Ngành du lịch kêu cứu

Từ khi xây dựng các nhà máy thủy điện, cung đường du lịch Bản Hồ - Sapa (Lào Cai) nay đã giảm một nửa số khách. Số đoàn lữ hành về đây thưa dần, tour mất khách, ngành du lịch địa phương méo mặt

Hiển nhiên, những nơi có thác mới đủ điều kiện làm thủy điện  nhưng ở Sapa, đó là những điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn, nhất là với du khách nước ngoài.


Khách giảm một nửa


Hậu quả nhãn tiền mà người dân địa phương đang lãnh đủ là du khách quay lưng với Bản Hồ. Chị Pàn Muồi Nảy, người bán thổ cẩm đã hơn 10 năm nay ở xã Bản Hồ, cho biết từ khi có thủy điện, khách hàng giảm nhiều.

“Khách du lịch bảo rừng bị phá hết rồi nên không thích đến đây nữa. Ngày trước khách đông, có ngày bán được mấy trăm ngàn đồng. Còn nay, 10.000 đồng còn chưa được!” - chị than thở.


Nguồn thu chủ yếu của người dân xã Bản Hồ là từ du lịch cộng đồng. Có 50 - 60 hộ làm dịch vụ stay home (cho khách lưu trú tại nhà). Mỗi khách nghỉ lại, người dân thu 30.000 - 50.000 đồng/ngày. Mỗi đoàn thường có vài chục du khách. Vào mùa du lịch, mỗi ngày có cả chục đoàn về đây. Dịch vụ ăn uống, giải trí của người dân nhờ đó mà “sống” được.

Bây giờ, việc làm ăn trở nên khó khăn, bấp bênh. Chị Trần Như Quỳnh, một người tổ chức tour cho du khách nước ngoài tại thị trấn Sapa, cho biết từ khi các thủy điện được xây dựng, khách đặt tour giảm một nửa. “Du khách nước ngoài có hệ thống thông tin riêng, khi nghe đến chuyện Sapa dày đặc thủy điện, họ đã hủy khá nhiều tour” - chị Quỳnh cho biết.


Bên dòng suối Mường Hoa, chúng tôi bắt gặp một nhóm du khách đang chán ngán. Anh P.Jack, một du khách người Anh, nói: “Chúng tôi bất ngờ vì Sapa bị tàn phá như vậy. Nhiều nước trên thế giới đã có bài học về chuyện tàn phá môi trường do thủy điện nhưng không hiểu sao VN lại làm ở Sapa. Chúng tôi đến Sapa là để khám phá thiên nhiên chứ không phải để xem thủy điện”.


Ông Hoàng Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Sapa, dẫn chứng những con số biết nói: Năm 2008, có hơn 10.000 lượt thực hiện chương trình du lịch xuống Bản Hồ, có 5.461 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú tại gia, thì năm 2009, sau khi bị thủy điện xâm hại, tổng số du khách chỉ còn khoảng 5.000 người với 2.991 lượt lưu trú qua đêm. Như vậy, khách du lịch cũng như khách lưu trú đã giảm khoảng một nửa so với trước khi làm thủy điện.


Rà soát lại toàn bộ thủy điện

Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sapa, cho biết quyết định xây dựng hệ thống thủy điện ở Sapa đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt, bởi Sapa có tiềm năng nguồn nước, thuận lợi cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Tuy nhiên, quá trình khảo sát, thiết kế, thi công chưa thực hiện đúng theo quy trình, nhất là việc khắc phục sau xây dựng.


Theo ông Hinh, trong quá trình thi công, các đơn vị hữu quan chưa thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường và khắc phục hậu quả do xây dựng thủy điện gây ra như đất đá bồi lấp suối, ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan du lịch... Chính quyền huyện Sapa đã làm việc với các đơn vị liên quan đề nghị sớm khắc phục tình trạng trên, yêu cầu làm đúng thiết kế, đề án bảo vệ môi trường... để giữ vững phát triển du lịch cộng đồng như trước đây.

Về việc người dân Nậm Cang (xã Bản Hồ) phản đối xây dựng thủy điện, ông Hinh cũng cho rằng huyện đã đề nghị xem xét lại dự án thủy điện tại Nậm Cang, đồng thời rà soát lại tất cả các dự án thủy điện ở Sapa.

 

Kiến nghị dừng xây dựng thủy điện ở Sapa


Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, TS Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, cho rằng làm thủy điện có thể đem lại nhiều lợi nhuận nhưng rất có hại cho môi trường du lịch, tác động mạnh đến tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Hậu quả của thủy điện như phá rừng, phá hỏng cảnh quan tự nhiên thì phải mất 50 - 70 năm mới khôi phục được, đồng thời làm xáo trộn cộng đồng bởi văn hóa cộng đồng gắn với thiên nhiên.


“Cả nước chỉ có một Sapa nhưng có nhiều điểm có thể làm thủy điện. Hơn nữa, đối với Lào Cai, du lịch là mũi nhọn, thế mạnh, vì vậy quan điểm của sở là những vùng trọng điểm như Sapa thì không xây dựng thủy điện” - ông Sơn nói.


TS Nguyễn Hữu Sơn cho biết Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan cho dừng tất cả những công trình thủy điện dự kiến xây dựng ở Sapa, đồng thời khắc phục nghiêm túc hậu quả do các công trình thủy điện đang xây dựng gây ra.