Khiên cưỡng và lạc lõng

Ý tưởng do Công ty Truyền thông Tiêu Điểm đưa ra, theo nhiều chuyên gia, là thiếu căn cứ khoa học, rất khó khả thi

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền về đề xuất của Công ty Truyền thông Tiêu Điểm. Theo đề xuất của công ty này, tại Hà Nội có 36 phố mới mang tên 36 thủ đô các nước kết nghĩa, gắn với kiến trúc tiêu biểu của từng nước mà phố mang tên.


Tạo nét độc đáo cho Hà Nội?


Ông Nguyễn Thiện, Giám đốc Công ty Tiêu Điểm, cho hay doanh nghiệp này đã có 2 năm theo đuổi ý tưởng nói trên. Theo đó, 36 phố mới sẽ thực hiện tại một khu đô thị mới. Việc lựa chọn vị trí khu đô thị, cũng như quy mô của khu đô thị mới sẽ do TP Hà Nội quyết định.

img
Mỗi năm, Hà Nội có thêm khoảng 30 đường, phố mới nằm rải rác ở nhiều quận, huyện. Trong ảnh: Khu phố mới Kim Liên ở ô Chợ Dừa (Hà Nội)


Theo lý giải của ông Thiện, cùng với 36 phố cổ của Hà Nội, khu phố mới sẽ tạo nên sự độc đáo cho thủ đô Hà Nội. Qua đó, Hà Nội có thể trở thành trung tâm mua sắm, du lịch tầm cỡ quốc tế như Hồng Kông, Singapore... Ngoài ra, ông Thiện cũng mong muốn sẽ hình thành các “Vietnam town” ở nhiều thủ đô trên thế giới, ở đó sẽ có con đường mang tên Hà Nội (?!). 


Để thực hiện ý tưởng nói trên, theo ông Thiện, Hà Nội phải đạt được thỏa thuận để tên Hà Nội cùng biểu tượng Chùa Một Cột được đặt tại 36 thủ đô các nước kết nghĩa. Ngược lại, tên thủ đô của 36 nước này sẽ được đặt tại Hà Nội.


Sẽ chẳng đi đến đâu


Nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tiến sĩ – kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, phân tích: Dựa vào 36 phố cổ của Hà Nội để chọn 36 thủ đô là khiên cưỡng, vì như vậy sẽ có những thủ đô đáng đưa vào danh sách lại không được chọn.

Còn nếu căn cứ vào các thủ đô 1.000 năm tuổi để gắn với sự kiện đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thì thế giới chỉ có 29 thủ đô trên 1.000 năm tuổi. Bên cạnh đó, theo ông Nghiêm, một yếu tố quan trọng là phải có không gian để làm rõ nét điển hình của thủ đô nước đó.
 
“Nhiều TP trên thế giới có đặt tên TP các nước khác kết nghĩa, chứ việc đặt cùng lúc 36 tên thủ đô là ý tưởng rất lạ! Hà Nội sẽ rất khó có quỹ đất để thể hiện kiến trúc, văn hóa điển hình của các thủ đô. Nếu không, đây cũng chỉ là hình thức mà thôi” - ông Nghiêm nhấn mạnh.


Kiến trúc sư Trần Thanh Vân nhận định: Sau khi đọc tờ trình của Công ty Tiêu Điểm gửi Thủ tướng Chính phủ, tôi thấy ý tưởng này rất khó khả thi, vì thiếu căn cứ khoa học. Căn cứ thực tiễn để thực hiện ý tưởng này lại rất sơ sài, đơn giản. Ý tưởng này sẽ chẳng đi đến đâu, vì ngay cả các khu phố Pháp ở Hà Nội còn không gìn giữ được.


Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vincom, nói: “Cách đây hơn một năm, tôi có nhận được điện thoại của anh Thiện nói qua về ý tưởng này. Nhưng tôi nhận thấy để thuyết phục thủ đô 36 nước khác đặt tên Hà Nội là không hề đơn giản. Chưa kể nhiều thủ đô các nước dùng số để đặt tên phố, nếu xuất hiện phố Hà Nội thì rất lạc lõng. Hoặc rất lạ lẫm, ở một thủ đô nào đó có tên phố Hà Nội mà không có tên các thủ đô khác...”.

Đặt tên phố mới không đơn giản

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa - thành viên Hội đồng Đặt tên phố TP Hà Nội, cho biết: Để đặt tên một đường phố mới không hề đơn giản, phải qua một quy trình với rất nhiều thủ tục, trình tự và với sự tham gia của nhiều sở, ngành và Hội đồng Tư vấn của TP. Gần đây, mỗi năm, Hà Nội có thêm khoảng 30 đường, phố mới nhưng nằm rải rác ở nhiều quận, huyện, thị xã khác nhau.