Mất 12 năm xây cầu "xuyên thế kỷ"!
(NLĐO) – Chiều 31-8, ông Ngô Bá An, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, cho biết sẽ chính thức thông xe cầu Hoàng Hoa Thám vào sáng 1-9. Điều đáng nói là cây cầu chỉ dài 103m này cần đến 12 năm để hoàn thành.
Cầu Hoàng Hoa Thám bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nối quận 1 và quận Bình Thạnh, được khởi công từ tháng 9-1998 với số vốn ban đầu chỉ 19 tỉ đồng.
Sau khi khởi công một năm (1999), hàng loạt sự cố ở công trình cầu Hoàng Hoa Thám bị phát hiện như: tĩnh không cầu quá thấp, chất lượng bê tông ở cọc khoan nhồi không đồng nhất, cường độ bê tông thấp hơn so với thiết kế… nên dự án bị ngừng thi công để điều chỉnh.

Cầu Hoàng Hoa Thám đang được hoàn thiện trước khi thông xe. Ảnh chụp ngày 31-8
Đến năm 2006, UBND TP giao cho Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư thay do chủ đầu tư trước đó là Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Bình Minh. Lúc này, tổng vốn của cầu Hoàng Hoa Thám cũng đội lên thành 119 tỉ đồng.
Không dừng lại ở đó, đến tháng 3-2008, dự toán của cầu Hoàng Hoa Thám tiếp tục được tăng lên thành 155 tỉ đồng. Cây cầu này cũng được rục rịch thi công lại sau mấy năm nằm im, chỉ có trơ trọi 3 trụ cầu “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng nên đến cuối tháng 10-2009, một lần nữa nhà thầu phải ngừng thi công.
Đến đầu năm 2010, công trình này mới tiếp tục “chạy” và hoàn thành, thông xe vào ngày 1-9. Như vậy, trải qua mười hai năm “thăng trầm” và mấy lần… đội vốn, đến nay người dân mới được chứng kiến hình hài hoàn chỉnh của “cây cầu xuyên thế kỷ”.
Phân luồng lưu thông cầu Hoàng Hoa Thám
Sở GTVT tổ chức phân luồng giao thông cầu Hoàng Hoa Thám kể từ 6 giờ ngày 1-9.
Cụ thể, người dân sẽ lưu thông hai chiều trên cầu Hoàng Hoa Thám. Trên đường Nguyễn Hữu Cầu (quận 1), ô tô lưu thông một chiều theo hướng từ đường Trần Quang Khải đến đường Hai Bà Trưng.
Trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), ô tô cũng lưu thông một chiều theo hướng từ đường Phan Đăng Lưu đến đường Phan Xích Long. Phần đường dân sinh dọc hai bên hông cầu Hoàng Hoa Thám (phía quận 1 và quận Bình Thạnh) sẽ tổ chức lưu thông cùng chiều với hướng lưu thông của phương tiện lên hoặc xuống cầu Hoàng Hoa Thám.
Theo Sở GTVT, cầu Hoàng Hoa Thám giúp cải thiện giao thông khu vực Đinh Tiên Hoàng – Hai Bà Trưng – Võ Thị Sáu – Trần Quang Khải. Trước đây, khi chưa có cầu Hoàng Hoa Thám, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên cầu tạm Trần Khánh Dư (nằm song song cầu Hoàng Hoa Thám).
Cây cầu này biết bao năm phải oằn lưng gánh lượng người khổng lồ đi từ quận 1 – 3 về quận Bình Thạnh và Phú Nhuận. |