Không ai chịu trách nhiệm
Điện lực Hóc Môn đã từng nghe người dân phản ánh tình trạng tự người dân xin giấy tạm trú thì công an xã không cấp với lý do nhà không phép hoặc lấn chiếm, nhưng khi để “cò” lo lót thì trót lọt!
Liên quan đến đường dây chuyên nhận tiền người dân để gắn đồng hồ điện (ĐHĐ) “chui” trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh-TPHCM, ngày 2-6, phóng viên Báo NLĐ đã làm việc với phía điện lực và chính quyền địa phương, tuy nhiên các bên đều cho rằng trách nhiệm không thuộc về mình!
Ngành điện: “Không phải người của chúng tôi!”
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc kinh doanh Điện lực Hóc Môn, cho biết ngay sau khi Báo NLĐ phản ánh về tình trạng gắn ĐHĐ “chui”, điện lực Hóc Môn đã cho kiểm tra lại tất cả các hồ sơ xin gắn đồng hồ điện của người dân ở ấp 2, 3, 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. “Tất cả các hồ sơ đều hợp lệ, đa số là giấy đăng ký tạm trú do công an xã chứng nhận, khi hồ sơ đã đầy đủ thì Điện lực Hóc Môn phải gắn ĐHĐ cho người dân theo đúng quy định”- ông Thọ nói.
Cũng theo ông Thọ, các khu vực báo phản ánh hiện đang tồn tại thực trạng người dân mua bán nhà bằng giấy tay nên không có giấy phép xây dựng, giấy tờ nhà... vì vậy không đủ điều kiện để gắn ĐHĐ, do đó chỉ còn một cách là xin giấy đăng ký tạm trú.
Phía Điện lực Hóc Môn đã từng nghe người dân phản ánh tình trạng tự người dân xin giấy tạm trú thì công an xã không cấp với lý do nhà không phép hoặc lấn chiếm, nhưng khi để “cò” lo lót thì trót lọt! Vì vậy Điện lực Hóc Môn cũng đã nhiều lần gửi văn bản thông báo đến địa phương và Công an huyện Hóc Môn về tình trạng “cò” nhận tiền dân để làm dịch vụ gắn ĐHĐ.
Liên quan đến hai “đầu nậu” Tuấn và Dần mà Báo NLĐ phản ánh, ông Thọ cho biết Điện lực Hóc Môn không có nhân viên tên Dần mà chỉ có nhân viên tên Tuấn, nhưng nhân viên này chỉ chuyên làm công tác bảo trì, thay thế những điện kế cũ tới niên hạn và chưa bao giờ đi lắp điện kế mới cho người dân. Tuy nhiên, ông Thọ cho biết sẽ tiếp tục cho kiểm tra, rà soát lại.
Công an xã: “Chỉ quản lý con người!”
Làm việc với Trưởng Công an xã Đông Thạnh, thiếu tá Huỳnh Thanh Thụy, khẳng định: “Công an chỉ quản lý về mặt con người, chỉ xác nhận là người dân tạm trú tại địa phương chứ không xác nhận về tình trạng nhà cửa, đất đai. Chuyện nhà lấn sông hay xây không phép là chuyện của UBND xã Đông Thạnh”.
Thiếu tá Thụy cho biết nếu UBND xã Đông Thạnh có văn bản thông báo ngôi nhà đó xây không phép hoặc lấn sông thì khi người dân đến xin giấy tạm trú, tất nhiên công an sẽ không cấp!. “Điện lực Hóc Môn quản lý còn lỏng lẻo. Khi nhân viên của điện lực Hóc Môn đi khảo sát nhà dân để trồng trụ, kéo dây nếu phát hiện nhà xây không phép hoặc lấn sông thì phía điện lực có quyền đề nghị không gắn điện kế!”- thiếu tá Thụy nói.
|
Cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, để làm rõ sự việc thì ông Sơn bận họp đến 12 giờ. Sau đó chúng tôi tiếp tục điện thoại cho ông Sơn thì ông Sơn tắt điện thoại.
