Không quyết liệt sẽ mất lòng tin

Những bức xúc của bạn đọc về tình trạng lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh bãi giữ xe tiếp tục gởi đến Báo NLĐ. Nhiều ý kiến đề xuất TP phải ra tay quyết liệt, rốt ráo

Mai Thị Kiều Chính (Khu cư xá Kiến Thiết, Q.9-TPHCM):

Trên cứ nói, dưới cứ làm...

Tôi thấy quá bất ngờ. Lệnh của chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các quận - huyện phải chấn chỉnh và lấy lại vỉa hè trước ngày 15-10, thế nhưng đã quá hạn gần nửa tháng mà tình trạng lấy vỉa hè để kinh doanh bãi xe bỏ túi riêng vẫn còn như cũ.

Bài phóng sự sáng nay (28-10) của Báo NLĐ phản ánh khá rõ, tôi thấy rằng nếu lãnh đạo TP không làm quyết liệt trong chuyện này thì sẽ mất lòng tin với người dân TP và các quận-huyện sẽ cứ chần chừ: Trên nói cứ nói, dưới có làm hay không thì còn tùy.

Lãnh đạo TP nên công khai trả lời trên báo chí việc xử lý các quận chậm trễ để làm gương.

Nguyễn Thị Ngọc Hà (Bùi Thị Xuân, P. 2, Q.Tân Bình-TPHCM):

Sao chưa thấy ai bị xử lý?

Tôi liên tục theo dõi các bài viết của Báo NLĐ về tình trạng lấy vỉa hè công để kinh doanh bãi giữ xe. Cháu tôi cách đây 2 năm khi đi học về do đi xuống lòng đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình đã bị xe gắn máy đâm phải và bị gãy tay. Lý do vì sao thì ai cũng biết: Lề đường đã bị chiếm dụng.

Điều tôi ngạc nhiên nhất là chủ tịch TP bảo rằng sau ngày 15-10, nếu không lấy lại vỉa hè thì chủ tịch quận - huyện phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch TP. Vậy đến giờ này đã có ai bị xử lý hoặc kiểm điểm gì chưa? Tôi mong quý báo chuyển câu hỏi này đến lãnh đạo TP để trả lời cho dân.

Đặng Nguyễn (Sinh viên Trường Đại học KHXH&NV TPHCM):

Nghĩ từ những chuyện nhỏ để dân nhờ

TPHCM đang trên đà phát triển mạnh mẽ thì việc gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng là chuyện bình thường. Cái khó ở đây không phải sự việc khó mà chính con người tự làm cho mình khó. Nói như vậy để thấy TP còn quá nhiều điều cần làm và người dân mong mỏi rằng đã làm thì phải làm cho tới nơi tới chốn, đừng thấy khó mà bỏ ngang hay dang dở. Nhưng cứ mải lo làm việc lớn mà quên việc nhỏ thì lại là một lỗi sai lầm về đường lối phát triển. Không có việc gì là nhẹ nhàng và không có việc gì là không cần thiết, nhất là những việc có lợi cho đất nước, chăm lo cuộc sống cho dân.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TPHCM:

Làm rõ chuyện “bắt tay” ngầm

imgTôi rất tán thành cách Báo NLĐ đặt vấn đề trong loạt bài điều tra về “đường dây buôn vỉa hè”. Tại sao chủ trương lập lại trật tự lòng, lề đường của UBND TPHCM đã rõ ràng như thế nhưng các quận-huyện vẫn để các điểm giữ xe ngang nhiên chiếm hết vỉa hè. Nếu quận-huyện nói không biết hết là vô lý, thiếu trách nhiệm. Theo tôi, các quận-huyện phải điều tra làm rõ chuyện “bắt tay” ngầm giữ xe lấn chiếm vỉa hè, để lập lại kỷ cương. Cụ thể những điểm giữ xe mà Báo NLĐ phản ánh ở quận 1, 3, 6, 11, Tân Bình... phải được xử lý.

Theo tôi, do nhu cầu gửi xe của người dân nên không thể đòi hỏi trả lại toàn bộ vỉa hè thông thoáng nhưng phải chừa phần lớn cho người đi bộ. Trước đây, TP đã có quy định chừa một phần vỉa hè cho kinh doanh, vì đây cũng là nguồn thu lợi lớn của người dân.

Trung Thanh ghi

Câu chuyện vỉa hè lại một lần nữa được lãnh đạo TP bàn và tìm biện pháp giải quyết. Chưa biết sự thể ra sao, nhưng người dân không ngớt bàn tán xôn xao bởi đã nhiều lần cái vỉa hè được nhắc đến rồi sau đó nó lại bị rơi vào quên lãng.

Ai cũng bảo có khó gì đâu “câu chuyện nhỏ”, chính vì xem nó là chuyện nhỏ nên đã nhiều lần người ta vô tình hay cố ý bỏ quên. Chuyện nhỏ cũng là chuyện phải làm chứ không phải chuyện nhỏ rồi nay hẹn, mai hẹn.

