Nền đất TPHCM nhiều bùn, sét
Đất nền loại yếu nhất của TPHCM thuộc về khu vực các quận: 2, 4, 6, 7, 8, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, dọc bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, giáp ranh giữa huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn
Sau 4 năm nghiên cứu, một nhóm các nhà khoa học thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Địa chất đã cùng nhau hoàn thành đề tài nghiên cứu “Phân vùng nhỏ động đất TPHCM”. Thạc sĩ Cát Nguyên Hùng, chủ nhiệm đề tài, cùng các cộng sự đã tính toán các thông số đo đạc tại 10.000 điểm, 831 hố khoan địa chất công trình và 24 hố khoan thăm dò địa vật lý... để lập ra hàng loạt bản đồ phân vùng động đất ở TPHCM.

Đo đạc tại ngã tư Hàng Xanh để phục vụ việc phân tích nền đất tại TPHCM. Ảnh: LINH ĐỖ
Nền vững chắc chỉ có ở quận 9, Thủ Đức
Một trong các kết quả đáng chú ý của đề tài nghiên cứu là đã xác định và chia nền đất của TPHCM ra làm 5 loại nền với tên gọi A, B, C, D, S. Trong đó, nền loại A là vững chắc nhất và nền S là yếu nhất. Theo kết quả đo dao động vi địa chấn, các nhà nghiên cứu nhận thấy nền loại A và B chỉ có một diện tích rất nhỏ nằm ở khu vực núi đá ĐH Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức) và Long Bình (quận 9). Nền loại C (loại trung bình) chỉ chiếm diện tích khoảng 40%, thuộc các khu vực phía Bắc quận 9, Đông Bắc quận Thủ Đức, Tây Bắc huyện Bình Chánh và Tây quận Tân Bình.
Riêng nền loại D và S (2 loại nền đất yếu nhất), chiếm đến 60% diện tích đất của TPHCM. Đất nền loại này đại diện bởi bùn, sét lẫn nhiều mùn thực vật, phần lớn dày trên 10 m đến hơn 30 m. Đất nền loại S phân bố chủ yếu ở khu vực các quận: 2, 4, 6, 7, 8, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, dọc bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, giáp ranh giữa huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.
Khu vực phía Nam và Đông Nam gồm các huyện Nhà Bè, Cần Giờ... là khu vực phân bố đất yếu điển hình của TPHCM và hiện đang là nơi phát triển xây dựng đô thị và công nghiệp hết sức sôi động với nhiều công trình cao tầng và các khu công nghiệp, cảng biển lớn.
Khả năng hóa lỏng cao
Đề tài nghiên cứu cũng xác định tại TPHCM, cường độ chấn động lớn nhất do động đất gây ra là cấp 7 (không vượt quá 5,5 độ Richter), vùng Nam Bộ là cấp 8, rìa vùng Tây biển Đông là cấp 7 và có thể hơn. Khi động đất mạnh xảy ra thường kéo theo một số vấn đề liên quan như trượt lở đất, nứt đất, sụt đất, hạ lún, hóa lỏng nền... Trong đó, nguy hiểm nhất là trượt lở và hóa lỏng nền.
Theo TS địa chất Đỗ Văn Lĩnh, hiện tượng hóa lỏng nền xuất hiện khi có động đất xảy ra, ở các vết nứt sẽ có bùn lỏng, cát, nước... trào lên. Ở mức độ nguy hiểm, bùn, cát, nước sẽ trào lên nhanh chóng trong vòng 30 giây đến vài phút là có thể tràn ngập cả một khu vực rộng lớn. Hóa lỏng nền cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng lún nền. Vấn đề đáng lưu ý là tại TPHCM hiện có tới 40% khu vực có khả năng hóa lỏng nền do động đất. Đây là một tỉ lệ khá cao.
Từ kết quả nghiên cứu, TS Đỗ Văn Lĩnh khuyến cáo: “Khi xây dựng các công trình lớn, có tính chất quan trọng và thời gian sử dụng lâu dài cần đặc biệt lưu ý đến việc khảo sát địa chất công trình để tính toán, áp dụng các biện pháp kháng chấn nhằm bảo đảm độ an toàn về tài sản cũng như về con người”.
Sẽ áp dụng vào thực tiễn
Để giúp xác định các thông số động đất phục vụ công tác quy hoạch và thiết kế xây dựng kháng chấn nhà và công trình trên địa bàn TPHCM, nhóm nghiên cứu đã biên soạn tài liệu hướng dẫn thiết kế, xây dựng công trình tại TPHCM có khả năng kháng chấn theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, thiết kế công trình chịu động đất. Kết quả nghiên cứu hiện đang được chuyển sang các đơn vị liên quan như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ để áp dụng vào thực tiễn.