Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng, 7 năm vẫn là bãi đất trống
Dự án khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng khởi công từ tháng 11-2000, qua nhiều lần điều chỉnh, vốn đầu tư tăng gấp đôi, thế nhưng mới đây chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hóc Môn cho biết: Vẫn còn vướng!
Đến khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng tại ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn- TPHCM, nhiều người không khỏi giật mình khi toàn bộ diện tích nơi đây trở thành bãi chăn bò, chăn ngựa của người dân địa phương. Trên nền đất, cỏ mọc um tùm, phân bò, phân ngựa vương vãi.
Cụ Đoàn Quang Mởn, sống tại đây hơn 30 năm, bức xúc: “Thấy khu di tích mang tính lịch sử cấp quốc gia mà bị bỏ bê, chúng tôi xót quá. Chưa hết, hai nhà trưng bày truyền thống còn lại của khu tưởng niệm cũ nước ngập lênh láng, chuột bọ gặm nhấm, không sớm thì muộn cũng mục nát”.
Thi công chậm khiến tổng vốn đầu tư công trình tăng từ 27 tỉ đồng lên 56,476 tỉ đồng |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng được UBND TPHCM duyệt đầu tư xây dựng vào tháng 12-1999. Khu tưởng niệm rộng 9,1 ha, tổng vốn đầu tư là 27 tỉ đồng. Tháng 11-2000, lễ động thổ công trình diễn ra trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân sống trong khu vực. Thế nhưng 7 năm sau, công trình vẫn là bãi đất trống.
Giải thích điều này, ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Hóc Môn, cho biết do vướng đền bù giải tỏa, điều chỉnh quy hoạch, thay đổi thiết kế thi công, thiết kế tượng đài, bổ sung hạng mục nên Ban Quản lý chỉ làm cầm chừng. Trong đó, “căng” nhất là phần giải phóng mặt bằng và điều chỉnh tổng vốn đầu tư. Theo đó, tổng vốn đầu tư được nhà thầu xin tăng lên 56,476 tỉ đồng với lý do giá vật tư, nhân công tăng cao và đầu tư bổ sung thêm một số hạng mục.
Đầu năm 2006, vướng mắc “căng” nhất đã được gỡ, UBND TPHCM đã duyệt tổng vốn đầu tư mới. Thế nhưng, hơn 1 năm nay, toàn bộ khu tưởng niệm vẫn trơ ì với thời gian.
“Theo quy định, phần tượng đài sau khi duyệt thiết kế sẽ được Ban Quản lý chỉ định thầu. Thế nhưng sau khi trình thiết kế lên Sở Kế hoạch-Đầu tư thì đơn vị này bảo phải chờ tổng dự toán của toàn bộ công trình sẽ duyệt chung. Khi Ban Quản lý trình tổng dự toán lên sở thì vẫn thấy... im re”- một cán bộ của Ban Quản lý cho biết.
Chưa hết, các gói thầu xây dựng chính chuẩn bị đưa ra mời thầu cũng gặp khó khăn khi lập hồ sơ do công trình nhiều lần thay đổi thiết kế, quy hoạch... “Ít nhất phải mất hơn 2 tháng mới xong hồ sơ mời thầu, cuối năm 2007 mới mở thầu. Riêng vốn đầu tư đến thời điểm này đã được duyệt tăng gấp đôi so với dự toán ban đầu, nhưng nhà thầu vẫn phân vân vì giá vật tư, nhân công đã thay đổi”- ông Hùng đắn đo.