Mất 1 tháng và 1 tỉ đồng để sửa cầu Thị Nghè

Sáng 18-11, tại cuộc họp về sự cố cầu Thị Nghè bị sà lan tông vào chiều 17-11, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu Công an TP tiến hành điều tra sự việc, đồng thời Sở GTVT TP phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm định chất lượng cầu và tiến hành sửa chữa.

Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc (CSCEC), đơn vị thi công gói thầu số 10 dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cũng là đơn vị gây ra sự cố, sẽ phải chịu toàn bộ chi phí sửa chữa cầu Thị Nghè.


Sáng cùng ngày, Phòng Kỹ thuật hình sự (PC21), Phòng CSGT Đường thủy, Cơ quan CSĐT Công an TP, VKSND TP và Sở GTVT TP đã tiến hành giám định mức độ hư hại của cầu Thị Nghè sau khi bị sà lan húc vào trước sự chứng kiến của đại diện CSCEC.

Theo thông tin ban đầu, sà lan tông vào gầm cầu thuộc Công ty TNHH Thành Sơn, trụ sở tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã đội dầm cầu lên cao 5 cm. Trước đó, sà lan này được neo bằng 2 sợi cáp to, nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, nguyên nhân đứt 2 sợi cáp neo sà lan là do thủy triều dâng cao vào chiều 17-11.


Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (Khu 1), cho biết sáng 18-11, Khu 1 đã mời Công ty Freyssinet (của Pháp, đơn vị đang nâng cấp cầu Bình Triệu cũ – PV) đến xem xét hiện trạng cầu Thị Nghè. Theo đánh giá ban đầu của Freyssinet, dầm biên cầu Thị Nghè bị hư hỏng.
 
Các trụ cầu bị bong tróc, nứt lớp bê tông phía ngoài. Còn việc dầm cầu bị đội lên 5 cm, theo ông Thắng, sau khi sà lan được đưa ra đã trở về trạng thái cũ. Trong ngày, Khu 1 cũng đã trình 2 phương án sửa chữa cầu Thị Nghè cho UBND TP, theo đó, phương án 1 là thay dầm biên, phương án 2 là kiểm tra khả năng chịu lực của các sợi cáp trong dầm biên để tìm cách sửa chữa thích hợp.

Theo ông Thắng, số tiền sửa chữa cầu Thị Nghè có thể lên đến 1 tỉ đồng. Dự kiến việc sửa chữa sẽ do Công ty Freyssinet thực hiện trong thời gian một tháng.