Ngày đầu xích lô, ba gác chạy theo giờ: Vừa vi phạm vừa run!
TP.HCM cho phép chạy giữa khuya thì kiếm đâu ra khách mà chở? Hôm qua (1-1), ngày đầu tiên lẽ ra cấm xe ba, bốn bánh tự chế lưu thông nhưng TP.HCM đã linh động cho chạy theo giờ (từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau đối với xe bình thường, từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau đối với xe thu gom rác). Nhiều bác tài xích lô, xe ba bánh dù “run” vẫn phải chạy vì “Tết mà, không bị phạt đâu!”. Họ lo nhất là từ sáng nay trở đi, nếu chạy vào ban ngày thì sẽ bị phạt và tịch thu xe.
Sáng qua, hơn 300 người ở xóm Sở Thùng (đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh) dậy sớm chạy xe đi gom rác. Họ thuộc đội rác dân lập gom rác tại các phường của TP. Chiều 31-12-2007, cả xóm chìm trong bầu không khí ảm đạm vì không biết ngày mai sẽ ra sao nếu cấm xe ba bánh tự chế đi lấy rác. Đến tối, nhiều người cho hay TP đã tạm lùi ngày cấm xe ba bánh đến 1-7, cả xóm đã reo hò vui mừng. Thế nhưng, sáng ra đọc báo họ mới biết xe tự chế của họ chỉ được lưu hành vào nửa khuya nên nhiều người đâm lo. Anh Lê Thanh Tươi (xe rác dân lập tại phường 12, quận Tân Bình) hoang mang: “Ngày thường chúng tôi phải đi từ 5 giờ sáng đến 15 giờ mới gom hết rác. Nay nếu chỉ cho gom từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau thì không tài nào thu gom hết và chắc chắn rác thải sẽ bị ứ đọng”.
Sáng qua, tại góc đường Phạm Ngũ Lão (cạnh Công viên 23-9), anh Ba, anh Bảy, anh Quá, chú Sự - những người chạy xích lô chở khách lâu nay vừa đọc báo vừa bàn râm ran về quy định mới của TP. Chú Mai Thế Sự bàn: “Cho chạy giờ đó chỉ phù hợp với mấy xe chạy chở hàng ở chợ đầu mối thôi. Còn xe chở khách như tụi tui thì giờ đó biết chở ai?”. Thế nhưng tại chợ đầu mối nông sản Tân Xuân (huyện Hóc Môn), một số người mua bán hàng rong bằng xe ba bánh cũng vui buồn lẫn lộn. Anh Lê Cao Quỳnh cho hay: “Nghe bảo vệ chợ thông báo dời hạn cấm xe, vợ chồng tôi mừng lắm. Nhưng chỉ cho chạy lúc đêm khuya đến sáng như vậy thì biết buôn bán với ai?”.
Hôm qua là Tết dương lịch, nhiều hoạt động ngày thường (như mua bán vật liệu xây dựng) nghỉ nên xích lô, xe ba gác cũng ít xuất hiện trên đường. Những người vẫn tiếp tục hành nghề chạy xích lô, xe ba gác thì ỷ y rằng hôm qua là lễ nên CSGT chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt.
Sẽ tịch thu xe không có biển đăng ký vi phạm
Chiều qua (1-1), thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM, cho biếi Phòng đã chỉ đạo lực lượng CSGT thực hiện nghiêm Công điện khẩn 9267 của UBND TP. Đối với xe ba, bốn bánh tự chế có biển số đăng ký nhưng chưa được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà vi phạm (lưu hành trước 22 giờ đêm hoặc sau 4 giờ sáng); xe ba, bốn bánh tự chế thu gom rác vi phạm (lưu hành trước 22 giờ hoặc sau 6 giờ sáng) thì sẽ bị phạt theo Nghị định 146. Đối với xe bốn bánh tự chế không có biển số đăng ký mà vi phạm (lưu hành trước 22 giờ đêm hoặc sau 4 giờ sáng) thì sẽ lập biên bản tạm giữ và tịch thu phương tiện.