“Có” hay “không”?
Theo một hợp đồng mua bán điện giữa ông Nguyễn Minh (ấp 2, xã Đông Thạnh) và điện lực Hóc Môn mà chúng tôi thu thập được. Xem lại giấy tờ của ông Nguyễn Minh, chúng tôi thấy ông Minh có giấy đăng ký tạm trú ở địa chỉ tổ 12, ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn do Công an xã Đông Thạnh xác nhận vào tháng 10-2008.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ giấy đăng ký tạm trú của ông Minh, chúng tôi phát hiện một chi tiết “lạ”: Trong phần lý do xin tạm trú, ông Minh khai “bổ túc hồ sơ xin việc làm” và phía sau lại có thêm 3 chữ “xin điện kế” với nét chữ hoàn toàn khác nét chữ của ông Minh.
Còn trong phần xác nhận của Công an xã Đông Thạnh có ghi: “Đương sự Nguyễn Minh sinh năm 1978 hiện tạm trú nhà không số tổ 12 ấp 2 xã Đông Thạnh (xác nhận có giá trị mắc điện kế)” do ông Trần Thiện Đức viết và được phó trưởng công an - thiếu tá Huỳnh Thanh Thụy (lúc bấy giờ) ký xác nhận.
Điều đáng nói là ngay phần chữ “xác nhận có giá trị mắc điện kế” bị dấu mộc của Công an xã Đông Thạnh đè lên nên bị nhòe hẳn. Giải thích về chuyện này, thiếu tá Thụy cho biết: “Cái này bị dấu nhòe của mực, bị bôi xóa, khi chúng tôi ghi như vậy nghĩa là không có giá trị về chuyện gắn ĐHĐ, nếu không chúng tôi chỉ cần xác nhận tạm trú chứ thêm câu đó vào làm gì?”.
Kiến nghị thu hồi đồng hồ điện “chui” Phóng viên Báo NLĐ cũng đã liên hệ với Giám đốc Điện lực Bình Chánh, ông Trần Tân Bình, để làm rõ tình trạng gắn ĐHĐ “chui” xảy ra trên địa bàn, tuy nhiên ông Bình từ chối và cho biết sẽ kiểm tra lại sự việc và có văn bản báo cáo sau. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Lê Minh Huệ vừa có văn bản kiến nghị Giám đốc Điện lực Bình Chánh thu hồi ĐHĐ đối với nhà xây dựng không phép đã có quyết định xử lý vi phạm của UBND 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. UBND huyện Bình Chánh cũng yêu cầu Điện lực Bình Chánh trong vòng 10 ngày phải thông tin kết quả thực hiện. |
Chúng tôi có nhận nhiều đơn tố cáo! Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ ngày 2-6, ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng phòng Thi đua-Tuyên truyền Công ty Điện lực TPHCM, cho biết: “Sau khi Báo NLĐ phản ánh tình trạng gắn đồng hồ điện (ĐHĐ) “chui” ở các huyện ngoại thành TP, sáng 2-6, Công ty Điện lực TP đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều tra, làm rõ. Nếu phát hiện bất cứ nhân viên nào thuộc quản lý của công ty Điện lực TP gây nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền thông qua việc gắn ĐHĐ thì sẽ cho nghỉ việc ngay!”. Cũng theo ông Yên, thời gian qua Công ty Điện lực TP có nhận nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến việc gắn ĐHĐ “chui” ở quận 12, huyện Hóc Môn. Kết quả kiểm tra cho thấy sở dĩ ĐHĐ được gắn là do công an phường, xã nơi có hộ xin gắn ĐHĐ ký vào đơn tạm trú để hợp thức hóa thủ tục cấp ĐHĐ, đến nay vẫn chưa xác định được trường hợp nhân viên điện lực liên quan đến việc ăn chia để gắn ĐHĐ(!?). N. Phú |