn nước thải không đạt chuẩn B với điều kiện các chỉ tiêu vượt nhà máy có thể xử lý được.
Hồ chứa nước thải của Công ty TNHH Thương mại Hiệp Thành (KCN Tân Phú Trung) không có lớp lót
“Nếu những chỉ tiêu vượt mà chúng tôi không thể xử lý được thì không những việc xử lý không đạt mà còn phá vỡ hệ thống xử lý”- ông Thành trần tình. Nằm dọc tuyến kênh này còn có một số DN khác cũng chưa đấu nối nước thải về nhà máy xử lý tập trung trong KCN.
Chưa hết, do vướng công trình cấp nước kênh Đông đang thi công, khoảng 9 DN nằm dọc Quốc lộ 22 với lượng nước thu gom theo đăng ký là 1.127 m3/ngày cũng không thể đấu nối đường ống với nhà máy xử lý nước thải nên nước thải sau khi xử lý cục bộ thải ra kênh TC 28- cũng đổ ra kênh Thầy Cai.
Trong số này có Công ty Nệm Vạn Thành đã bị Cảnh sát Môi trường TPHCM và Ban Quản lý các KCX-KCN TP (Hepza) bắt quả tang về hành vi xả thải không qua xử lý ra kênh vào tháng 5-2009.
Chủ đầu tư… đầu hàng
Theo thống kê của Công ty Sài Gòn Tây Bắc, hiện có 45 DN hoạt động trong KCN, trong đó có 30 DN phát sinh nước thải sản xuất nhưng chỉ có 16 DN đăng ký đấu nối nước thải.
Tuy nhiên, số DN đăng ký đấu nối cũng chỉ để đối phó với các quy định của pháp luật bởi thực tế chỉ có 11 DN xả nước thải về nhà máy xử lý tập trung nhưng số lượng cũng thấp hơn nhiều lần so với công suất thực tế.
Điển hình như Công ty Nhất Trí chuyên về ngành dệt nhuộm, dù có hệ thống xử lý cục bộ công suất 1.000 m3/ngày đêm nhưng lượng nước thải về nhà máy mỗi ngày chưa đến 100 m3. Công ty TNHH Sản xuất Giấy và Bao bì Tiến Phát, từ lúc đăng ký đấu nối (với số lượng 50 m3/ngày đêm) đến nay vẫn chưa hề xả nước thải về nhà máy xử lý tập trung...
Theo ông Thành, công suất thiết kế nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN là 4.000 m³/ngày đêm nhưng lượng nước thải chảy về chỉ khoảng 100 m³/ngày đêm, trong khi lượng nước tối thiểu để nhà máy vận hành phải từ 2.000 m³ trở lên nên việc nuôi cấy vi sinh chưa đạt yêu cầu.
Chưa đủ nước để vận hành đúng công suất nên đến nay nhà máy vẫn chưa được nghiệm thu và tất nhiên là cũng chưa được cấp giấy phép xả thải ra môi trường. “Giải quyết những tồn tại về ô nhiễm môi trường thì vượt quá tầm tay của chủ đầu tư.
Chính vì vậy, chúng tôi đã nhiều lần báo cáo Hepza về tình hình xả thải của KCN cũng như đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp nghiệm thu để cấp giấy phép xả thải cho nhà máy, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết!”- ông Thành nói.
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, KCN Tân Phú Trung thu hút đầu tư công nghệ cao, nếu không xử lý rốt ráo vấn đề ô nhiễm môi trường thì không DN công nghệ cao nào dám đầu tư vào đây.
Đe dọa nguồn nước ngầm Kiểm tra Công ty TNHH Thương mại Hiệp Thành, chuyên ngành dệt nhuộm, Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường phát hiện hai hồ chứa nước thải khoảng 400 m³. |