TD |
- Thông tin TP.HCM sẽ chọn ra 100 hộ nghèo nhất hành nghề bằng xe ba, bốn bánh tự chế thường trú lâu ở TP để xét tặng xe mới làm nhiều người nghèo rất phấn khởi. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về việc chọn lựa người vào “top 100” này sao cho hợp lý. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, cán bộ xóa đói giảm nghèo phường 1 (quận 11), cho rằng không nên chọn theo mức thu nhập của các hộ. Bởi có những hộ có mức thu nhập rất thấp nhưng lười lao động thì không nên hỗ trợ. Nên chọn những hộ nào có người chạy xe ba, bốn bánh là lao động chính hoặc trong gia đình có người bị bệnh nan y không thể lao động được. TM
- Đúng 6 giờ 30 hôm qua, Hà Nội đã ra quân kiểm tra, xử lý xe ba bánh tự chế lưu thông. Tại chốt kiểm soát ngã tư Hoàng Cầu - Đê La Thành, chỉ sau một giờ đã thu giữ ba xe quá niên hạn sử dụng, cũ nát, không có biển kiểm soát. Đến 9 giờ sáng qua, trạm kiểm soát trên đường Giải Phóng đã xử lý sáu trường hợp sử dụng xe ba bánh, ba gác tự chế lưu thông... Đối với xe ba, bốn bánh tự chế do thương binh, người khuyết tật điều khiển thì được phép lưu hành đến hết ngày 30-6. Trong thời gian này, thương binh, người khuyết tật phải làm thủ tục đăng kiểm, đăng ký, thi lấy bằng lái xe. Riêng xích lô du lịch hiện vẫn chưa rõ hình thức xử lý. T.CẦU
- Thượng tá Huỳnh Văn Hai, Phó phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết xe công nông, ba bánh tự chế tại TP Đà Nẵng rất ít. Hôm qua TP này chưa có trường hợp xe công nông, xe tự chế vi phạm bị phạt. Một số xe ba gác tại cảng cá Thuận Phước hiện đã tạm ngừng lưu thông. Người nào vi phạm sẽ bị phạt nghiêm đến bốn triệu đồng/chiếc, tịch thu phương tiện, giữ giấy phép lái xe đến 90 ngày. T.VŨ
- Tỉnh Kon Tum đã cấm xe ba gác máy lưu hành cách đây bốn tháng, trong số này chỉ một số ít tự chuyển đổi ngành nghề bằng việc đi vay với lãi suất cao để “tậu” cho mình chiếc xe tải nhỏ. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết xe tải nhỏ này đều là xe cũ, giá chỉ ở mức 50 triệu đồng/xe. Gần 3.000 người hành nghề xe ba gác trước đây trên địa bàn tỉnh phải mua xe gắn máy để chạy xe thồ, một số người đi làm thợ hồ, bán vé số. Theo nhiều người cho biết họ chỉ nhận được tiền hỗ trợ từ tỉnh là một triệu đồng/người, số tiền nhỏ bé này không thể “xoay chuyển” được tình hình khó khăn hiện nay... N.LINH
- UBND tỉnh Bạc Liêu vừa cho phép tạm thời lưu hành xe lôi máy chở hàng tại nội ô thị xã, thị trấn của tỉnh đến hết ngày 16-2, từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Cấm xe lôi máy chở hành khách trên tất cả các tuyến đường và xe lôi máy chở hàng hóa trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện trong toàn tỉnh. Người chạy xe lôi máy có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ khoảng 3,6 triệu đồng/người để tìm việc làm hoặc học nghề. H.TRANG
- Hôm qua, tại Đồng Tháp, cả xe lôi đạp lưu thông trên đường cũng bị kiểm tra, xử phạt. Xe ba gác, xe lôi gắn máy nếu có giấy đăng ký đầu xe hợp lệ thì không bị giữ đầu xe mà chỉ lập biên bản, tạm giữ thùng xe, nếu không có giấy đăng ký sẽ bị giữ cả xe để xử lý. Mặc dù tỉnh có chủ trương hỗ trợ người chạy xe ba gác, xe lôi tự chế chuyển nghề, cho vay vốn sắm xe tải... nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa xúc tiến biện pháp hỗ trợ người dân. Y.HÀ
- Hôm qua, tại TP Cần Thơ vẫn có người “liều mình” lén chạy xe ba gác, xe lôi để kiếm cơm. Nhác thấy bóng dáng CSGT là họ cho xe chạy vào các hẻm, đường nhỏ để né tránh. Được biết, HĐND TP Cần Thơ vừa thông qua nghị quyết hỗ trợ chuyển nghề đối với người chạy xe lôi, ba gác (mỗi xã viên chạy xe lôi là 1,5 triệu đồng). TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho xã viên, hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua phương tiện hoặc chuyển nghề mới... Thế nhưng các khoản hỗ trợ vẫn chưa đến tay người dân. G.TUỆ |