Pham Xuyen (Email: phamxuyen@yahoo.com):

Trả lại lề đường cho người đi bộ

Vào buổi sáng, tại con đường mà chúng tôi đang ở, các quán phở, cà phê Trung Nguyên 86 Vườn Lan, phường 10, quận Tân Bình (đối diện chung cư cao cấp 2 Bàu Cát) chiếm cả vỉa hè để bán. Xe để luôn dưới lòng đường, ngay vòng cua nên nhiều lần đã xảy ra tai nạn nhưng chưa thấy ai dẹp cả. Theo dư luận phản ánh là quán đã được “bảo kê” nên không ai “ngó ngàng” tới.

Mong quý báo lên tiếng để trả lại lề đường cho người đi bộ.

Nguyễn Dũng (Email: dungzoom@gmail.com):

Cần sự đồng bộ, quyết liệt

Tôi rất hoan nghênh nỗ lực của các báo, trong đó có Báo NLĐ trong việc “cứu” vỉa hè. Tuy nhiên, người dân có cơ sở để lo ngại về sự chuyển động từ các cấp.

Tối 27-10, đi ngang cà phê MGM trên đường Nguyễn Đình Chiểu, thấy nhân viên Nhà nước xuất hiện dọn dẹp lề đường trước quán cà phê này, tôi tự hỏi liệu sự mẫn cán đó kéo dài được bao lâu. Tôi tự hỏi như vậy là vì cách đó không xa, ngay tại giao lộ Cống Quỳnh - Bùi Thị Xuân, một quán chè không những chiếm cứ lòng đường mà còn làm giao thông tại đây vốn đã tắc nghẽn càng thêm tắc nghẽn vì xe cộ đậu dưới lòng đường chờ mua chè.

Cái mà người dân chờ đợi không phải là 20 giờ hay 21 giờ các anh còn đi dọn dẹp lòng, lề đường mà là tất cả lòng, lề đường phải được giữ cho thông thoáng, nhất là vào ban ngày.

Tại quận 11, nơi tôi cư ngụ, quán nhậu NP tại đường 22, cư xá Lữ Gia, phường 15 nhiều năm nay tồn tại trong nghi vấn được “bảo trợ” bởi một cán bộ. Hằng đêm họ xếp xe đậu trên lề và tràn xuống cả lòng đường, kéo dài 20-30 m, ngang nhiên chiếm cứ cả khu vực. Đã có nhiều ý kiến được nêu mà chẳng được chính quyền địa phương đoái hoài.

Quận Tân Bình-TPHCM

12 tuyến đường không còn... vỉa hè

Các phường phải bỏ hẳn thái độ “thương” doanh nghiệp do họ có ủng hộ tiền cho phường

Ngày 29-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết hiện trên địa bàn quận còn 12 tuyến đường mà tình trạng lấn chiếm vỉa hè còn phổ biến. Cụ thể là đường Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sỹ, Trường Sơn, Lý Thường Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám, Trần Quốc Hoàn, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Trường Chinh, Phạm Văn Hai, Cộng Hòa và Nguyễn Văn Trỗi.

- Phóng viên: Ngoài 12 tuyến đường trên, ông có biết trên địa bàn quận có tổng cộng bao nhiêu bãi giữ xe chiếm vỉa hè?

img- Ông Lê Sơn: Tôi thừa nhận việc quản lý vỉa hè còn nhiêu khê. Từ trước đến nay, quận không cấp phép cho bãi giữ xe nào trên vỉa hè, tuy nhiên, chúng tôi không biết có bao nhiêu bãi giữ xe và cũng không biết có bao nhiêu điểm lấn chiếm vỉa hè, nhưng chắc chắn là nhiều.

Việc quản lý vỉa hè lâu nay quận vẫn giao cho phường, do lấn vỉa hè là thói quen của người dân buôn bán mặt tiền nên phường hay nhân nhượng. Nay TP có chủ trương chấn chỉnh lòng, lề đường, chúng tôi buộc chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm trước quận nếu làm không tốt.

 

- Đến nay kết quả chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường của quận Tân Bình thế nào?

img
Buôn bán, giữ xe chiếm hết vỉa hè trên đường Trường Sơn - một trong 12 con đường “nóng” của quận Tân Bình-TPHCM, chiều 29-10. Ảnh: N.MINH

- Qua một tháng thực hiện, chúng tôi đã tịch thu 10 giấy phép kinh doanh của các quán ăn, quán nhậu, lập biên bản vi phạm hành chính hơn 261 trường hợp.

Để thực hiện nghiêm chủ trương của chủ tịch UBND TPHCM, quan điểm của quận là kiên quyết không cho lấn chiếm vỉa hè, dù vỉa hè rộng hay hẹp, hay lấn chiếm để một làn xe. Quận sẽ liên tục ra quân kiểm tra từng phường một, dốc hết sức để dẹp vỉa hè.

Ngoài ra, chúng tôi kiên quyết rút giấy phép kinh doanh của điểm kinh doanh nào đã bị lập biên bản đến 3 lần.

Riêng các phường phải bỏ hẳn thái độ “thương” doanh nghiệp do họ có ủng hộ tiền cho phường. Nếu phường nào vi phạm sẽ có biện pháp xử lý.

THU HỒNG thực hiện